Dân Việt

Đà Nẵng: Trồng lan và trồng nấm, nhà nông thành triệu phú

Đoàn Hồng - Trần Hậu 25/02/2020 05:00 GMT+7
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn của Ngân hàng NNPTNT Việt Nam - chi nhánh huyện Hòa Vang Nam Đà Nẵng (Agribank Hòa Vang), nhiều nông dân trên địa bàn huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), đã đầu tư mô hình trồng hoa lan, nấm linh chi, chăn nuôi chim cút... và thu hiệu quả kinh tế khá cao, bình quân mỗi năm cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/hộ.

Thu 300 triệu đồng/năm nhờ lan Mokara

Ông Ông Văn Quyện - Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Hòa Vang Nam Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, nhiều hộ dân ở huyện Hòa Vang đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại đem lại thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Trong đó, điển hình phải kể đến mô hình trồng lan Mokara của ông Hồ Ngọc Giao (xã Hòa Phước), mô hình trồng nấm của anh Nguyễn Văn Nhi (xã Hòa Nhơn); mô hình trồng rau công nghệ cao của anh Trương Ngọc Sơn (Hòa Phú)… Nhờ đầu tư bài bản, mà những hộ nàycó thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

img

Nhờ trồng nấm mà anh Nguyễn Văn Nhi (ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), có thu nhập 300 triệu đồng/năm.  Ảnh: Đ.H

Ông Ông Văn Quyện cho biết thêm, bằng sự năng động, sáng tạo và sự nỗ lực không ngừng trong đa dạng hóa các hình thức kinh doanh, Agribank Chi nhánh huyện Hòa Vang luôn khẳng định vai trò là một trong những ngân hàng có đóng góp tích cực đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Agribank Hòa Vang sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ sản xuất và làm giàu cùng bà con nông dân trong những năm tới.

Ông Hồ Ngọc Giao (62 tuổi) ở thôn Nhơn Thọ 1, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang cho biết, trước đây ông làm chủ doanh nghiệp sản xuất nước đá, tuy nhiên do lớn tuổi cùng với sự khó khăn về kinh doanh nên ông chuyển nghề. Nhận thấy hoa lan Mokara đang được thị trường ưa chuộng, tuy nhiên ở Đà Nẵng loại hoa này chưa được trồng nhiều mà phải nhập từ các nơi về, từ đó ông bắt đầu xây dựng mô hình trồng lan Mokara. 

Ông Giao cho biết thêm, năm 2017 từ nguồn vốn tích góp được và ông đã vay thêm ngân hàng Agribank 500 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng lan Mokara. Ban đầu do kinh nghiệm chưa nhiều, vốn ít nên ông chỉ đầu tư 7.000 cây lan Mokara. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng. Đến nay, vườn lan Mokara của ông đã phát triển lên hơn 15.000 cây, với diện tích 5.000m2.

“Mô hình trồng lan Mokara của gia đình tôi phát triển với quy mô như ngày nay là nhờ có sự giúp đỡ, hỗ trợ rất lớn từ phòng giao dịch Agribank Hòa Phước thuộc Agribank chi nhánh huyện Hòa Vang), tôi rất biết ơn Agribank đã tiếp vốn cho các hộ như tôi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhờ làm ăn có hiệu quả, tôi đã trả được nợ, đến nay tổng dư nợ của tôi chỉ còn lại 185 triệu đồng…” - ông Giao chia sẻ.

Theo ông Giao, trung bình 3 ngày, ông cắt cành lan một lần. Với giá dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/cành lan Mokara như hiện nay, sau khi trừ chi phí, ông thu về hơn 20 triệu đồng/tháng, cả năm thu hơn 300 triệu đồng, nhờ vậy cuộc sống gia đình khá hơn trước.

 “Phao cứu sinh”  của nhiều nông dân

Bà Nguyễn Thị Huyền Linh - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Hòa Phước (Agribank chi nhánh huyện Hòa Vang) cho biết, thời gian qua đơn vị luôn bám sát định hướng kinh tế - xã hội của địa phương, tập trung nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, cung cấp nguồn vốn kịp thời để nông dân yên tâm sản xuất. Hiện nay, không riêng gì hộ ông Giao vay vốn làm ăn hiệu quả, trên địa bàn các xã Hòa Châu, Hòa Phước còn khá nhiều nông dân phất lên nhờ vay vốn Agribank đầu tư đúng hướng, nhất là các hộ trồng hoa ở Nhơn Thọ, các hộ nuôi chim cút ở Hòa Phước…

Một mô hình khác hiệu quả không kém là mô hình trồng nấm các loại của anh Nguyễn Văn Nhi (38 tuổi) ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Anh Nhi cho biết, năm 2015 anh vay 50 triệu đồng của Agribank Hòa Vang để triển khai mô hình trồng nấm. Qua quá trình nỗ lực tìm tòi và học hỏi, mô hình trồng nấm của anh Nhi đã phát triển tốt, anh đã thành lập HTX nấm Nhơn Phước, từ đó anh đã kêu gọi các hộ gia đình tham gia HTX và không ngừng mở rộng quy mô sản xuất.

Ðến nay, diện tích sản xuất nấm của HTX đạt 2.500m2, chủ yếu sản xuất các loại nấm  linh chi, bào ngư… HTX cũng đang đang trồng thử nghiệm nấm vân chi, nấm milky hoàng đế. Ngoài ra, HTX còn cung cấp giống cho các hội viên, cung ứng sản phẩm nấm ra thị trường...

Anh Nhi cho biết thêm, trung bình mỗi tháng HTX cung ứng ra thị trường khoảng 1,8 tấn nấm bào ngư, giá bán 35.000 - 45.000 đồng/kg vào ngày thường, 60.000 - 80.000 đồng/kg vào các ngày rằm, mùng 1; cùng 500kg/năm đối với nấm linh chi, mức giá dao động 9 - 1,2 triệu đồng/kg (tùy loại lớn nhỏ). Năm 2019 doanh thu của HTX gần 1 tỷ đồng, lãi hơn 200 triệu đồng.