dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Bản Rừng Thông thiếu nước sinh hoạt

Hàng chục năm nay, đồng bào dân tộc Mông bản Rừng Thông (xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt...

Mỗi gia đình phải chi từ 2 – 3 triệu mua nước uống

Bản Rừng Thông, xã Mường Bon là nơi sinh sống của 79 hộ đồng bào dân tộc Mông, với 384 nhân khẩu; trong đó có 5 hộ nghèo. Năm 1994, thực hiện Nghị quyết 06 của Chính phủ, bà con đồng bào Mông ở một số bản vùng cao của xã Tà Hộc, xã Chiềng Chăn của huyện Mai Sơn; xã Hang Chú, huyện Bắc Yên giã từ cây anh túc, xuống núi về xã Mường Bon sinh sống để chuyển hướng sản xuất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Giàng A Của, Trưởng bản Rừng Thông, xã Mường Bon, cho biết: Bà con di cư về đây từ năm 1994 với mong muốn có một cuộc sống ấm no, sung túc hơn ở trên vùng núi cao. Đến năm 1995, bản Rừng Thông được thành lập.

Nông thôn Tây Bắc: Bản Rừng Thông khát nước sinh hoạt - Ảnh 1.

Để đủ nước dùng, ông Của phải chắt chiu từng giọt nước. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo ông Của, từ khi bản Rừng Thông thành lập cho đến nay, bà con luôn sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Do vậy, đời sống, sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

"Trước đây, khi chưa có xe máy, đường giao thông chưa được mở rộng, hằng ngày bà con dân bản phải xuống tận suối Nậm Pàn (bản Tà Xa, xã Mường Bon) và một số bản giáp ranh gùi nước bằng can 20 lít; nhà có điều kiện thì chở nước bằng xe bò, xe đạp. Vì nước ở cách xa bản từ 2 – 3 cây số nên mỗi lần đi lấy nước phải mất hàng tiếng đồng hồ", ông Của nhớ lại.

Thời gian trôi đi, suối Nậm Pàn dần dần bị ô nhiễm, điều kiện kinh tế của người dân cũng khá hơn trước nên đã chủ động đầu tư xây bể, căng bạt tích nước mưa để sử dụng. Vào mùa khô, bà con mua nước từ thị trấn Hát Lót về sử dụng.

Nông thôn Tây Bắc: Bản Rừng Thông khát nước sinh hoạt - Ảnh 2.

Ông Của sửa lại những máng tre đợi trời mưa xuống dẫn nước vào bể. Ảnh: Mùa Xuân.

"Nhà tôi có 5 nhân khẩu. Để có đủ nước dùng, gia đình tự bỏ tiền xây 3 bể nước khoảng 50 khối để tích nước mưa. Mùa khô, gia đình bắt buộc phải mua khoảng 20 khối nước ở ngoài về sử dụng. Trung bình, một năm hết từ 2 – 3 triệu tiền mua nước.

Đấy là phải chắt chiu từng giọt nước, rửa mặt xong giữ lại rửa chân, sau đó đổ cho lợn gà. Nếu không tiết kiệm, số tiền mua nước không chỉ dừng lại từ 2 – 3 triệu. Mặt khác do không có nước sinh hoạt nên vào mùa khô chẳng hộ nào ở Rừng Thông trồng được rau ăn", ông Của chia sẻ.

Trong số 79 hộ dân ở Rừng Thông thì hộ ông Mùa A Lâu (61 tuổi) là hộ khó khăn nhất. Ông Lâu bảo: Gia đình tôi là hộ nghèo, có 10 nhân khẩu. Năm 1995, gia đình tôi từ xã Hang Chú, huyện Bắc Yên di cư về Rừng Thông sinh sống. Từ đó đến nay, mùa khô năm nào cũng thiếu nước sinh hoạt.

Nông thôn Tây Bắc: Bản Rừng Thông khát nước sinh hoạt - Ảnh 3.

