Dân Việt

Theo chân trai rừng lội suối, vén mây săn đặc sản ếch núi, cua đá

Tuệ Linh 20/02/2020 06:30 GMT+7
Ếch núi, cua đá từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản của đồng bào Mông ở bản Cửa Rừng (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Trong chuyến công tác đến với Cửa Rừng, phóng viên DANVIET.VN đã có chuyến trải nghiệm đi rừng săn ếch núi, cua đá cực kỳ thú vị cùng với các trai rừng ở bản Mông này.

Từ lâu, bản Cửa Rừng (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu) nổi tiếng với những cánh rừng nguyên sinh rộng hàng nghìn ha với biển mây bồng bềnh phủ kín. Nơi đây còn được biết đến với những dòng suối mát lạnh chảy quanh năm và là nơi sinh sống của loài ếch núi, cua đá “khủng”. Phóng viên DANVIET.VN đã may mắn được theo chân trai rừng Sùng A Tỷ săn loài đặc sản này.

img

Anh Sùng A Tỷ - người được dân bản Cửa Rừng gọi là trai rừng.

Cái tên trai rừng đã gắn liền với A Tỷ cách đây khoảng dăm năm. Anh sinh ra trong gia đình đông anh em, gia cảnh khó khăn, A Tỷ đã bắt đầu bươn chải cuộc sống ở trong rừng cùng các chú, các anh từ khi mới lên 6. Bởi vậy, mọi con đường mòn đi vào rừng, A Tỷ thông thuộc như lòng bàn tay.

img

Theo trai rừng A Tỷ, loài ếch núi này có thịt màu trắng thơm, bùi, có vị ngọt... cung cấp nguồn chất dinh dưỡng cần thiết cho con người.

Thời tiết tại bản Cửa Rừng vào những ngày này không thuận lợi lắm cho việc đi rừng, nhiệt độ khoảng 10 độ C, sương mù giăng lối, nên A Tỷ hẹn với chúng tôi đúng 12h sẽ xuất phát.

Đúng như lời hẹn trước đó, khoảng 12h trưa, A Tỷ có mặt tại nhà A Chịa – một người bạn thân của tôi. Và chuyến trải nhiệm đi rừng săn ếch núi, cua đá của chúng tôi với vật dụng rất đơn giản là cái vó, con dao quắm... bắt đầu.

img

Với giá 200 nghìn đồng/kg, theo A Tỷ, nhờ săn ếch núi về bán mà bà con kiếm thêm được đồng ra, đồng vào.

Cùng A Tỷ đi trên tỉnh lộ 108 cùng với chiếc xe máy cà tàng phát ra những tiếng kêu “pằm pằm pằm…” vang vọng khắp núi rừng cũng đủ để xua tan đi vẻ tĩnh mịch ở nơi miền sơn cước này.

img

Loài cua núi đào những cái hang vừa cả bàn tay người trưởng thành.

Di chuyển khoảng vài km đến cột mốc có ghi “Co Mạ 24 Km”, A Tỷ bấm còi xe kêu inh ỏi vào bảo: “Muốn săn được ếch núi, cua đá, chúng ta phải cất xe ở đây và đi bộ vào rừng”. Tại đây, ngay ven tỉnh lộ 108, có một con đường mòn dốc thẳng đứng như bắc thang lên trời, A Tỷ trấn an: “Không xa lắm đâu, vượt qua con dốc này là toàn đường thẳng đi dễ không ấy mà”.

img

Để bắt được cua đá, theo A Tỷ nên đi vào ban đêm.

Mặc dù là những con dốc đứng khiến vó ngựa cũng phải chùn chân nhưng 2 thằng cháu của A Tỷ vẫn chạy nhảy nhanh như sóc trèo cây. Mất khoảng 1h đồng hồ ngược dốc, băng rừng trên con đường mòn rộng khoảng 1m, hiện ra trước mặt chúng tôi là một con suối trong vắt với những tiếng nước chảy róc rách qua những kẽ đá.

img

Cận cảnh con cua đá A Tỷ bắt được.

A Tỷ bảo nhỏ với tôi: Thưa nhà báo, nếu vào ban tối của mùa hè, con suối này, ếch núi, cua đá ra kiếm ăn nhiều như kiến. Nhưng hôm nay mình đi ban ngày, tiết trời trở lạnh, sợ ếch với cua chui hết vào lỗ rồi.

img

Thằng Vương – cháu của A Tỷ, nhìn chú nó với nụ cười nhếch mép: “Ai chẳng biết chú là cao thủ bắt ếch với cua ở cái vùng đất này. Chú đừng hòng lừa được cháu, hay là trời lạnh, chú ngại không muốn bắt chứ gì”. “Đấu khẩu” với nhau được một lúc, A Tỷ lớn giọng với 2 tháng bé: “Chúng mày cởi áo phao ra và nói nhỏ cho tao nhờ, ếch, cua nghe thấy giọng người trốn hết đấy”.

img

Muốn bắt được cua đá, có những tảng đá phải cần 3 - 4 người nhổ.

