Video: "Binh đoàn vịt" đi dập dịch châu chấu châu Phi ở Trung Quốc. Nguồn: CGTN
Thời báo Hoàn cầu hôm 27/2 đưa tin, Pakistan sẽ tiếp nhận "binh đoàn vịt" 10 vạn con tới từ Trung Quốc để giúp dập dịch châu chấu châu Phi đang hoành hành.
Li Guowei, người đứng đầu Cơ sở công nghiệp chăn nuôi gia cầm Guowei ở quận Chư Kỵ, thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, cho biết, "binh đoàn vịt" có nguồn gốc từ thành phố từng quét sạch dịch châu chấu ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, cách đây 20 năm.
Dịch châu chấu có thể được kiểm soát bằng thuốc trừ sâu hoặc bằng các phương pháp sinh học, nhưng "binh đoàn vịt" luôn là ưu tiên hàng đầu vì nó tiết kiệm về mặt chi phí, không gây ô nhiễm môi trường và có thể giúp khôi phục chuỗi sinh học, Lu Lizhi, một nhà nghiên cứu tại Viện khoa học nông nghiệp Chiết Giang - người trực tiếp tham gia vào kế hoạch triển khai "binh đoàn vịt", chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu.
Vịt được coi là loài diệt châu chấu hiệu quả hơn một số loài khác như ếch, chim, gà... Ảnh cắt từ video
Vịt cũng được coi là loài diệt châu chấu vượt trội hơn ếch, chim hoặc gà vì chúng là loài sống theo bầy đàn, có khả năng sinh tồn mạnh mẽ trong tự nhiên và dễ kiểm soát, Lu cho biết và nhấn mạnh ếch, chim khó kiểm soát hơn và không thể kịp thích nghi với khu vực mới khi châu chấu dịch chuyển.
"Một con gà có thể ăn 70 con châu chấu trong một ngày nhưng một con vịt có thể xơi tái gần gấp 3 lần (200 con/ngày). Đàn vịt thậm chí còn không để sót một mầm mống nào của châu chấu", chuyên gia Lu chia sẻ.
Những con vịt rất năng suất và sau khi hoàn thành nhiệm vụ diệt châu chấu, chúng còn mang lại giá trị kinh tế với những quả trứng, theo ông Li.
Theo tờ Ningbo Evening News, "binh đoàn vịt" có thể được vận chuyển bằng máy bay và tới Pakistan chỉ trong một ngày.
Chuyên gia Lu cho biết chuyên gia Trung Quốc và Pakistan vẫn cần thời gian để thiết lập giao thức kỹ thuật giữa 2 bên và tính toán thời điểm tốt nhất đưa "binh đoàn vịt" sang làm nhiệm vụ để thu về kết quả tốt nhất.
"Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thiện công nghệ sử dụng vịt để chống dịch châu chấu và sau đó xuất khẩu công nghệ này sang Pakistan và một số nước khác, giúp họ kiểm soát dịch châu chấu", ông Lu nói.
Pakistan cũng cử người tới Trung Quốc để học tập công nghệ tại khu tự trị Tân Cương. "Binh đoàn vịt" tới từ thành phố Thiệu Hưng sẽ được điều đến Pakistan sớm nhất vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021", theo ông Lu.
Hiện tại, Pakistan vẫn chủ yếu dùng thuốc trừ sâu để kiểm soát số châu chấu, nhưng hy vọng sẽ tăng tỷ lệ sử dụng phương pháp sinh học để thân thiện với môi trường cũng như tiết kiệm chi phí.
Hồi đầu tháng 2, Pakistan đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc về sự hoành hành của dịch châu chấu.
Dịch châu chấu đang hoành hành ở nhiều quốc gia ở châu Á và châu Phi. Ảnh: APP
Hôm 24/2, một nhóm chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc đã tới Pakistan với nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật để kiểm soát dịch châu chấu và cùng hợp tác lập ra một kế hoạch hành động với chính phủ Pakistan nhằm ngăn một dịch tương tự xảy ra.
Dịch châu chấu châu Phi đã lan rộng ra hơn 20 quốc gia từ tây tới đông châu Phi, châu Á trong vài tháng qua. Diện tích mà hàng trăm tỉ con châu chấu tàn phá lên tới hơn 16 triệu km vuông và dẫn tới một cuộc khủng hoảng lương thực.