Dân Việt

Miễn nhiễm dịch COVID-19, bắt 45 tấn cá trê vàng, bán 37 ngàn/ký

Trương Thanh Liêm 02/03/2020 13:06 GMT+7
Ông Hồ Hoàng Tích, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang phấn khởi thông tin cùng chúng tôi: "Trong khi các loại thủy sản khác nhất là cá tra rớt giá thảm hại do không xuất khẩu sang Trung Quốc được bởi dịch COVID-19 thì cá trê vàng có giá bán vẫn ở mức cao, người nuôi vẫn có lãi. Hiện tại, huyện Long Mỹ đang có hàng chục hộ nuôi cá trê vàng với diện tích trên 50 ha”

Chuẩn bị xuất bán 4 ao cá trê vàng có diện tích trên 6.000 m2 mặt nước, dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 45 tấn cá trê vàng, chị Nguyễn Thị Bích Nguyệt ngụ khu vực 3, phường Thuận An, TX Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang nói rất vui: “Năm nay với 6.000 m2 ao đất, tôi xuất bán được 45 tấn cá trê vàng với giá bình quân 37.000 đồng/ký, trừ hết chi phí còn lãi trên 800 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay. Tuy giá bán cá trê vàng có giảm đôi chút từ ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng vẫn có lãi cao so với các loại cá khác”.

img

Nuôi cá trê vàng đang mang lại nguồn thu nhập khá tốt cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Cá trê vàng đang được thị trường ưa chuộng, giữ ở mức khá cao mặc dù diễn biến dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới-COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Có được điều này là bởi sản lượng cá trê vàng nuôi chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước. Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, trong đó thị trường chủ yếu là Trung Quốc...

Chị Nguyệt kể thêm: Nguồn cá trê vàng đang được thị trường ưa chuộng, vì vậy dù đang chịu ảnh hưởng chung của dịch bệnh nhưng giá bán chỉ giảm từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg nên người nuôi không bị ảnh hưởng nhiều. Dự kiến tôi sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi”.

Trong xu thế hiện nay, việc chuyển đổi sang nuôi các loài thủy sản phù hợp với giá cả thị trường là vấn đề đang được nhiều nông dân Hậu Giang đặc biệt quan tâm.

Tại Thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), mô hình nuôi cá cá trê vàng cũng đang phát triển rất mạnh, mang về nguồn lãi khá lớn cho người nuôi. Cụ thể như trường hợp ông Nguyễn Thanh Liêm ở khu vực 2, phường Trà Lồng là một trong những hộ thành công với mô hình nuôi cá trê vàng trong ao đất.

Ông Liêm kể: “Sau khi tham quan ao nuôi cá trê vàng từ các nơi, tôi thả nuôi cá trê vàng trên 3.000 m2 ao đất. Loại cá trê vàng này rất dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp vì thức ăn cho cá trê vàng không nhiều. Ao nuôi cá trê vàng không phải thay nước nhiều lần như các loại thủy sản khác. Sau 4 tháng nuôi, tôi thu hoạch được 20 tấn cá trê vàng thành phẩm, cá trê vàng bán với giá 40.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí tôi còn lãi trên 400 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các loại cá khác”.

Tuy nhiên theo nhiều người nuôi cá trê vàng chia sẻ một số khó khăn khi nuôi cá trê vàng: Nếu không nắm vững kỹ thuật nuôi cá trê vàng, đặc tính của loài cá trê vàng thì sau thời gian nuôi đến lúc thu hoạch. Cá trê vàng không có màu vàng đặc trưng, mà chỉ có màu ngà của cá trê lai thì giá bán sẽ thấp. Ngoài ra, đầu ra của cá trê vàng còn nhiều bấp bênh do chủ yếu bán cho thương lái tại các chợ để tiêu thụ nội địa.

NHỮNG LƯU Ý VỀ KỸ THUẬT NUÔI CÁ TRÊ VÀNG

Ông Trần Văn Lô, người đang rất thành công từ mô hình nuôi cá trê vàng tại xã Long Phú, Thị xã Long Mỹ cho biết một số kinh nghiệm nuôi cá trê vàng thực tế:

-Diện tích ao nuôi cá trê vàng thích hợp từ 500 đến 1.000 m2

- Mực nước ao nuôi cá trê vàng dao động từ 1,2 đến 1,8 m

-Ao nuôi cá trê vàng phải chủ động được khâu cấp, thoát nước

- Đáy ao nuôi cá trê vàng ít bùn, bờ ao vững chắc

-Cải tạo ao nuôi cá trê vàng bằng cách tát cạn ao, diệt hết cá tạp, bón vôi 10 kg/100 m2

-Phơi đáy ao nuôi cá trê vàng từ 3-4 ngày, sau đó cấp nước vào qua lưới lọc…

-Mỗi ngày cho cá trê vàng ăn 2 lần (sáng và chiều), khi cho ăn cần phải rải đều giữa ao...

Cũng theo nhiều người nuôi cá trê vàng, khi nuôi loại thủy sản này cần chú ý phòng chống các loại bệnh thường gặp như: bệnh sán lá, bệnh nhầy da, trắng da khoang thân, bệnh trùng quả dưa…

Điều đáng nói là cá trê vàng không chỉ có mặt tại các ao đất do người nuôi tự đào mà loại thủy sản này còn có mặt ngày càng nhiều trong ruộng canh tác lúa của nông dân Hậu Giang, tức là người dân nuôi cá trê vàng trong ruộng lúa. Nuôi cá trê vàng trong ruộng lúa nhiều nhất là huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thủy đã và mang lại kết quả rất khả quan.

Ông Hà Văn Tấn, ngụ ấp 3, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ cho biết: “Cứ vào mùa nước nhiều là tôi thả nuôi cá trê vàng trên ruông lúa của mình để có thêm thu nhập. Mỗi năm từ 10 công ruộng lúa tôi thu thêm về lợi nhuận trên 50 triệu đồng từ nuôi cá trê vàng. Nuôi cá trê vàng trong ruộng lúa mùa nước nổi khỏe lắm vì có phải chăm sóc gì đâu”.

Tuy vậy, ông Tấn khuyến cáo: Nên chọn những con cá trê vàng khỏe mạnh để thả nuôi trong ruộng lúa; chú ý nguồn nước ruộng phải sạch, thông thoáng; cho cá trê vàng ăn dặm thêm nhiều loại cá tạp để chúng có màu vàng đẹp, bắt mắt.

"Đối với mô hình nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa, những vùng nuôi trũng thấp và bị nhiễm phèn nặng thì bà con nên xử lý vôi bột trước khi thả cá trê vàng. Làm việc này nhằm hạn chế tình trạng bệnh lý xảy ra trên đàn cá trê vàng, đảm bảo sản lượng, chất lượng cá trê vàng tốt nhất sau khi thu hoạch.

Ông Lâm Văn Việt, Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Long Mỹ nhận định: “Mô hình nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao; giúp người dân có nguồn thu nhập và đảm bảo cho môi trường. Hiện trên địa bàn huyện Long Mỹ có hơn 20 hộ nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa. Tới đây, huyện tiếp tục hỗ trợ vốn, kỹ thuật và khuyến khích bà con tham gia để nhân rộng và phát triển mô hình nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa...”.