Sau đó, chúng tôi xuôi dọc theo con suối, băng qua những khúc gỗ khô to bằng cái thùng phuy sắt 200 lít, vượt cả đoạn đường bùn lầy ngập tới đầu gối để bắt đầu hành trình săn đặc sản ếch núi, cua đá.

Di chuyển khoảng 45 phút, A Tỷ chỉ tay vào vũng nước đọng toàn lùm cây khô nói nhỏ với tôi: Ban ngày, những vũng nước như thế này là nơi để ếch núi trốn chui khỏi bị người bắt và rắn rừng ăn. Loài ếch này ăn côn trùng nên ban đêm khi côn trùng hoạt động chúng mới ra ngoài, lúc đó bắt mới dễ.

img

Ếch núi lẩn trốn ở trong những lùm cây, thân gỗ to nên không dễ dàng để bắt được, phải có kinh nghiệm nhiều năm mới săn được loài đặc sản này.

Đi khoảng chục bước chân, bằng kinh nghiệm săn ếch núi, cua đá hàng chục năm của mình, A Tỷ phát hiện vũng nước có dấu hiệu của ếch núi đang ẩn mình dưới các lùm cây. Bên cạnh vũng nước là những tảng đá to bằng người trưởng thành với hàng chục cái hang mà cua đá đang lẩn trốn. 2 thằng cháu của A Tỷ và tôi cởi bỏ những thức đồ đạc đeo trên người, cùng bắt tay giúp A Tỷ đào rãnh, bê gỗ, nhổ đá, lấy đất chặn suối.

Khoảng 30 phút, khi một bên suối – nơi A Tỷ cho rằng có loài ếch núi đang trốn, nước chảy cạn dần, những lùm cây bụi cũng đã bị vớt sạch. A Tỷ tay cầm chiếc võ và bắt đầu lội bùn bắt ếch. Ngay lúc này, có 2 con ếch to bật nhảy khoải vũng nước, thằng Vương nhanh tay đuổi bắt được một con bỏ vào xô và đậy nắp lại.

img

Con đường mòn dẫn vào khu rừng nguyên sinh - nơi có loài ếch núi, cua đá sinh sống.

Theo quan sát của tôi, loài ếch này lưng có màu sậm đen, xù xì giống cóc. Nhận thấy vũng bùn này có nhiều ếch, A Tỷ ra hiệu cho 2 thằng cháu và tôi đứng quây xung quanh. A Tỷ dùng vó xúc khắp nơi, mỗi lần xúc được vài ba con. Chưa đầy 10 phút, chúng tôi đã bắt được 10 con.

A Tỷ cho biết: Đây chỉ là loài ếch trung bình, loại lớn to bằng cả bàn tay người trưởng thành. Loài ếch lớn thường lẩn trốn ở trong những vũng nước lớn, nơi có nhiều tảng đá to, thân gỗ lớn, bụi cây nhiều nên rất khó bắt. Trước Tết, đi soi ban đêm, tôi bắt được 2 con to bằng bàn tay, mỗi con nặng khoảng 5 lạng.

img

Ban đêm vào mùa hè là thời điểm tốt để săn ếch núi.

Khoảng 30 phút sau, chúng tôi dùng đôi dép tổ ong vớt hết bùn trong vũng nước đầu tiên, bắt được 20 con ếch núi. Đến 16h chiều, sương mù ngày càng dày, 2 thằng cu đi cùng tôi và A Tỷ mải miết bắt ếch nên quần áo ướt đẫm, người run cầm cập.

Thời gian không còn nhiều, A Tỷ ra hiệu cho 2 thằng cháu và tôi ra bờ nhổ đá để bắt cua. Nhổ được vài mỏm đá to bằng chiếc ghế mây của người Mông, chúng tôi bắt được khá nhiều cua, nhưng chủ yếu là cua nhỏ. Ngoài ra, cạnh bờ suối có từ 4 – 5 tảng đá lớn với hàng chục cái hang to nhỏ, hang to nhất vừa bằng bàn tay của người trưởng thành thò vào.

Theo A Tỷ, cũng giống loài ếch núi, để bắt được những con cua khủng phải đi vào ban đêm. Đối với những tảng đá to, có cua khủng trốn trong hang, cả 4 chúng tôi hợp sức lại nhổ cũng không nổi cái nào.

Lúc này, trời đã nhá nhem tối, thành quả thu được của chúng tôi sau một buổi chiều lao động vất vả là 20 con ếch và 15 con cua.

Trên đường ngược dốc trở về Cửa Rừng, A Tỷ bảo: Đối với đồng bào Mông chúng tôi, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên vào lúc nông nhàn, chúng tôi chỉ biết vào rừng để săn con ếch, bắt con cua đem bán mua lấy cân gạo, gói mì chính, chai nước mắm…

Chuyến đi rừng này thực sự là buổi trải nghiệm rất thú vị đối với chúng tôi. Bởi, để soi được con ếch núi, bắt được con cua đá trong những cánh rừng nguyên sinh thâm u không phải là chuyện đơn giản, việc này đòi hỏi người săn phải có đầy đủ những kỹ năng sinh tồn, kinh nghiệm đi rừng.