dd/mm/yyyy

Nuôi đà điểu hoang dã, nhàn nhã lợi nhuận cao

Sau 3 năm nuôi đà điểu hoang dã tại nhà, anh Đỗ Văn Quang (thôn Nhân Mễ, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng) đã thu về cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương.

Nuôi đà điểu  hoang dã mỗi ngày chỉ cần cho đà điểu ăn 3 bữa, thức ăn chủ yếu là bèo tây

Khởi nghiệp từ hai con đà điểu giống

Đang có công việc ổn định tại thành phố, nhưng anh Quang đã quyết định về quê phát triển mô hình chăn nuôi trang trại. Nhận thấy tại địa phương, nguồn thức ăn sạch như cỏ, bèo,… có sẵn nên anh đã tìm hiểu nhiều mô hình chăn nuôi khác nhau để có thể áp dụng sao cho phù hợp.

Cần hết sức tránh các tình huống va chạm làm đà điểu gãy chân, gãy cổ. Trường hợp tai nạn như thế là hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra. Chẳng hạn ban đêm có tiếng động lạ khiến đà điểu giật mình, vùng bỏ chạy, nếu mặt đất trơn trượt sẽ dễ bị ngã. Thường thì vào mùa Đông thời tiết lạnh, đà điểu sẽ phát triển chậm hơn so với mùa Hè.
Anh Đỗ Văn Quang.

Tình cờ, năm 2014, anh được một người thân giới thiệu mô hình nuôi đà điểu lấy thịt bằng phương pháp hoang dã. “Thấy mô hình này khá hay, ở huyện Vĩnh Bảo lại chưa có gia đình nào nuôi giống con này nên tôi quyết định liều một phen”, anh Quang chia sẻ.

Ngày đầu lặn lội sang một trại giống tại Hải Dương để học hỏi kinh nghiệm, sau đó anh Quang chỉ dám “đầu tư” 2 cặp đà điểu khoảng 10 - 15 ngày tuổi về nuôi. Sau một thời gian nuôi thử nghiệm, thấy được hiệu quả kinh tế cao từ giống con này, anh Quang đã quyết định đầu tư mở rộng mô hình.

Anh Quang chia sẻ: “Ban đầu tôi khá lo lắng với quyết định của mình. Nhưng khi thấy đàn đà điểu phát triển khỏe mạnh tôi mừng lắm. Hiện gia đình tôi đang nuôi gần 20 con đà điểu. Việc chăm sóc đà điểu cũng khá nhẹ nhàng, chỉ cần một người là có thể chăm được đàn đà điểu này rồi”.

Qua tìm hiểu tập tính của loài vật này, anh Quang đã cải tạo phần đất nuôi đà điểu theo phong cách hoang dã. Thay vì xây chuồng trại kiên cố, anh Quang chỉ lợp một khu lán có mái che cho những con còn bé trú ngụ vào ngày có sương muối. Đà điểu là loài vật rất ít mắc bệnh nhưng để chúng phát triển khỏe mạnh thì khu vực chuồng trại phải thật sạch sẽ và phải trồng các loại cây tạo bóng mát như cây keo, chuối để đà điểu tránh nóng. Bên cạnh đó, khu vực nuôi phải có trải ít cát giúp đà điểu đỡ bị trơn trượt khi chạy.

Nuôi nhàn thu trăm triệu

Đà điểu là loại ăn tạp, thức ăn của chúng chủ yếu là các loại cây, rau cỏ, phụ phẩm từ thóc, gạo… Để đảm bảo thịt đà điểu thơm ngon, chắc thịt, anh Quang thường băm nhỏ bèo tây rồi trộn lẫn với cám gạo hoặc cám ngô cho đà điểu ăn.

Ngoài nuôi đà điểu, anh Quang còn nuôi thêm dê  Bách thảo để bán thịt và con giống

Theo anh Quang, đà điểu nuôi trong môi trường hoang dã, cần có sức đề kháng cao nên anh đã cho đà điểu ăn mỗi ngày 3 bữa và rất chú trọng đến thức ăn phải sạch thì đà điểu mới phát triển tốt được. Ngoài ra, anh cho đà điểu ăn thêm đường glucose nhằm tăng sức đề kháng bệnh tật cho đà điểu. “Tính ra mỗi tháng, đàn đà điểu nhà tôi chỉ ăn hết khoảng 500 nghìn tiền cám và mỗi ngày tôi cũng chỉ cần bỏ ra khoảng 1 tiếng đồng hồ là có thể chăm sóc đàn đà điểu”, anh Quang cho biết.

Đà điểu bắt đầu lớn nhanh vào thời điểm khoảng 5 tháng tuổi, khi chúng được 1 năm tuổi thì có thể xuất bán. Với số tiền đầu tư mua con giống là 2 triệu đồng/con, mỗi con đà điểu trưởng thành nặng khoảng 130 kg và được bán ra thị trường với giá 110 nghìn đồng/kg. Hàng năm, gia đình anh Quang thu về hàng trăm triệu đồng từ việc nuôi đà điểu hoang dã.

Ngân Phạm