Nhận diện đối thủ cạnh tranh đối mặt hàng gỗ trong CPTPP

10/12/2022 15:59 GMT+7
Tìm hiểu thị trường, đánh giá nhu cầu của sản phẩm gỗ, xác định đối thủ cạnh tranh và những đối xử đặc biệt của Hiệp định CPTPP đối với các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ... sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh, tiếp cận tốt hơn với thị trường đầy khó tính này.

Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ lớn hàng đầu thế giới 

Theo đánh giá chung của Thương vụ Việt Nam tại Canada, Việt Nam có năng lực sản xuất và chế biến gỗ tương đối cao với mạng lưới nhiều doanh nghiệp (trên 7.000 doanh nghiệp ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ), làng nghề (340 làng nghề) và có lực lượng lao động đông đảo với chi phí lao động thấp. 

Ngoài ra, bên cạnh lợi thế từ các FTA, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự dịch chuyển sản xuất và tăng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua do hàng Việt Nam có lợi hơn về thuế nhập khẩu sang Mỹ mà thị trường Hoa Kỳ và Canada gắn kết chặt chẽ với nhau. 

Nhận diện đối thủ cạnh tranh đối mặt hàng gỗ trong CPTPP - Ảnh 1.

Việt Nam được đánh giá có thể sẽ trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ lớn hàng đầu thế giới trong 10-15 năm tới. 

Điểm hạn chế hiện nay của ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là: Chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu nguồn lực đã qua đào tạo; doanh nghiệp yếu về khâu thiết kế dẫn đến mẫu mã sản phẩm khó cạnh tranh, còn tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ; công tác quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin, marketing của doanh nghiệp trong nước còn kém.

Khó khăn nữa là phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện theo đơn đặt hàng, chưa có hệ thống phân phối ra thị trường để khai thác giá trị thương mại của sản phẩm; và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, trong đó, nguồn không thuộc các nước trong khối CPTPP hoặc đến từ những khu vực có rủi ro pháp lý cao.

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trong giai đoạn 2015-2020, kim ngạch xuất khẩu trung bình mặt hàng nội thất bằng gỗ của thế giới đạt 68,4 tỷ USD với mức tăng trưởng 2,7% mỗi năm. 

Trong đó, EU chiếm tỷ trọng lớn nhất là 38,1% (tương đương 26,8 tỷ USD). Tiếp theo là Trung Quốc với tỷ trọng chiếm 27,3% trong năm 2020. Việt Nam đứng thứ ba với tỷ trọng đạt 14,5% trong năm 2020. 

Đáng lưu ý là tỷ trọng này đã tăng gấp 3 lần so mức mức 5,8% của năm 2015. Xét về tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước các tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới trong giai đoạn 2015-2020. 

Theo đó, tỷ lệ tăng trưởng bình quân của Việt Nam là 25,4%, cao gấp 9 lần so với mức bình quân của thế giới là 2,7%, và cao hơn đáng kể so với các nước xuất khẩu lớn như EU (2,8%), Trung Quốc (2,5%)… 

Dịch Covid-19 đang tác động toàn diện đến thói quen tiêu dùng và cơ cấu chi tiêu. Xu hướng tăng cường các hoạt động gắn với khuôn viên ngoài trời quanh nhà (vườn nhà) đang thúc đẩy nhu cầu về đồ gỗ ngoài trời. Dịch Covid-19 buộc người dân phải ở nhà nhiều hơn, người dân càng có xu hướng gia tăng nhu cầu sử dụng không gian sân vườn và các tiện ích nội thất đi kèm như bàn, ghế, xích đu gỗ, giá kệ ngoài trời...

Thị hiếu tiêu dùng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Do đó, việc thu thập thông tin về thị hiếu tiêu dùng rất quan trọng. Thực tế, việc này có thể được thực hiện thông qua việc khảo sát các sản phẩm đang được kinh doanh trên thị trường Canada. Tức là tham khảo thị hiếu thông qua việc tin tưởng rằng các nhà cung cấp hiện hữu trên thị trường Canada đã tìm hiểu và nắm bắt được phần nào về thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. 

Dù hình thức này nhìn chung không tạo ra sự đột phá trong sản phẩm nhưng doanh nghiệp sẽ có phần nào “khái niệm” để tạo ra được sản phẩm tương đối phù hợp với người tiêu dùng Canada. Bản chất các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam có sự khác biệt về chất liệu và nguyên liệu, trong đó, sản phẩm gỗ từ Canada chủ yếu có nguồn gốc từ gỗ phong và các loại gỗ từ cây ôn đới trong khi các sản phẩm gỗ của Việt Nam chủ yếu là các loài cây nhiệt đới. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị hiếu để đưa ra những mẫu mã sản phẩm đủ mới lạ với thị trường này.

Triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Canada

Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 12,37 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2019. Trong số đó, các sản phẩm gỗ đạt kim ngạch 9,54 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2019, chiếm 77,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,9 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020. Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng kim ngạch mặt hàng này của Việt Nam đều tăng đều qua các năm trong 10 năm qua.

