dd/mm/yyyy

Nghịch cảnh cây trái đặc sản “phập phồng” vụ Tết

Những đợt bão lũ liên tiếp vừa qua khiến nhiều vườn cây chuẩn bị cho vụ tết 2018 bị tả tơi, trái rụng đầy gốc vì sâu bệnh… Ngược lại, những doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước giải khát… lại đang rất lạc quan về thị trường mùa tết năm nay.

Chăm sóc bưởi Tân Triều chuẩn bị cho vụ tết ở Đồng Nai.

Xoài, bưởi, thanh long… những trái cây không thể thiếu ở chợ Tết, nhưng năm nay, lại đang đối mặt nguy cơ mất mùa nặng.

Âu lo với vườn trái cây

Thời điểm hiện tại, nông dân vùng Đông Nam bộ đang tất bật chuẩn bị cây trái cho mùa chợ Tết. Nhưng sau 3 trận bão lũ, áp thấp nhiệt đới liên tục vừa quét qua đã khiến nhiều vườn cây vẫn còn tả tơi, chưa kể, dịch bệnh trên một số loại cây trồng đang hoành hành.

Ông Nguyễn Thế Bảo – Chủ nhiệm HTX xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) không giấu được vẻ lo lắng khi được hỏi về việc chuẩn bị cho mùa vụ tết. “Trái rụng khắp gốc xoài, HTX chỉ mới thống kê sơ sơ vài hộ trong khu vực đã có hơn 20 tấn xoài chuẩn bị thu hoạch cho đợt tết dương lịch sắp tới bị rụng, hư hỏng không thể bán được”, ông Bảo thông tin.

Rất nhiều hộ trồng xoài ở Đồng Nai năm nay nguy cơ mất mùa vì thời tiết. Gia đình anh Nguyễn Nhữ (ở huyện Tân Phú, Đồng Nai) dù chỉ có 2 ha đất vườn trồng xoài, bưởi và một ít sầu riêng, nhưng cũng không thoát cảnh “thất bát”. “Hoa vừa mới nhú đã rụng trắng gốc, trái non cũng chưa kịp đậu huống gì trái bán tết. Mấy năm nay thời tiết thất thường nên trồng cây trái mất mùa liên tục”, anh Nhữ bày tỏ.

Nhiều nhà vườn tại Đồng Nai lo lắng vì vụ xoài năm nay thời tiết không thuận lợi. Ảnh minh họa

Không chỉ xoài, bà con trồng bưởi, cam, thanh long… vụ tết này cũng thấp thỏm không yên. Vừa cắt dọn vườn thanh long bị bệnh nấm tắc kè hoành hành, bà Mười Thứ (ngụ xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), lo lắng, tết này sẽ không có hàng để cung cho HTX.

Bà cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, vườn thanh long nhà bà dù được chăm sóc rất cẩn thận, không lạm dụng phân hóa học hay thuốc BVTV gì, thế nhưng, nhiều tay thanh long bỗng dưng bị nổi đốm trắng xóa, rục cành, chỉ còn “trơ xương”. Ban đầu chỉ vài cành nhiễm bệnh rồi lan dần ra cả vườn.

Thanh long vụ tết thường bán rất được giá, phần vì đơn hàng xuất khẩu nhiều, phần vì nhu cầu trong nước tăng cao. Trái thanh long đẹp nên hầu hết mọi nhà đều mua về chưng tết. Nhưng năm nay nhiều vườn mất mùa, bệnh hoành hành khiến các tay thanh long èo oặt, trơ gốc… “Chưa năm nào đủ thứ khó khăn như năm nay. Chưa biết phải lấy đâu hàng để giao cho HTX, vì cuối năm đơn hàng rất nhiều mà cây thì không ra trái”, bà Thứ lo lắng.

Còn tại các làng trồng hoa tết ở huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) và Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), bà con nông dân cũng thấp thỏm với vụ hoa tết, lo thời tiết không thuận lợi. Ông Vũ Đình Chung, một hộ trồng hoa ở xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) thông tin: So với những năm trước, năm nay, ông phải thắp đèn cho vườn hoa nhiều hơn.

