Dân Việt

Tranh cãi kéo giá heo hơi xuống 75.000 đ/kg: Có hợp lý, công bằng?

Minh Huệ 20/02/2020 20:01 GMT+7
Sau khi bị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cảnh báo “neo” giá heo hơi quá cao trong thời gian dài, đồng thời "dọa" sẽ cắt ưu đãi, một số doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi lợn như C.P, Dabaco… đã đồng loạt giảm giá lợn hơi xuống còn 73.000-75.000 đồng/kg. Tuy nhiên, quanh chuyện yêu cầu các công ty lớn phải giảm giá lợn hơi, cũng có không ít ý kiến tranh cãi.

img

Tại hộ gia đình ông Dương Văn Cốc ở xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên (Bắc Giang), thương lái đang mua 30 con lợn với giá 75.000 đồng/kg hơi. (ảnh: Minh Ngọc)

Nuôi lợn quá nhiều rủi ro, không khác "đánh bạc"

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Công Bắc – chủ trang trại đang nuôi 1.000 lợn nái, hơn 6.000 lợn thịt tại TP.Sơn La (tỉnh Sơn La) cho biết, lâu nay giá lợn hơi chủ yếu "nằm trong tay" các doanh nghiệp lớn, nếu có thể kéo giá xuống mức 70.000 – 75.000 đồng/kg thì sẽ là điều rất tuyệt vời cho cả người chăn nuôi, các chủ trang trại, doanh nghiệp cũng như công tác quản lý thị trường, bình ổn giá.

"Thực tế là với mức giá heo hơi đạt 75.000 đồng/kg, người chăn nuôi đã thu lãi khá lớn, khoảng 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, không phải nói muốn giảm là giảm ngay được. Trước mắt, giá heo hơi khó có thể xuống sâu hơn được nữa mà sẽ giảm từ từ, từng bước một xuống mức 60.000 – 65.000 đồng/kg", ông Bắc nói.

Nguyên nhân giá lợn hơi chưa thể giảm nhanh được, theo ông Bắc là do tổng đàn lợn cả nước hiện vẫn đang bị thiếu hụt so với nhu cầu, dịch bệnh còn xuất hiện ở nhiều địa phương. Mặc dù hiện nay người dân đang tái đàn, nhưng chủ yếu là tái đàn lợn thịt chứ không phải tái đàn lợn nái.

"Theo quan điểm của tôi, đó chưa phải là tái đàn đúng nghĩa. Do chưa thể tái đàn lợn nái nên trong ngắn hạn, giá lợn hơi sẽ không thể kéo giảm bằng với khi chưa có dịch tả lợn châu Phi (40.000 – 45.000 đồng/kg) như lời của Bộ trưởng NN&PTNT nói được. Nếu kéo giảm xuống mức này, bà con không ai còn muốn nuôi lợn nữa vì họ đã trải qua quá nhiều thua lỗ trong 3 năm qua, trong khi chi phí thức ăn ngày càng tăng cao, tình hình dịch bệnh vẫn khó lường, nhất là dịch tả lợn châu Phi có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Hơn ai hết, người chăn nuôi lợn phải chịu rất rủi ro, lúc nào cũng như đánh bạc với trời. 

Do đó, tôi cho rằng Chính phủ, Bộ NN&PTNT nên có phương án chú trọng hỗ trợ những hộ nuôi lợn nái, lợn cụ kị ông bà, phát triển những trại nái hiện đại, chuyên nghiệp để giúp người chăn nuôi có con giống tốt phục vụ tái đàn", ông Bắc nói.

img

Giá heo hơi neo ở mức cao, giúp người chăn nuôi có cơ hội gỡ gạc, thu lợi nhuận khá. Ảnh: Minh Ngọc

Ngoài ra, ông Bắc cho rằng người chăn nuôi cũng nên ủng hộ, chia sẻ và đồng hành cùng Chính phủ, Bộ NN&PTNT cùng giảm giá thành sản xuất xuống để kéo giảm giá lợn hơi, giá lợn thịt, người tiêu dùng từ đó dễ dàng tiêu thụ thịt lợn như bình thường.

"Nếu làm tốt khâu này thì chỉ trong vòng 1 năm, giá lợn hơi sẽ tự động giảm dần tới mức hợp lý chứ không cần biện pháp can thiệp từ cơ quan quản lý", ông Bắc nhấn mạnh.

Lúc giá heo hơi giảm thê thảm, ai đứng ra chia sẻ với bà con?

Trao đổi với PV Dân Việt ngày 19/2, ông Phạm Văn Cảnh, Giám đốc HTX Hợp Lực (thị trấn Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, heo hơi tại địa phương đang được xuất bán với giá 77.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá heo hơi ở đây vẫn đang neo ở mức cao là do dịch bệnh vẫn xảy ra lẻ tẻ ở một số địa phương nên người dân không dám tái đàn, ngành chức năng địa phương cũng không ủng hộ người chăn nuôi nhỏ lẻ vào đàn để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hiện heo hơi xuất bán ra thị trường ở Hà Tĩnh chủ yếu là của các trang trại lớn, doanh nghiệp.

Về việc Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn phải kéo giá lợn hơi xuống dưới 75.000 đồng/kg, ông Cảnh cho rằng đó là yêu cầu hợp lý nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tránh lạm phát tăng cao. 

"Tôi cho rằng với tình hình hiện nay, giá heo hơi nằm ở mức 60.000 - 65.000 đồng/kg là hợp lý nhất. Tuy nhiên muốn giảm cũng phải từ từ vì cung – cầu vẫn đang chênh lệch. Cầu cao mà cung vẫn chưa đáp ứng được thì giá sẽ vẫn ở mức cao. Dĩ nhiên với người chăn nuôi, lãi càng cao càng tốt, nhưng lãi cao quá thì sẽ nảy sinh bất cập, làm gì cũng phải duy trì ở mức hợp lý mới lâu bền", ông Cảnh nhấn mạnh. 

Được biết, HTX Hợp Lực hiện đang chăn nuôi 400 heo nái, 3.500 heo thịt và đang xây thêm chuồng nuôi heo thịt để nâng tổng đàn lên 4.500 con. 

img

Thương lái đang thu mua lợn hơi tại huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Minh Ngọc 

Về ý kiến cho rằng giá heo hơi neo ở mức cao ngất ngưởng thời gian qua là do "bàn tay" của doanh nghiệp lớn làm giá, ông Cảnh nói: "Tôi cho rằng không phải như vậy. Hiện các doanh nghiệp chăn nuôi heo ở Việt Nam chưa có đơn vị nào chiếm thị phần đủ lớn tới mức làm đảo lộn được thị trường. Giá heo hơi tăng cao thời gian qua, cũng chủ yếu do dịch bệnh, khiến thị trường bị thiếu hụt". 

Ông Cảnh cũng cho biết giá thành chăn nuôi heo tại HTX khoảng 36.000 - 37.000 đồng/kg, tuy nhiên với những người không chủ động được con giống thì giá thành sản xuất sẽ cao hơn, khoảng 45.000 đồng/kg. 

Tuy nhiên, ông Cảnh cũng cho rằng việc điều tiết giá phải có lộ trình, dựa theo cung - cầu thị trường. Thời gian qua giá heo hơi neo ở mức tốt, rất có lợi cho người nông dân, chủ trang trại, giúp họ gỡ gạc lại vốn đầu tư đã mất trong các đợt "bão giá", bão dịch bệnh xảy ra liên tiếp.

"3 năm qua, người chăn nuôi thiệt hại quá nhiều, có thời điểm giá heo hơi chỉ còn 20.000 - 25.000 đồng/kg, lúc đó có ai đứng ra chia sẻ với người nông dân? Cho nên điều tiết giá là một chuyện, quan trọng là phải có chiến lược dài hơi với ngành chăn nuôi để bớt cảnh giải cứu, dội chợ", ông Cảnh nói. 

Cùng quan điểm này, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho rằng, cơ sở nào để Bộ NN&PTNT yêu cầu doanh nghiệp giảm giá xuống 75.000 đồng/kg? Việc can thiệp vào giá cả phải chăng là không tôn trọng tự do kinh doanh?

Ai cũng hiểu, giá thịt heo ngoài thị trường tăng cao, tăng "phi mã" như thời gian qua sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng nhưng theo vị đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cơ quan nhà nước phải điều chỉnh bằng các chính sách vĩ mô như giảm thuế, tăng lượng nhập khẩu, hỗ trợ tái đàn… và thực hiện một cách hiệu quả hơn. 

Dịp Tết vừa qua, dù cơ quan quản lý đã cho phép doanh nghiệp nhập khẩu rất nhiều thịt heo về nhằm hạ nhiệt giá heo hơi trong nước, nhưng thực tế đã không đem lại kết quả như mong muốn. 

Việc buộc giá heo hơi xuống dưới 75.000 đồng/kg, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho rằng như vậy sẽ là đối xử không công bằng với người chăn nuôi. Bởi thực tế dù giá heo hơi vài ngày qua đã giảm xuống dưới mức này thật, nhưng giá thịt heo bán lẻ ngoài thị trường không giảm tương ứng, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo với giá đắt. 

Qua câu chuyện này có thể thấy, ai mới là người được lợi? Số tiền chênh lệch đang rơi vào túi ai?

Từ giữa năm 2019 khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành, giá heo hơi tăng phi mã, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, khuyến khích các địa phương và bà con chăn nuôi tích cực chuyển đổi sang nuôi gà, vịt, trâu bò nhằm bù đắp sản lượng thịt heo bị thiếu hụt. Kết quả là đàn gia cầm tăng nhanh mất kiểm soát, dẫn tới câu chuyện đau lòng giá gà vịt liên tục giảm mạnh, tới mức "rẻ như rau".  

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, ngày 19/2, giá gà công nghiệp tại Đồng Nai chỉ còn từ 9.000 - 13.000 đồng/kg; giá vịt thịt thương phẩm dao động từ 27.000 - 37.000 đồng/kg tùy địa bàn; giá trứng khoảng 1.200 đồng/quả. 

Đối với gà thả vườn, hiện tại ở Đồng Nai cũng chỉ còn 25.000 - 27.000 đồng/kg, giống gà tam hoàng (gà lông màu) 17.000 - 19.000 đồng/kg.

"Tuy chưa có ai kêu gọi giải cứu gà, vịt như đối với dưa hấu, thanh long, nhưng nếu cứ điều hành sản xuất có phần "cảm tính" như hiện nay, lo rằng chuyện giải cứu sẽ vẫn tiếp diễn", anh T.K, chủ trang trại ở huyện Ba Vì (Hà Nội) cho hay.