Giảm nguy cơ dịch bệnh
Theo Sở NNPTNT Cà Mau, những năm qua, ngành chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất như: Chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại tập trung, công nghiệp, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến được phổ biến và áp dụng rộng rãi... Công tác vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày được cải thiện.
Một cơ sở nuôi chim yến ở TP.Cà Mau, sẽ phải di chuyển ra nội đô theo quy định của Luật Chăn nuôi. Ảnh: T.L
Tuy vậy, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong sản xuất chăn nuôi của tỉnh. Trong đó, việc chăn nuôi khu vực nội thành, nội thị và khu dân cư rất phổ biến, đã làm phát sinh tiếng ồn, mùi hôi gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh có nguy cơ phát sinh gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư, gây mất mỹ quan đô thị...
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 130 nhà nuôi chim yến nằm trong các khu đô thị, khu đông dân cư, tập trung ở các huyện: Năm Căn, Trần Văn Thời và TP. Cà Mau.
Theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 80 của Luật Chăn nuôi, UBND cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm trình HĐND tỉnh quyết định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi.
Ngoài ra, theo khoản 1, Điều 12 của Luật Chăn nuôi cũng quy định: Cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.
Chính vì vậy, UBND tỉnh Cà Mau sẽ quy định khu vực không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến; chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, khu vực không được phép chăn nuôi chim yến bao gồm các thị trấn thuộc các huyện, các phường thuộc TP.Cà Mau và khu dân cư được cấp thẩm quyền phê duyệt thuộc các xã trên địa bàn tỉnh.
Chờ địa phương quy định
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, Luật Chăn nuôi đã quy định rõ giao UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quyết định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi...
"Đến nay, chưa thấy có tỉnh nào chốt được phương án cấm chăn nuôi trong khu vực nội thị, khu dân cư. Họ cần phải có thời gian để các cơ quan chuyên môn khảo sát, quy hoạch, lập bản đồ 1/500 và xác định đường ranh giới hiện tại và mang yếu tố phát triển trong tương lai" - ông Chinh nói.
Theo ông Chinh, việc các địa phương quy hoạch khu vực chăn nuôi sẽ có tác động lớn. Nó không chỉ góp phần kiểm soát môi trường mà còn giúp cho người chăn nuôi biết định hướng thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Chăn nuôi và chiến lược chăn nuôi. Đó là, từng bước đưa chăn nuôi ra khỏi nội thành, nội thị; đưa từ vùng có mật độ chăn nuôi cao lên vùng có mật độ chăn nuôi thấp, có không gian lớn. Đây là cơ sở để hình thành các trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Trường hợp người chăn nuôi, các doanh nghiệp không muốn chuyển lên vùng có diện tích lớn như vậy, họ sẽ buộc phải đầu tư công nghệ cao để xử lý tất cả các chất thải, không ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân.
Do quy định thực hiện nghiêm cấm chăn nuôi trong khu nội thị, khu dân có lộ trình thực hiện trong 5 năm từ khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực (từ 1/1/2020), do đó các tỉnh, thành phố vẫn còn rất nhiều thời gian để nghiên cứu, quy hoạch và đưa ra những chính sách hỗ trợ để thực hiện. "Khi người ta đầu tư chăn nuôi, đặc biệt ở những vùng đất được cấp phép trước đây, giờ muốn di dời thì phải có chính sách hỗ trợ cho họ" - ông Chinh nói.
Ông Chinh phản ánh, hiện đang có một số vấn đề các tỉnh, thành phố chưa thống nhất và hỏi Cục Chăn nuôi, nhất là xác định rõ ranh giới cấm như thế nào và đến đâu. "Trong làng, người dân vẫn chăn nuôi; rồi con chim yến vào làm tổ tự nhiên, không phải do tay con người thì có được phép nuôi không" - ông Chinh nêu ví dụ và khẳng định chính quyền địa phương sẽ phải quyết định điều này.
Điều 12 Luật Chăn nuôi 2018 nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường. Điều 4 của luật quy định, trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. |