Nhiều năm nay, củ lùn trở thành đặc sản của huyện Tân Phú. So với những nơi khác, củ lùn ở đây cho năng suất cao và có vị ngọt, giòn rất đặc biệt.
Vươn lên từ đá
Ông Võ Văn Thành (ngụ ấp 8, xã Phú Lộc) cho biết, mấy năm trở lại đây, cây thuốc lá, tiêu liên tục mất mùa và rớt giá, nông dân ở các xã Phú Lộc, Phú Tân, Trà Cổ… chuyển sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị hơn. Nhiều người vì rẫy vườn nhiều đá tổ ong, nguồn nước không dồi dào đã chọn củ lùn như “phép thử” giữa vùng đất khắc nghiệt.
So với những nơi khác, củ lùn trồng ở huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) cho năng suất cao, củ to, khi ăn ngọt và dẻo hơn rất nhiều.
Từ chỗ củ lùn là giống cây xứ lạ do người dân đem từ các tỉnh miền Tây về trồng thử, trở thành cây trồng mang lại thu nhập khá cho vùng đất cằn cỗi. Củ lùn giống gieo xuống đất, nhanh chóng vươn lên mạnh mẽ giữa những lớp đá tổ ong dày đặc. Sau hơn nửa năm trồng là có thể cho thu hoạch.
Theo ông Thành, củ lùn còn có tên gọi khác là năn tàu. Cây mọc thành bụi cao khoảng 1m, lá màu xanh giống như lá nghệ dài khoảng 20-30cm. Củ lùn hình tròn, cuống dài kết thành từng chùm, vỏ mỏng màu vàng nhạt, tua tủa những rễ phụ. Ruột củ lùn màu trắng trong, phần nhân màu trắng đục chứa nhiều tinh bột nên khi đem luộc ăn giòn, ngọt và dẻo.
Điều khác lạ, củ lùn tưởng chừng thích hợp với vùng đất thịt, chịu nước ở các tỉnh miền Tây nhưng khi đem về trồng ở đây lại sống rất khỏe. Cây sống len lỏi giữa những hốc đá, tận dụng chút đất ít ỏi, nguồn nước đọng lại để vươn lên đâm chồi nảy mầm. Mùa nắng nóng, cây không cần tưới nước vẫn có thể sống qua mùa khô khắc nghiệt hằng tháng trời.
Khi những cơn mưa đầu mùa nặng hạt rơi xuống cũng là lúc củ lùn được thời phát triển nhanh chóng. Nhìn từ xa, cả một vùng đá tổ ong khô khốc, đen kịt chuyển thành những vạt củ lùn xanh mướt. Bén mùi đất lạ nên cây củ lùn rất sai củ, mỗi gốc nhổ lên có khoảng20-30 củ, bám vào nhau thành chùm. |
Nông dân Nguyễn Văn Tám (ngụ thị trấn Tân Phú) bộc bạch, nếu so với củ lùn ở miền Tây thì củ lùn trồng ở huyện Tân Phú ăn ngon hơn nhiều. Củ không to bằng nhưng ăn dẻo và ngọt đậm đà. Trước đây, mỗi lần bước vào vụ, ông thường lặn lội đi về các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang mua giống về trồng.
Sau mấy năm bén duyên ở vùng đất đá, cây đã cho năng suất khá nên nhiều người chủ động được nguồn giống. Hơn nữa với loại cây này, chi phí đầu tư và công chăm sóc rất thấp. Vì dễ trồng, nhiều người chỉ làm đất, đánh luống lên trồng là xong. Ở Đồng Nai, hiện vẫn chưa một địa phương nào ngoài huyện Tân Phú thích hợp trồng loại cây lấy củ này.
“Mấy lần có dịp đi miền Tây, đem củ lùn Tân Phú để bà con dưới đó ăn thử, ai cũng tấm tắc khen ngon hơn so với nơi “quê hương” gốc của giống cây này. Ở đây, nhà trồng ít thì để ăn chơi, nhiều có khi trồng đến vài mẫu đất. Không cần chăm bón nhiều, đủ mưa đủ nước là cây tự lớn lên” - ông Tám hồ hởi nói.
Củ lùn-trồng chơi ăn thật
Một số nông dân cho hay, vụ củ lùn vừa qua, nhờ thời tiết thuận lợi nên đạt chất lượng và năng suất tốt. Bình quân đạt khoảng 10 tấn củ/hécta. Riêng với những hộ đầu tư tốt từ khâu làm đất cho đến phân bón thì năng suất cao hơn. Hiện nay, giá mua củ lùn tại vườn từ 20-25 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi hécta củ lùn lãi được trên 30-50 triệu đồng.
Ông Trịnh Văn Lang (ngụ thị trấn Tân Phú) cho biết, tuy là một loại cây lấy củ để ăn chơi, tận dụng trồng ở vùng đất đá nhưng khoảng mấy năm nay diện tích cây này được mở rộng. Củ lùn không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân mà dần trở thành một loại cây đặc sản của huyện miền núi Tân Phú.
Củ lùn sống mạnh mẽ giữa những lớp đá tổ ong nên người dân phải dùng sức đào từ dưới đất lên.
“Cây cho thu hoạch trong tháng 12 âm lịch kéo dài đến đầu năm sau. Khoảng 1-2 tháng nữa thì xuống giống cho vụ tới, năm nào trời mưa nhiều cây sẽ phát triển mạnh dù không phải tốn công chăm sóc. Có nhiều hộ khấm khá hẳn lên nhờ củ lùn. Nhiều người thường nói chơi, trồng củ lùn giống như bắt đá “đẻ” ra tiền” - ông Lang bộc bạch.
Về các xã trồng củ lùn ở Tân Phú, hiện nhiều nơi đã thu hoạch xong, chỉ còn một số ít thu hoạch muộn. Trên các rẫy trồng cây lùn, xen kẽ giữa những lớp đá tổ ong dày đặc là các luống củ lùn đã ngả vàng, nằm sát xuống đất chờ người tới đào. Trước khi thực hiện công đoạn này, người dân thường tưới nước để làm đất tơi ra, sau đó mới tiến hành thu hoạch.
Do bám chặt vào đá nên nhiều người phải lấy cuốc, xà beng thọc sâu xuống dưới rồi dùng sức cạy lên. Trung bình mỗi gốc lùn thu về vài ký củ. Trong khi đó, tại các vựa mua củ lùn hoạt động mua bán diễn ra rất nhộn nhịp. Củ lùn sau khi lấy từ vườn về đem phân loại, rửa sạch rồi đóng bao đưa đi tiêu thụ.
“Hiện nay, củ lùn Tân Phú có mặt khắp nơi trong tỉnh, sang cả Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. Bạn hàng đều ưa chuộng củ lùn Tân Phú hơn so với củ lùn từ các tỉnh miền Tây đưa lên. Người dân trồng củ lùn tới đâu là có người mua tới đó, không lo bị ế” - ông Lang cho biết thêm.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), sau khi được trồng lần đầu tiên tại xã Phú Lộc, đến nay củ lùn đã được phổ biến nhiều ở các xã trong huyện như: Phú Thịnh, Phú Lập, Trà Cổ, thị trấn Tân Phú… Khi trồng xen trong những vườn cây ăn trái hay cây công nghiệp, cây củ lùn không làm ảnh hưởng đến những loại cây khác. |