dd/mm/yyyy

Mưa lũ lịch sử: Nhà cửa bị vùi lấp, cây trồng ngập nước, dân thở dài theo con nước lên

Trận mưa lũ lịch sử, lần đầu tiên trong 10 năm qua, Thủy điện Hòa Bình phải mở 8 cửa xả đáy. Khắp nơi từ vùng núi phía Bắc tới đồng bằng Bắc Bộ bị nước lũ bủa vây.

Clip: Nông dân Ninh Bình trầm mình cứu lúa

Hòa Bình: Sạt lở nghiêm trọng, 16 người bị vùi lấp

Vào lúc 1h10 rạng sáng nay (12.10), tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, vùi lấp 19 người và 7 nhà sàn. Hiện lực lượng tìm kiếm đã cứu được 3 người còn sống.

Ông Vũ Quang Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Lạc đã xác nhận thông tin trên.

Vụ sạt lở nghiêm trọng tại Hòa Bình, vùi lấp 19 người và 7 nhà sàn

Trong khi đó, ông Trần Văn Tiệp - Giám đốc Sở NNPTNT, Phó Trưởng ban thường trực Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình cho biết, 4 gia đình, tổng cộng là 19 người, hiện mới tìm được 3 người còn sống.

Lực lượng Cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đã điều động 2 xe ô tô cùng hơn 20 cán bộ chiến sĩ Phối hợp CA huyện Tân Lạc tham gia cứu hộ cứu nạn.

Nông dân Ninh Bình lội nước vớt từng bông lúa trong nước lũ

Nước lũ tràn về bất ngờ đã khiến cho bà con nông dân ở Ninh Bình không kịp trở tay. Nhiều ruộng lúa chìm sâu trong nước, nhiều người đã phải mặc áo mưa, chèo thuyền đi vớt từng bông lúa về...

Thời điểm này tại các cánh đồng ở các huyện Yên Khánh, Kim Sơn..., diện tích lúa bị gãy đổ rất lớn, phần lớn số diện tích lúa trên đều ngập chìm trong nước và đang mọc mầm.

Nước lũ về khi lúa tại Kim Sơn (Ninh Bình) đang chuẩn bị cho thu hoạch

Anh Trần Văn Dậu ở xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn cho hay: "Mấy hôm nay mưa, gió to quá làm 3 sào lúa của gia đình đổ ngâm nước gần hết, nay lên thăm lúa thì thấy lúa mọc mộng nên tôi phải khẩn trương thuê, mượn người lên thu hoạch ngay”.

"Năm nay dân khổ quá, thời tiết không ủng hộ lúa mấy mùa chả được mấy hạt giờ lại ngâm nước lên mầm hết, năm nay xác định đi ăn đong thôi" - anh Dậu ngậm ngùi.

Người dân ra đồng gặt lúa chạy đua với lũ

Bà Phạm Thị Loan ở xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh cho biết, nhà có 2 mẫu ruộng, do mưa kèm theo gió lớn khiến lúa đổ hết máy không vào gặt được, gia đình bà phải thuê, mượn người đi gặt tay. "Lúa mất mùa thu hoạch chả được là bao mà thuê người gặt giá cao, song vẫn phải gặt đưa lúa về thôi" - bà Loan nói.

Nước lũ sông Hồng dâng cao: Dân Hà Nội thở dài trong mưa

Do Thủy điện Hòa Bình xả lũ, tại bãi ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội nhiều địa điểm chìm trong “ biển nước”. Có nơi cây trồng, nhà cửa của người dân bị ngập lụt…

Nước từ thượng nguồn đổ về cùng với mưa liên tục, mực nước trên sông Hồng mỗi lúc một dâng cao. Quang cảnh khu vực bãi giữa sông Hồng (đoạn dưới chân cầu Long Biên) nước ngập mênh mông, cây trồng của người dân chìm trong biển nước.

Nước sông liên tục dâng lên nhấn chìm nhiều nóc nhà, hoa màu tại khu vực bãi giữa Sông Hồng

Khu vực bãi giữa sông Hồng vốn là nơi sinh sống và trồng trọt của nhiều hộ dân nghèo. Những ngày này, mưa liên tiếp, mực nước sông Hồng liên tục dâng lên nhấn chìm nhiều nóc nhà tạm bợ, các vườn cây trồng, rau quả của những con người nghèo khổ nơi này. Mưa lũ, ngập úng khiến cuộc sống của hàng chục hộ dân nơi bãi giữa bị xáo trộn.

Nhà cửa ngập chìm trong nước lũ

Trong tiếng mưa, những ánh mắt buồn, xen lẫn những tiếng thở dài não nề…17h, tại khu vực bãi ven sông Hồng (đoạn địa phận cuối ngõ 124 Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) nhiều diện tích đất chìm trong “biển nước”.

Tại “Vườn hoa bãi đá ven sông Hồng” – điểm chụp ảnh nổi tiếng ở Hà Nội, nước sông Hồng liên tục tràn vào nhiều khu nhà của địa điểm này. Một số ao Sen ngập tũm trong nước, cảnh những nhân viên của vườn hoa bì bõm lội nước bắt chim câu để di tản tới nơi an toàn diễn ra hối hả. Nước không ngừng dâng, nhiều người bảo đến tối, nước sẽ ngập ngang đầu người, mấp mé cả nóc nhà…

Người dân lội nước bắt chim câu để di tản tới nơi an toàn

Trận mưa lũ lịch sử năm nay đã gây hậu quả nặng nề, khiến cuộc sống đảo lộn. Chính quyền và người dân các địa phương đang gồng mình khắc phục hậu quả mưa lũ.

B.C