dd/mm/yyyy

Nông dân miền núi Khánh Hòa thu trung bình 1 tỷ đồng/ha sầu riêng, nhà nào cũng giàu lên trông thấy, trả được nợ

Người trồng sầu riêng tại huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa vừa thắng lớn, doanh thu trung bình khoảng 1 tỷ đồng/héc ta. Nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo vươn lên khá giả từ sầu riêng.

Nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng đã trợ giúp bà con trồng, chăm sóc cây sầu riêng trong thời gian dài đợi ngày thu hoạch.

Đến huyện Khánh Sơn hôm nay, đâu đâu cũng thơm ngát hương sầu riêng. Sầu riêng được trồng khắp các vườn cây, trên các triền đồi. Dọc các tuyến đường tấp nập cảnh mua, bán, vận chuyển sầu riêng về xuôi để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu. Sầu riêng được thương lái mua tại vườn từ 70 ngàn đồng - 90 ngàn đồng/kg. Với năng suất từ 12-15 tấn/ héc ta, nhiều hộ dân đã thu tiền tỷ. 3 năm liên tục, sầu riêng được giá, đời sống bà con huyện miền núi Khánh Sơn đã thay đổi rõ rệt.

Đến nay, các tuyến giao thông đều được nâng cấp, có đèn đường cao áp, dọc bên đường là những căn nhà mới khang trang, rộng rãi.

Ông Mai Văn Khang, 64 tuổi, quê tỉnh Nam Định đang cư trú ở xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn cho biết, vụ sầu riêng này, gia đình thu được 8 tỷ đồng. Nhớ về những ngày cơ cực, ông Mai Văn Khang kể, gia đình lên huyện Khánh Sơn lập nghiệp từ năm 2008, ông được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hơn 400 triệu đồng. Ông sử dụng nguồn vốn này mua giống, phân, thuốc, hệ thống tưới, còn lại mua máy móc để cơ giới hóa sản xuất.

Nông dân miền núi Khánh Hòa thu trung bình 1 tỷ đồng/ha sầu riêng, nhà nào cũng giàu lên trông thấy, trả được nợ - Ảnh 1.

Nông dân huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa thu hoạch sầu riêng

Từ những đồng vốn này, ông Khang đã nhanh chóng mở rộng diện tích trồng sầu riêng, đến nay, ông đã có 10 héc ta sầu riêng, cho thu nhập ổn định. Làm ăn hiệu quả, ông Khang còn bảo lãnh cho 15 hộ dân trong xã vay vốn, đến nay, những hộ này đều đã trở thành hộ khá giả :

“Từ Ngân hàng Nông nghiệp này mới đổi đời được, mình đang đói vốn, ngân hàng tạo cho mình để mình làm giàu được, mình phải nhớ ngân hàng. Không những mình mà những hộ người ta nghèo hơn, ngân hàng tin tưởng mình, mình dẫn người ta xuống để người ta vay. Người ta vay sau đó trả được, mình cũng mừng, ngân hàng cũng mừng. Tạo được sự phát triển cho địa phương. Mười mấy hộ, mình bảo lãnh luôn ” ông Mai Văn Khang nói.

Huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa có hơn 27 ngàn người. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 2/3. Nhiều năm trước, đời sống bà con hết sức khó khăn vì phụ thuộc vào nương rẫy với các loại cây trồng chống đói, giá trị thấp.

Từ 20 năm trước, huyện Khánh Sơn đã khảo nghiệm, nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả, trong đó, sầu riêng là cây trồng hiệu quả nhất. Khi khó khăn về giống, kỹ thuật dần được tháo gỡ thì người nông dân lại gặp khó khăn về nguồn vốn bởi từ lúc trồng đến ngày thu hoạch phải mất khoảng 5 năm.

Nông dân miền núi Khánh Hòa thu trung bình 1 tỷ đồng/ha sầu riêng, nhà nào cũng giàu lên trông thấy, trả được nợ - Ảnh 2.

Sầu riêng Khánh Sơn được mùa, được giá

Ông Bo Bo Vĩnh Thành ở xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn cho biết, cây sầu riêng rất “đỏng đảnh” nên không thể “lấy ngắn, nuôi dài” như trồng xen canh các loại cây ngắn ngày hay kết hợp chăn thả gia súc, gia cầm.

Gia đình ông Vĩnh Thành trồng 4 héc ta sầu riêng từ 4 năm trước, vốn vay từ ngân hàng đầu tư cho chăm sóc, đợi ngày hái quả: “Ngân hàng cũng tạo mọi điều kiện, bố trí các nguồn vay để canh tác. Phải có vốn vay chứ không vay thì trong 5 năm để duy trì vườn sầu riêng để có thu cực kỳ khó khăn. Đặc biệt nhất là công cán, thuốc men, chi phí rất nhiều. 4 héc ta 1 năm phải tốn 400-500 triệu, phải có ngân hàng, lượng vay hơi lớn, để đầu tư vào.”

Trong những năm qua, thông qua chuyển đổi các vườn tạp, diện tích cây sầu riêng ở Khánh Sơn tăng nhanh, đến nay đã lên đến 2.500 héc ta. Nhiều hộ đã chuyển sang mô hình canh tác hữu cơ, toàn huyện có 450 héc ta sầu riêng VietGap, đã có 4 mã số vùng trồng được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp phép.

Nông dân miền núi Khánh Hòa thu trung bình 1 tỷ đồng/ha sầu riêng, nhà nào cũng giàu lên trông thấy, trả được nợ - Ảnh 3.

Những vườn sầu riêng được đầu tư bài bản tại huyện miền núi Khánh Sơn

Năm nay, địa phương này có khoảng 1.200 héc ta sầu riêng cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 15.000 tấn, mang lại cả ngàn tỷ đồng cho người dân. Agribank là chi nhánh ngân hàng thương mại duy nhất trên địa bàn huyện Khánh Sơn,  cũng là nơi đáp ứng vốn vay chủ yếu cho bà con trồng sầu riêng cũng như các doanh nghiệp dịch vụ nông nghiệp. Đến nay, chi nhánh này có dư nợ 150 tỷ đồng, 100% khoản vay đều  ưu đãi theo Nghị định 55/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

 Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương đang tập trung chuyển đổi cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung đạt chuẩn cấp mã số vùng trồng, thực hiện liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng chế biến và xuất khẩu….

 Ông Đinh Văn Dũng khẳng định, phát triển cây sầu riêng đang là hướng đi đúng, góp phần đưa Khánh Sơn sớm thoát khỏi huyện nghèo: “Từ khâu cung cấp vốn hỗ trợ cho các đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cho vay cải tạo đất đối với người trực tiếp tực. Cũng như cho vay các đại lý mua nông sản, nhờ đó, góp phần tăng hiệu quả đối với cây trồng chủ lực. Nguồn vốn Agribank đã góp phần gia tăng diện tích trồng mới cây sầu riêng. Giúp cho đời sống của bà con nông dân dần ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhiều gia đình đã vươn lên, phát triển kinh tế, làm giàu và bộ mặt kinh tế của huyện phát triển từng ngày".

Thái Bình/ VOV-Miền Trung