dd/mm/yyyy

Ngao du miền Tây mùa xả lũ xem bắt cá, tôm, không vui không "tính tiền"

Lũ về, đồng ruộng được bồi đắp phù sa, các mô hình sản xuất phát triển, đặc biệt tour du lịch mùa nước nổi “đắt như tôm tươi”...

Những vùng đất nhiều cá, tôm

Gia đình ông Trần Văn Năm (xã Vĩnh Lộc, An Phú, tỉnh An Giang) là một trong những hộ sống với nghề chài lưới. Gia đình có 4 người, ngoài đặt dớn bắt cá vào đầu mùa lũ, giăng lưới cá trạch lúc lũ sắp rút, ông còn có nghề ụ lươn đồng. Năm nay, lũ về mang theo nhiều tôm, cá nên gia đình ông có cuộc sống thoải mái. “Mùa lũ năm nay, dàn dớn nhà tôi chạy cá linh rất nhiều. Mỗi ngày bắt được khoảng 30kg. Thời điểm đầu mùa, cá linh có giá lên đến 120.000 đồng/kg. Thu nhập của gia đình gần 4 triệu đồng/ngày…” - ông Năm tâm sự.

Vừa dứt lời, ông Năm bưng ly rượu đế uống rồi cởi mở, cá linh, cá trạch và lươn hiện đã trở thành đặc sản vùng miền, không có

Lũ giờ đây trở thành mùa sinh lợi, mùa tăng thêm thu nhập cho ngư dân. Ở xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu, Phú Hữu, Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, Nhơn Hội (huyện An Phú) hay xã Phú Lộc, Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa, Tân An (TX. Tân Châu), mùa lũ năm 2017 đã thực sự trở thành mùa làm ăn. Ngoài đặt dớn, giăng lưới, giăng câu, bắt ốc, đặt lọp cua, ụ lươn đồng…nhiều hộ dân nơi đây làm đầu mối thu gom đặc sản mùa lũ để đưa đi các tỉnh, thành phố trong cả nước tiêu thụ.

loại nào giá dưới 100.000 đồng/kg. Cụ thể, cá linh đầu mùa giá 120.000 đồng, cá trạch cơm 130.000 đồng/kg và lươn đồng 240.000 đồng/kg.

Gia đình bà Nguyễn Thị Sương (xã Nhơn Hội, huyện An Phú) là một điển hình. Bà Sương cho biết, mùa lũ năm 2017, bà được thương lái ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đặt hàng các loại đặc sản như: cua, ốc và lươn đồng.

Yêu cầu của các đầu mối tiêu thụ đối với bà Sương là thu gom mỗi ngày là 1 xe tải, vì vậy lượng hàng ở An Phú không đủ đáp ứng, bà phải đặt điểm thu mua khắp các địa phương trong tỉnh. Mỗi ngày, cứ đến 16 giờ chiều, hàng hóa được thu gom đầy xe tải 8 tấn, tài xế nhanh chóng đưa hàng về chợ đầu mối để kịp cho buổi chợ sáng sớm hôm sau.

Khi lũ chớm nhảy bờ rào, lúc đó ngư dân đặt cua đồng rất chạy. Đây là thời điểm các mối hàng ở TP. Hà Nội mua hàng rất nhiều.

Hiện nay, cua ra TP. Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc được vận chuyển bằng đường hàng không. Bình quân mỗi ngày, thị trường này tiêu thụ trên 4 tấn cua.

"Người dân miền Bắc rất thích ăn món canh cua rau đay, cùng với cà pháo chấm mắm tôm, vì vậy cua đồng bán rất chạy, không bao giờ đáp ứng đủ số lượng...” - bà Sương chia sẻ.

Tăng thêm thu nhập

Ngoài khai thác sản vật “trời cho”, hơn 20 năm qua, kể từ lúc Đề án “Khai thác thế mạnh của lũ, tổ chức sản xuất để tăng thêm thu nhập cho người dân” của UBND tỉnh An Giang ra đời, các địa phương đã khuyến khích nông dân làm ăn trong lũ, làm giàu chính đáng thông qua nhiều mô hình như: nuôi tôm, cá tra, trồng sen, ấu, rau màu...

Nhờ đó, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Nếu thu nhập bình quân đầu người trước năm 1996 khoảng 25 triệu đồng, hiện nay, con số này đã tăng lên gần 40 triệu đồng/người/năm, có một số địa phương đạt trên 50 triệu đồng/năm.

“Chúng tôi là những người chuyên sống với nghề nuôi thủy sản, mỗi khi ĐBSCL có lũ, nhà tôi rất vui vì ngoài khai thác lượng thủy sản thiên nhiên, tôi còn tổ chức sản xuất trong lũ như: nuôi tôm, cá tra giống hoặc các loài thủy sản khác. Chỉ tính riêng mùa lũ năm 2017, qua 2 đợt bán cá tra giống, tôi thu nhập trên 700 triệu đồng, nếu so với trồng lúa thì nuôi thủy sản cho thu nhập rất cao…” - ông Mai Văn Cường (xã Bình Phú, huyện Châu Phú) chia sẻ.

Trước đây, ông Cường là một trong những hộ chuyên nuôi tôm, mùa lũ năm nay, ông nuôi thêm cá tra giống. Thời gian nuôi chỉ từ 45-60 ngày là đã thu hoạch. Giá cá tra thịt lên đến 28.500 đồng/kg, nên cá tra giống cũng lên theo. Cụ thể, giá cá tra giống vào thời điểm trung tuần tháng 12-2017 lên đến 52.000 đồng/kg (loại 30 con/kg).

“Năm nào lũ cao, nuôi tôm, cá rất tốt, bởi trong nước lũ có nhiều phiêu sinh vật để tôm, cá ăn. Lũ lớn, những hộ nuôi cá tra giống rất mừng bởi ngư dân vớt trứng nước nuôi cá giống. Đây là loại thức ăn từ thiên nhiên, rất tốt cho cá tra giống. Chỉ tính riêng những hộ dân sống chuyên nghề kéo trứng nước, bình quân mỗi ngày thu nhập trên 2 triệu đồng” - ông Nguyễn Văn Ẩn (xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn) chia sẻ.

Mùa lũ năm nay, ngư dân nuôi tôm xã Phú Thuận rất phấn khởi vì tôm nuôi mau lớn. Bình quân 1 vụ nuôi 105 ngày là cho thu hoạch. Nguồn nước dồi dào, tôm lớn nhanh. Hiện toàn xã có 30 hộ nuôi tôm, với diện tích 72ha. Ngoài nuôi thủy sản, ngư dân trong tỉnh còn trồng cây sen để phát triển kinh tế gia đình.

Các địa phương có diện tích trồng sen nhiều là các huyện như Châu Phú, Thoại Sơn, Tri Tôn, An Phú, TX. Tân Châu. Đây là cây dễ trồng, có giá trị kinh tế. “Cây sen dễ bán, từ lá đến ngó, củ, gương sen đều bán được. Có thời điểm bán sen lụa được giá 50.000 đồng/kg, thời gian trồng 65 ngày là cho thu hoạch ngó…” - ông Nguyễn Trung Bình (xã Ô Long Vỹ, huyện Châu Phú) chia sẻ.

Mùa lũ 2017, toàn tỉnh An Giang có 20.000ha đất trong vùng đê bao ở các địa phương: TX. Tân Châu, An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Tri Tôn, Tịnh Biên, Phú Tân xả lũ, đón phù sa vào đồng ruộng, vì vậy vụ đông xuân 2018 sẽ hứa hẹn một mùa bội thu.

“Năm nay, các hãng lữ hành có một mùa bội thu nhờ tour “về ĐBSCL đón lũ và ăn đặc sản”. Ngoài thưởng thức đặc sản, du khách còn có dịp ghé qua miếu Bà Chúa Xứ núi Sam để chiêm bái, vào Thất Sơn đi cáp treo ngắm toàn cảnh núi non hùng vĩ, đến rừng tràm Trà Sư ngắm chim, cò, hòa nhập thiên nhiên để nhớ về thời khai hoang mở cõi. Đây được xem là tour hấp dẫn nhất trong mùa lũ năm 2017”- bà Trần Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc Công ty Du lịch Miền Tây) chia sẻ.

Minh Hiền