Nhận viện trợ khủng, DN công nghệ Trung Quốc sống khỏe trước lệnh trừng phạt của Mỹ

04/09/2020 17:33 GMT+7
Trong khi vô số doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ ròng trong 6 tháng đầu năm do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, nhiều đại gia công nghệ Trung Quốc lại gần như không hề bị ảnh hưởng.

iFlyTek, một nhà phát triển công nghệ nhận dạng giọng nói dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc mới đây báo cáo lợi nhuận ròng 258,18 triệu NDT (37,7 triệu USD), tức tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có trụ sở đặt tại tỉnh An Huy phía Đông Trung Quốc, iFlyTek hiện là một trong những tập đoàn công nghệ Trung Quốc đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Hồi tháng 10/2019, iFlyTek bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen cùng hàng loạt đại gia công nghệ Trung Quốc khác như Hikvision, Dahua Technology, qua đó bị hạn chế quyền truy cập công nghệ Mỹ. Tuy vậy, cho đến nay, bất chấp lệnh cấm vận từ Mỹ, iFlyTek vẫn “sống khỏe”.

“Chúng tôi bị đưa vào danh sách đen của Mỹ vào ngày 8/10/2019. Nguyên nhân có thể là do công nghệ của chúng tôi quá tiên tiến” - trích phát biểu của CEO luân phiên iFlyTek, ông Hu Yu tại một sự kiện ra mắt sản phẩm diễn ra ở Bắc Kinh hồi đầu tuần này. Trước đó, lý do mà Washington đưa ra khi thêm iFlyTek vào danh sách đen là do cáo buộc liên quan đến hoạt động vi phạm nhân quyền với người dân tộc thiểu số Hồi giáo ở khu vực Tây Bắc Tân Cương.

iFlyTek hiện là 1 trong 6 công ty công nghệ Trung Quốc lọt danh sách đen của Mỹ đã công bố báo cáo tài chính trong nửa đầu năm. Ngoài ZTE, 5 công ty còn lại bao gồm iFlyTek đều nhận được các hình thức hỗ trợ tài chính từ chính phủ Bắc Kinh.

Nhận viện trợ khủng, DN công nghệ Trung Quốc sống khỏe trước lệnh trừng phạt của Mỹ - Ảnh 1.

Lợi nhuận ròng của 5 DN công nghệ Trung Quốc lọt danh sách đen (cột xanh đậm) so với mức trợ cấp chính phủ mà chúng nhận được (cột xanh nhạt) trong nửa đầu năm 2020

Cụ thể, trong gần cuối bản báo cáo sơ bộ dài 170 trang gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, iFlytek tiết lộ rằng họ đã nhận được 378,57 NDT trợ cấp chính phủ, tức nhiều hơn khoảng 50% so với lợi nhuận mà công ty báo cáo trong kỳ tài chính này. Khoản trợ cấp tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái cho phép iFlyTek trang trải những chi phí bù đắp lại việc bị lọt vào danh sách đen của Mỹ trong gần 1 năm qua.

Một khoảng tiền 62 triệu NDT trong số đó được iFlyTek tiết lộ xuất phát từ quỹ xây dựng Speech Valley, một sáng kiến của chính quyền Tỉnh An Huy phối hợp với Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc nhằm xây dựng nhóm ngành công nghệ nhận dạng giọng nói dựa trên trí tuệ nhân tạo. 

Hồi năm ngoái, trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực, iFlyTek cũng từng tiết lộ đã nhận được khoản trợ cấp trị giá 1,4 triệu NDT từ sáng kiến Made in China 2025 của chính phủ Bắc Kinh. Sáng kiến này tập trung thúc đẩy phát triển 10 ngành công nghệ trọng điểm của Trung Quốc bao gồm hàng không vũ trụ, robot, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, tin học… Mục đích của sáng kiến không dừng lại ở việc phát triển 10 ngành trên đến trình độ cao mà còn mong muốn giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài theo hướng tự chủ, tự lực tự cường. Do đó, kể từ khi công bố, sáng kiến này đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ chính quyền Trump.

Một công ty khác cùng nằm trong danh sách đen với iFlyTek là Xiamen Meiya Pico Information mới đây cũng báo cáo lợi nhuận ròng tăng 176% lên 3,74 triệu NDT. Công ty này cũng nhận được khoản viện trợ lớn của chính phủ là 33,11 triệu NDT, tức cao gấp 9 lần lợi nhuận ròng cuối cùng. Xiamen Meiya Pico Information hiện hoạt động trong lĩnh vực bán công nghệ sử dụng cho điều tra dữ liệu pháp y và kiểm duyệt trực tuyến, với khách hàng quen thuộc là các cơ quan an ninh và cơ quan tư pháp. Xiamen Meiya Pico Information từng là doanh nghiệp tư nhân trước khi về dưới trướng Tổng công ty Đầu tư & Phát triển Nhà nước, một tập đoàn do nhà nước Trung Quốc kiểm soát hồi tháng 7/2019, tức chỉ 3 tháng trước khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen.

Hikvision Digital Technology, nhà sản xuất camera giám sát lớn nhất thế giới có trụ sở Hàng Châu, Trung Quốc là công ty được hưởng lợi nhiều nhất từ trợ cấp chính phủ trong số 6 công ty đã công bố báo cáo tài chính đến nay. Khoản viện trợ mà Hikvision nhận được lên tới gần 1 tỷ NDT, tức tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. 

Hiện chưa có công ty nào phản hồi tờ Nikkei Asian Review về những khoản trợ cấp nói trên. Chính phủ Trung Quốc cho đến nay thường rất kiệm lời, tránh thảo luận về các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh trợ cấp doanh nghiệp trở thành một trong những vấn đề khúc mắc chính trên bàn đàm phán thương mại Mỹ Trung.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục