Dân Việt

Mất 100.000 con gia cầm vì cúm, lên kịch bản nCoV lan trên động vật

Khánh Nguyên 26/02/2020 09:01 GMT+7
Trước tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N6, AH5N1 có những diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương khiến 100.000 con gia cầm phải tiêu hủy, Bộ NNPTNT vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất những giải pháp mạnh, trong đó có cả kịch bản ứng phó dịch Covid-19 có thể xảy ra trên động vật.

Cúm gia cầm chủ yếu xảy ra ở đàn chưa tiêm vaccine

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, từ đầu tháng 01/2020 đến ngày 24/02/2020, cả nước xuất hiện 34 ổ dịch cúm gia cầm (bao gồm 29 ổ dịch do H5N6 và 05 ổ dịch do H5N1 gây ra) tại 10 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Trà Vinh, Thái Bình, Bình Dương, Ninh Bình và Hải Phòng. Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy là hơn 100.000 con.

Thực tế, virus cúm H5N6 được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2014, hằng năm, chủng virus này vẫn gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên gia cầm, được phát hiện và kiểm soát kịp thời. Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do chủng virus cúm A/H5N6 (mặc dù trên thế giới đã có 24 trường hợp, trong đó có 7 người chết vì cúm A/H5N6, chủ yếu tại Trung Quốc).

Bộ NNPTNT dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do nhiều nguyên nhân như: Hiện nay tổng đàn gia cầm rất lớn (467 triệu con); điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao.

Điều đáng lo ngại là việc tổ chức tiêm vaccine cúm gia cầm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ; có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm phối cấp do chủng vi rút mới corona (Covid-19) gây ra.

img

Thực hiện tiêu độc khử trùng tại ổ dịch cúm gia cầm H5N6 trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: I.T

Xây dựng kế hoạch ứng phó Covid-19 xuất hiện trên động vật nuôi và động vật hoang dã

Để khẩn trương kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, kiên quyết không để các loại dịch bệnh bùng phát, lây lan diện rộng, Bộ NNPTNT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. 

Xây dựng và trình phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020 - 2025”; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh LMLM giai đoạn 2016 - 2020 và xây dựng, trình Chương trình 2021 - 2025”;

Xây dựng và trình phê duyệt “Kế hoạch quốc gia xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm” để phục vụ tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng phó với nguy cơ xuất hiện Covid-19 trên động vật, bao gồm tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm phát hiện nCoV trên động vật nuôi và động vật hoang dã.

Tăng cường năng lực giám sát, cảnh báo và ứng phó nguy cơ xuất hiện Covid-19 ở động vật nuôi; đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Trung tâm phòng, chống bệnh truyền lây từ động vật sang người (vì theo Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Thú y thế giới có đến trên 75% các bệnh mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật).

Xử nghiêm tổ chức, cá nhân không báo cáo để dịch lan rộng

Cũng trong ngày 25/2, Bộ NNPTNT có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm. Bởi, từ đầu tháng 2/2020 đến nay, dịch bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại 14 xã, 9 huyện, buộc phải tiêu hủy gần 60.000 con gia cầm.

Theo đó, Bộ NNPTNT yêu cầu tỉnh Thanh Hóa tập trung các nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh.

Tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc; tiêm phòng khẩn cấp chống dịch, bao vây ổ dịch cho đàn gia cầm của các xã đã, đang có dịch bệnh; xem xét việc công bố dịch để tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật thú y.

Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra khỏi vùng có dịch, các tổ chức, cá nhân không thực hiện việc báo cáo để dịch bệnh lây lan diện rộng theo đúng quy định của pháp luật.

Với vùng chưa có dịch yêu cầu các cấp chính quyền, cơ quan thú y chủ động giám sát, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, sát trùng phòng ngừa dịch bệnh.