Đối với thị trường Canada, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020 đạt gần 219,8 triệu USD, tăng 14,4% so với năm 2019. Trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Canada đạt 169,3 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính với tỷ trọng chiếm 90% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng khác như gỗ, ván và ván sàn; đồ gỗ mỹ nghệ; khung gương cũng tăng trưởng mạnh.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Canada, 4 thị trường cung cấp chính đồ nội thất bằng gỗ cho nước này hiện nay là Trung Quốc, Việt Nam, EU và Hoa Kỳ, chiếm hơn 80% thị phần tại Canada.  

Nhu cầu đối mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Canada: Canada là quốc gia có ngành công nghiệp gỗ rất mạnh với sản lượng lên tới 600 triệu m3/năm. Quốc gia này cũng là một trong 10 nhà sản xuất đồ nội thất hàng thế giới. Tuy vậy, nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada đang tiếp tục tăng mạnh, trong bối cảnh ngành công nghiệp nội thất nước này giảm sản xuất trong nước do không thể cạnh tranh được với các thị trường nước ngoài có lợi thế chi phí rẻ hơn, trong đó có Việt Nam.

Theo một số phân tích, thị trường đồ nội thất gia đình của Canada dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 6% trong giai đoạn 2021-2025. Về mặt hàng cụ thể, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ, và đồ nội thất phòng ngủ là 3 mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất tại thị trường Canada. 

Xu hướng và thói quen tiêu dùng các mặt hàng này của người tiêu dùng Canada có thể kể đến như sau:  Xu hướng gia tăng đối với đồ nội thất nhỏ gọn, đa năng, được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường. Người Canada ưa chuộng sản phẩm có độ bền và thời gian sử dụng lâu dài, do đó ngày càng có nhiều nhu cầu về đồ nội thất cao cấp.

Sản phẩm gỗ xuất sang Canada nên chú trọng đến chất liệu chịu được tác động của thay đổi khí hậu, thời tiết vì vào mùa đông Canada rất lạnh. Nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Canada đối với các sản phẩm châu Á rất quan trọng đối với những người có thu nhập trung bình và thấp, những người không đủ khả năng mua các sản phẩm được sản xuất tại Canada. 

Nhận diện đối thủ cạnh tranh đối mặt hàng gỗ trong CPTPP - Ảnh 2.

Canada được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho mặt hàng gỗ của Việt Nam.

Những quy định của Canada và Hiệp định CPTPP áp dụng đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ: Về thuế quan: Mặt hàng gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ nằm chủ yếu ở HS Chương 44 và 94. Hiện nay, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada nói chung, và mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng được hưởng ưu đãi theo ba cơ chế thuế quan bao gồm: MFN trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập GPT (General Preferential Tariff), và mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP. 

Cơ chế thuế quan MFN trong khuôn khổ WTO Thuế MFN là mức thuế Canada đã và đang cam kết trong khuôn khổ WTO kể từ năm 1995. Hiện nay, thuế MFN được Canada dành cho hàng hóa được nhập khẩu vào Canada từ lãnh thổ của 228 quốc gia trên thế giới, kể cả các nền kinh tế là thành viên WTO và các nền kinh tế không phải là thành viên WTO. Hiện nay, Việt Nam là một trong 228 quốc gia được hưởng ưu đãi thuế quan MFN của Canada.

Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng, mức thuế MFN hiện nay từ 0% đến 9,5%, trong đó mặt hàng nội thất bằng gỗ, là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của ta có mức thuế dao động từ 6% đến 9,5%. 

Cơ chế thuế quan GPT Kể từ năm 1974, Canada khởi động chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập dành cho các nước đang và kém phát triển với mục đích nhằm hỗ trợ các nước này trong việc phát triển kinh tế. Tính đến ngày 01 tháng 4 năm 2021, cơ chế GPT được dành cho hàng xuất khẩu sang Canada từ 106 quốc gia với điều kiện đáp ứng được các quy định về nguồn gốc xuất xứ của riêng cơ chế này.

Cơ chế GPT không dành cho tất cả các mặt hàng. Đối với các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ nằm ở Chương 44 và Chương 94, cơ chế GPT được áp dụng đối với tất cả các dòng hàng này. Mức thuế GPT đối với các dòng hàng gỗ và sản phẩm gỗ từ 0% đến 6%, trong đó mặt hàng nội thất bằng gỗ có mức thuế GPT chủ yếu ở mức 3% đến 6%. Cần lưu ý, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo cơ chế GPT, hàng xuất khẩu từ Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chí về quy tắc xuất xứ dành riêng cho cơ chế này được ban hành tại Quy định số SOR/2013/165 về Quy tắc Xuất xứ Ưu đãi thuế quan phổ cập và thuế quan của các nước kém phát triển. 

Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019 được coi là đòn bẩy cho việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước bởi đây là lần đầu tiên hai nước thiết lập quan hệ FTA. Với việc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Canada được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Dệt may, giày dép, thủy sản, chè, hạt tiêu, hạt điều, cà phê... trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục