Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 17/1/2020 vừa qua, Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC đã đăng kí thành lập mới với số vốn đăng kí lên tới 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD).
Người đại diện của công ty không phải đại gia Việt hoặc một doanh nhân nổi tiếng nào mà là một cái tên xa lạ. Vị doanh nhân này là ông Trần Gia Phong – đại diện pháp luật của doanh nghiệp, sinh năm 1979.
Trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp, ngoài vị doanh nhân 7X là ông Trần Gia Phong, còn xuất hiện thêm 2 cá nhân khác là bà Kim Thị Phương và ông Nguyễn Hoàn Sơn.
Trong đó, ông Phong và bà Phương đóng góp 43,2 nghìn tỷ đồng, tương đường 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. 40% còn lại do ông Nguyễn Hoàn Sơn góp, tương ứng 56,7 nghìn tỷ đồng.
Trái với số vốn khủng lên tới hàng tỷ USD, trụ sở đăng kí kinh doanh của công ty này là ngôi nhà nhỏ nằm tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Đứng trước con số vốn khủng 144.000 tỷ đồng mà doanh nghiệp này đăng kí, nhiều người đặt câu hỏi, con số này ở đâu ra? Có "đáng ngờ"?
Dưới góc nhìn của mình, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết: Luật ghi rõ thông tin đăng kí của doanh nghiệp phải trung thực và hiện nay khuôn khổ pháp luật hoàn toàn có đủ căn cứ xử phạt trường hợp khai không đúng.
Cụ thể, Điều 24, Nghị định 50 năm 2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Kế hoạch và đầu tư quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời, buộc đăng kí lại các thông tin doanh nghiệp kê khai không trung thực, không chính xác.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Trưởng ban Pháp chế, Phòng công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết thêm, hiện nay luật Doanh nghiệp sửa đổi khuyến khích người dân bỏ vốn kinh doanh và tự kê khai. Thay vì trước đây Nhà nước phải xác minh doanh nghiệp có đủ số tiền đăng kí không mới cho thành lập. “Đây là bước tiến mới trong luật, trách nhiệm của Nhà nước không phải xác minh doanh nghiệp có bao nhiêu tiền, mà nghĩa vụ của doanh nghiệp phải kê khai đúng”, vị này nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuấn, trong trường hợp của doanh nghiệp có đăng kí vốn "siêu" khủng này, nếu đây chỉ là thông tin doanh nghiệp này "nổ" mà không gây thiệt hại cho ai thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu khai khống vì mục đích lừa đảo là vi phạm pháp luật.
Từ vụ việc này, ông Tuấn đánh giá, thông qua hệ thống đăng kí quản lý kinh doanh tập trung cơ quan quản lý dễ dàng giám sát, phát hiện ra những doanh nghiệp có dấu hiệu “nghi ngờ” khai báo về vốn không trung thực để thực hiện thanh kiểm tra. "Về mặt quản lý rủi ro hình thức này là rất tốt", ông Tuấn cho hay.
Mới đây, trả lời báo chí, cổ đông Kim Thị Phương, là một trong 3 cổ đông góp 30% vốn của "siêu" DN 144.000 tỷ đồng, tương ứng 43.200 tỷ đồng cho biết, bà phải lo chạy ăn từng bữa và chẳng có đồng nào để góp vốn vào công ty. Kể về hai “cộng sự” còn lại rủ lập công ty vốn trăm nghìn tỷ, bà Phương cho biết, ông Trần Gia Phong – người đại diện pháp luật của công ty mới thành lập này là một người kinh doanh gỗ tại xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, còn ông Nguyễn Hoàn Sơn (cổ đông góp 40% vốn điều lệ theo đăng kí kinh doanh) cũng đi buôn nước khoáng. Qua lời kể của bà Phương thì cả hai người này cũng đều "không có tiền". “Họ cầm chứng minh thư để đi làm (đăng kí thành lập doanh nghiệp - pv), bảo ký thì tôi ký chứ mình biết gì đâu. Nếu họ bảo phải đóng 100 triệu vào đây, thì ai dám ký. Còn giờ có mất cái gì của mình đâu. Cứ nói mồm thế, làm được thì làm, chẳng được thì thôi. Tiền đâu ra mà góp, tiền ăn, nuôi con còn chẳng đủ. Thực sự nhà tôi ăn bữa nọ, chạy bữa kia, nhà còn đang cắm cái đây này. Sang tên cho người ta rồi mà giờ còn chưa có tiền chuộc lại được, làm gì có đồng nào”, bà Phương tâm sự. |