“Đến từng ngõ, gõ từng nhà”
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Nhân Sâm – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Khi nói đến vườn mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu là một đặc sản riêng và là tiêu chí thứ 20 của Hà Tĩnh trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hội ND Hà Tĩnh được tỉnh giao nhiệm vụ là nòng cốt trong tham gia xây dựng vườn mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, các cấp Hội tiến hành tham mưu ban hành bộ tiêu chí cụ thể cho mỗi vườn mẫu và khu dân cư mẫu, tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng”.
Mô hình vườn mẫu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: Trần Quang
Hội đã đổi mới các hình thức tuyên truyền vận động, tổ chức cuộc thi về chủ đề “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Cụ thể, Hội phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về nông nghiệp, như: “Nông nghiệp - Nông thôn”, “Chuyện làng quê”, “Nông thôn mới”, “Đến với làng quê kiểu mẫu”, “Nông thôn ngày mới”.
Đáng chú ý, để hội viên nông dân hào hứng tham gia, Hội còn tổ chức các cuộc thi như: Cuộc thi Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, thi sáng tác thơ xây dựng nông thôn mới; đồng thời phát động phong trào tình nguyện giúp đỡ nông thôn mới của cán bộ, hội viên nông dân “Ngày thứ 7 nông thôn mới”…
Ông Bùi Nhân Sâm cho biết: Trong quá trình thực hiện vận động phong trào xóa bỏ vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, các cấp Hội ND Hà Tĩnh đã gặp không ít khó khăn. Hội đã bằng nhiều cách tuyên truyền “đến từng ngõ, gõ từng nhà”. Hội vừa tổ chức vận động giúp đỡ vừa góp ý, định hướng cho hội viên quy hoạch, sản xuất, đồng thời tranh thủ các chính sách hỗ trợ của tỉnh để sau khi cải tạo liền bắt tay vào sản xuất không để vườn hoang.
Theo Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh: Cán bộ hội và hội viên tiêu biểu là một nhân tố gương mẫu nòng cốt, trong công tác tuyên truyền, vận động, tích cực hưởng ứng, tham gia trong chương trình cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, xây dựng vườn mẫu theo chủ trương của tỉnh.
Đoàn công tác của Văn phòng nông thôn mới Trung ương thăm quan mô hình vườn mẫu ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: T.Q
“Mỗi cán bộ hội làm gương trong việc hưởng ứng cải tạo từ vườn tạp của gia đình mình. Hội trực tiếp hướng dẫn cụ thể cho từng hộ quy hoạch lại vườn, xóa những cây không có giá trị kinh tế, tư vấn đưa các loại cây con vào sản xuất phù hợp cho từng đối tượng. Những vườn có diện tích nhiều khuyến khích trồng cây ăn quả, vườn diện tích ít trồng rau màu...” - ông Sâm thông tin.
Vườn đẹp, thu nhập cao
Trước đây, khu vườn hơn 1.000m2 của ông Nguyễn Văn Trịnh (ở xã Thạch Môn, thành phố Hà Tĩnh) chủ yếu cây tro, tre... Vì vậy, ngay khi có chủ trương xây dựng vườn mẫu, ông Trịnh đã đăng ký tham gia và được Hội ND xã vận động hội viên đến giúp đỡ ngày công cải tạo, chỉnh trang vườn nhà. Hiện nay, trong vườn có rất nhiều loại cây ăn quả đã cho thu nhập. Ông Trịnh phấn khởi cho biết: “Mỗi ngày tôi có ít nhất 100.000 đồng từ bán các loại rau, hoa quả. Ngoài ra vợ chồng tôi còn đâu tư chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với quy mô 1ha và hàng năm còn đảm nhận việc ươm giống cây cho địa phương xây dựng mô hình. Mỗi năm, gia đình tôi cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng”.
Hội phát động phong trào, huy động hội viên đóng góp ngày công giúp nhau trong công tác cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, xây dựng vườn mẫu. Hội mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, các lớp tập huấn giúp hội viên tiếp cận với khoa học kỹ thuật để áp dụng trong sản xuất và chăn nuôi”. Ông Bùi Nhân Sâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh |
Gia đình chị Bùi Thị Nga (ở xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ) sau nhiều năm đi làm ăn xa đã quyết định trở về lập nghiệp trên quê hương. Với diện tích vườn trên 3.000m2, gia đình chị đã được Hội ND xã Đức Đồng khảo sát, hướng dẫn xây dựng vườn mẫu. Hiện khu vườn của gia đình đã được bố trí khoa học, với 120 gốc cam và chanh, 10 cây đào. Mùa nào thức ấy, chị Nga trồng xen gừng, hành tăm, vừng và rau xanh các loại. Bên cạnh đó, gia đình chị còn dành diện tích phù hợp để xây dựng chuồng trại nuôi 5 con trâu, hàng trăm con gà thả vườn.
Còn ông Phan Quốc Kỳ (thôn Lai Đồng, xã Đức Đồng) mặc dù tuổi cao, con cái đã trưởng thành, nhưng vẫn muốn xây dựng khu vườn đồi 14.000m2 thành vườn mẫu, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ông Kỳ cho biết: Hiện 70% diện tích đã trồng các loại cây ăn quả phù hợp với vùng đất nơi đây như: Thanh long, cam và bưởi Diễn; ngoài ra, còn bố trí nuôi thả 10 đàn ong, trồng cỏ phục vụ nuôi đàn bò 10 con…
Ông Lê Văn Canh - Chủ tịch Hội ND xã Đức Đồng cho biết: Hội ND xã có gần 900 hội viên, trong đó, 300 hội viên có diện tích vườn đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích, mỗi vườn đạt 2.000m2 trở lên. Để đáp ứng các tiêu chí về xây dựng vườn mẫu, cùng với công tác tuyên truyền, hội đã đánh giá đúng thực trạng vườn và có sự hướng dẫn, hỗ trợ phù hợp. Trong đó, mục tiêu là mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có chất lượng, xây dựng các mô hình vườn trồng rau an toàn.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Đức Thọ cho biết: Để tạo điều kiện cho bà con nông dân xây dựng vườn mẫu cho thu nhập cao, Hội ND huyện Đức Thọ phối hợp với các trung tâm cung ứng giống cây trồng đảm bảo chất lượng; đồng thời, tư vấn, định hướng để bà con lựa chọn những giống cây được huyện xác định là chủ lực, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, cho hiệu quả kinh tế cao.
Đối với vùng thượng, chủ lực là cây ăn quả như: Chanh, cam, thanh long; đối với vùng ngoài đê, chủ lực là các giống rau ngắn ngày. Từ đầu năm đến nay, hội đã cung ứng trên 7.000 cây ăn quả các loại cho bà con nông dân.
Hàng tuần, Hội ND huyện cử cán bộ thường trực xuống các địa phương trực tiếp khảo sát, hướng dẫn, đánh giá tiến độ xây dựng vườn mẫu, từ đó, kịp thời giúp nông dân tháo gỡ khó khăn. Cùng với đó, hội coi trọng việc hướng dẫn cho bà con về KHKT, áp dụng các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo hướng an toàn. Đến nay, toàn huyện Đức Thọ có 491 vườn đăng ký triển khai xây dựng vườn mẫu (trong đó Hội ND xây dựng 224 vườn), có 2.841 vườn được cải tạo, phá bỏ vườn tạp, bố trí các loại cây trồng phù hợp, có hiệu quả, đảm bảo cảnh quan, môi trường.