Cụ thể, cuối tháng 11 đến nay, mỗi ngày ông phải dùng biện pháp kỹ thuật, thắp đèn từ 3 – 5 tiếng mỗi ngày để khắc phục tình trạng “ngày tháng mười chưa cười đã tối”, hoa có thể ra nụ sớm hơn.

Thắp điện nhiều thì chi phí đội lên, mưa nhiều cũng khiến hoa khó chăn sóc hơn, sâu bệnh nhiều hơn… Tuy nhiên, mỗi năm chỉ một vụ nên bà con vẫn dồn hết tâm huyết cho những chậu hoa còn đang rất bé, mong đúng vụ tết để thu lại vốn đầu tư.

Ưu tiên đặc sản địa phương

Trong khi nhà vườn nhiều nơi “đứng ngồi không yên” vì lo một vụ tết thất thu, ngành công thương TP.HCM cho rằng, năm nay, các đặc sản vùng, miền, sản vật địa phương sẽ được tiêu thụ mạnh ở TP.HCM.

Công tác chuẩn bị, sản xuất, dự trữ cung ứng hàng hóa cho hai tháng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã tương đối, với giá trị nguồn hàng đạt hơn 17.812 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, năm nay, với xu hướng người tiêu dùng yêu thích các sản vật địa phương nên thị trường thành phố sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản từ các tỉnh. Đồng thời, lượng hàng hóa cũng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý hơn.

TP.HCM cũng thông qua Chương trình hợp tác thương mại với các tỉnh, thành phố khu vực Đông - Tây Nam bộ để nắm tình hình nguồn cung lượng hàng lớn cho người tiêu dùng Thành phố, đặc biệt là các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... Qua đó, kết nối để đưa các sản vật địa phương về Thành phố nhiều hơn.

Bà Trang cũng cho biết, năm nay, nhiều doanh nghiệp có điều kiện mở rộng thị phần và mạng lưới phân phối sản phẩm hơn. Đầu tháng 12 tới, hội nghị kết nối cung – cầu dự kiến cũng sẽ được tổ chức nhằm bổ sung thêm nguồn hàng hóa từ các tỉnh. Một số các sản phẩm đặc trưng ngày tết như hoa, cây kiểng, bánh kẹo, nước giải khát… cũng đang được các đơn vị tất bật chuẩn bị.

Người trồng hoa tại Sa Đéc đang tất bật chăm sóc hoa phục vụ dịp Tết. Ảnh: minh họa

Đơn cử, đối với mặt hàng hoa, dự báo thị trường TP.HCM năm nay sẽ tiêu thụ khoảng 600.000 – 700.000 chậu mai, 250.000 – 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại. Vì vậy, mới đây, Sở Công Thương TP.HCM và Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp tạo điều kiện cho thương nhân và nhà vườn ở các địa phương gặp gỡ, trao đổi cùng liên kết cung ứng, thu mua chuẩn bị nguồn cung cho thị trường Tết.

Cũng theo Sở Công Thương TP.HCM, lượng hàng hóa mà các doanh nghiệp chuẩn bị phục vụ cho hai tháng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tăng hơn 743 tỉ đồng (tăng khoảng 4%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Trong đó, nhiều nhóm hàng chuẩn bị sản lượng lớn, chi phối từ 32% – 55% nhu cầu thị trường như: Thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo...

Ông Nguyễn Quốc Hoàng – Tổng giám đốc PAN food cho hay, những năm gần đây, các sản phẩm bánh kẹo ngày tết không còn là sản phẩm “dụ trẻ con” nữa. Thay vào đó, người tiêu dùng đã bắt đầu quan tâm tới chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng, độ tươi mới của sản phẩm…

Chưa kể, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trong nước cũng đang phải cạnh tranh mạnh với các nhà nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài và cả xu hướng thích sử dụng sản phẩm “homemade, dù chưa nhiều. Do đó, bánh kẹo từ chỗ chỉ là “đồ ăn chơi” nay đã phải thay đổi rất nhiều để đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước.

Về mặt hàng đồ uống, PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia-rượu-nước giải khát Việt Nam thông tin: Chính sách thuế thay đổi liên tục khiến nhiều doanh nghiệp lĩnh vực này gặp khó khăn. Tỉ lệ hàng tồn kho cũng đã tăng cao nên doanh nghiệp không lo “hụt hàng” dịp lễ, tết cuối năm nay.
Thuận Hải