Ông Lâu mong muốn Nhà nước sớm đầu tư nước sinh hoạt cho người dân. Ảnh: Mùa Xuân.

"Trung bình một năm, gia đình phải bỏ ra khoảng 4 triệu mua nước dùng. Nhà đã nghèo rồi lại càng nghèo thêm. Gia đình muốn trồng thêm mảnh rau, nuôi thêm con lợn để sớm ra khỏi danh sách hộ nghèo. Nhưng nước sinh hoạt hằng ngày còn không đủ, nói gì đến việc mở rộng sản xuất. Tôi mong muốn Nhà nước đầu tư công trình nước sinh hoạt sớm được ngày nào hay ngày đó, để bà con yên tâm lao động, sản xuất. Người dân Rừng Thông chờ đợi hàng chục năm nay rồi", ông Lâu kiến nghị.

Rừng Thông thiếu nước sinh hoạt là trăn trở của xã

Theo Ban quản lý bản Rừng Thông, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất ở Rừng Thôn đã diễn ra từ khi bản được thành lập cho đến nay. Trưởng bản, Bí thư Chi bộ và người dân đã kiến nghị không biết bao nhiêu lần với chính quyền các cấp về việc đầu tư nước sinh hoạt cho bản thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, hội họp…

Sau rất nhiều năm chờ đợi, đến năm 2020, người dân bản Rừng Thông cùng nhau góp 15 triệu đồng để thuê người khoan với mong muốn dò tìm được mạch nước ngầm. Tuy nhiên, sau 3 lần khoan ở độ sâu hơn lên đến cả trăm mét vẫn không thấy giọt nước nào.

Nông thôn Tây Bắc: Bản Rừng Thông khát nước sinh hoạt - Ảnh 4.

Một số hộ dân ở bản Rừng Thôn không có điều kiện xây bể thì căng bạt tích nước mưa sử dụng. Ảnh: Tuệ Linh.

Trao đổi chúng tôi, ông Đỗ Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Bon, xác nhận: Những phản ánh, kiến nghị của người dân bản Rừng Thông về việc thiếu nước sinh hoạt trong những năm qua là sự thật. Đó cũng là trăn trở của xã. Sau khi nhận được ý kiến của người dân, xã đã báo cáo lên UBND huyện Mai Sơn. Sau đó, UBND huyện Mai Sơn đã cử đại diện các phòng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kinh tế - Hạ tầng; Tài chính – Kế hoạch; Dân tộc cùng với xã Mường Bon vào khảo sát nguồn nước.

Theo Chủ tịch UBND xã Mường Bon, sau khảo sát đã tìm ra được 3 phương án giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Thứ nhất, khai thác nước ngầm. Thứ hai, lấy nước từ khu hồ bản Nà Bó. Thứ ba, đầu tư công trình nước sạch.

Ông Tuấn lý giải: Với phương án khai thác nước ngầm, sau khi khoan thử lượng nước ít nên không khả thi. Phương án thứ hai, lấy nguồn nước từ khu hồ bản Nà Bó, xã Nà Bó, xã đã thành lập tổ công tác lên kiểm tra nhưng nguồn nước ở đây không đảm bảo vệ sinh theo tiêu chuẩn.

Phương án thứ ba, đầu tư dự án công trình nước nước sạch bằng cách lấy nguồn nước ở Tiểu khu 8, xã Nà Bó, tuy nhiên khoảng cách rất xa nên kinh phí đầu tư rất lớn. Những phương án này, xã sẽ đề xuất lên huyện để làm sao tìm ra hướng giải quyết phù hợp cho người dân bản Rừng Thông.

Nước sinh hoạt là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày. Rất mong các cấp chính quyền huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La sớm có phương án hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt cho người dân bản Rừng Thông; qua đó góp phần giúp bà con vơi bớt khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt, ổn định đời sống, yên tâm lao động sản xuất.

Mùa Xuân - Tuệ Linh