Dân Việt

Giá tiêu giảm sâu, định nuôi hươu "chữa cháy" vậy mà có trăm triệu

Hồng Thuỷ 02/03/2020 13:30 GMT+7
HTX nhung hươu Bù Đốp, Bình Phước đang hoạt động rất hiệu quả. Với đàn hươu 50 con, các xã viên có thu nhập ổn định hơn trăm triệu đồng/năm. Đặc biệt là nhờ con vật đặc biệt này, nhiều hộ nông dân ở đây đã thoát nỗi "ám ảnh" từ việc trồng tiêu bị rớt giá thê thảm.

Thoát ám ảnh cây tiêu

Về ấp Tân Phước, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, những ngày này, đến đâu cũng nghe chuyện cắt nhung hươu. Đây là ngày vui nhất của gia chủ. Vui vì sau những ngày chăm sóc, giờ là lúc họ thu về thành quả lao động trị giá hàng chục triệu đồng từ những cặp nhung. Và vui vì họ đã thoát nghèo sau khi bị cây tiêu “hành” cho trắng tay, nợ nần chồng chất.

img

Cặp nhung mới cắt nặng gần nửa kg. Ảnh: cand

Cách đây 10 năm, gia đình anh Nguyễn Hồng Sơn, ở xã Tân Thành, là một trong những đại gia với hơn 3.000 trụ tiêu, mỗi năm thu nhập cả tỷ đồng. Nhưng sau khi cây tiêu “bết bát”, anh cũng “bết bát” theo tiêu, nợ nần đầm đìa. “Nhìn vườn tiêu chết dần, trong khi giá xuống quá thấp mà ruột tôi như cắt từng khúc”, anh Sơn nhớ lại.

Loay hoay mãi với bài toán trồng cây gì, nuôi con gì mà chưa có lời giải. Đúng lúc đó thì HTX ra đời và anh may mắn trở thành 1 trong những xã viên đầu tiên. Một điều thuận lợi khi tham gia HTX nuôi hươu là vườn tiêu của gia đình anh dù chết nhiều, nhưng trụ sống là những cây keo vẫn sum suê cành lá.

Đây là nguồn thức ăn rất tốt cho hươu. Nhờ vậy, công cuộc thoát nghèo, thoát khỏi bóng trụ tiêu của anh đã thành công. Hiện nay, anh Sơn đã có thu nhập ổn định mỗi năm trên 100 triệu đồng.

“Hươu là động vật bán hoang dã nên kháng bệnh rất tốt, dễ ăn, các loại lá cây có vị đắng, cay, chua, ngọt, chúng đều không chê. Chỉ cần 500m2 đất trồng cỏ là có thể nuôi được 4 con hươu. Đặc biệt, Bù Đốp có trên 4.000ha hồ tiêu, chủ yếu trồng bằng nọc sống như keo, cẩm, xoan… là nguồn thức ăn sẵn có rất dồi dào cho hươu”, anh Sơn cho biết.

Hiện giá nhung 18 đến 25 triệu đồng/kg. Một con hươu đực có thể cho nhung tối đa 20 năm. Mỗi năm cắt nhung tối thiểu 2 lần, trung bình mỗi con hươu trưởng thành cho từ 1,2- 1,6kg nhung/năm.

img

Hiện giá nhung hươu dao động từ 18 đến 25 triệu đồng/kg

Với giá nhung hươu hiện tại, mỗi con hươu đực cho thu nhập 20-30 triệu đồng/năm. Còn hươu cái là nguồn cung con giống có giá trị kinh tế cao. Một hươu giống giá từ 15- 30 triệu đồng/con tùy vào đực, cái, tơ, trưởng thành.

Mô hình nuôi hươu thảo dược

Ông Trương văn Nghiệp, giám đốc HTX Nhung hươu Bù Đốp cho biết, mùa cắt nhung hươu bắt đầu từ cuối tháng Chạp đến tháng Hai (âm lịch). Hươu đực từ hai năm tuổi bắt đầu cho nhung, đây là thời điểm hươu đổ hết lông xù, bắt đầu rụng đế và khoác lên mình bộ lông đầy sao rực rỡ.

Trong suốt quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng thì công đoạn cắt nhung hươu là quan trọng nhất, quyết định 70% việc thành công với nghề bởi nếu cắt nhung không đúng cách sẽ làm hư đế, nhung sẽ không mọc lại, hoặc mọc lại nhưng phát triển kém.

Để cắt nhung phải cần ít nhất 10 người nhanh nhẹn, khỏe mạnh, có kinh nghiệm vì hươu là loài vật rất nhanh nhẹn, bộ móng guốc rất sắc. Nếu “hợp đồng tác chiến” không nhanh, không dứt khoát sẽ làm hươu tổn thương, thậm chí nguy hiểm nếu bị hươu đạp trúng bụng, mặt. Do đó HTX thành lập “hội cắt nhung”, tập trung những xã viên khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Khi nhà nào đến lượt cắt nhung, hội sẽ đến hỗ trợ.

img

Các xã viên trong "hội cắt nhung" đang hỗ trợ cắt nhung cho thành viên HTX. Ảnh: cand

Hiện HTX có hơn 50 con hươu, trong đó 30 con hươu đang cho khai thác với sản lượng bình quân khoảng 30kg nhung/năm. Trung bình 1kg nhung 18 triệu đồng, mỗi năm HTX thu 540 triệu đồng tiền nhung, chưa kể bán hươu giống khoảng 100 triệu đồng/năm. Chỉ tính từ tháng chạp đến nay, HTX đã cắt được trên 10 cặp nhung, trung bình mỗi cặp gần nửa ký, thu gần 100 triệu cho HTX và xã viên.

“HTX nuôi hươu Bù Đốp là mô hình kinh tế tập thể đầu tiên về chăn nuôi hươu của địa phương. Sắp tới, HTX sẽ mở rộng hợp tác với các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp trong lĩnh vực trồng cây dược liệu làm thức ăn cho hươu, nâng cao giá trị nhung, thịt hươu. Hướng tới tạo ra sản phẩm nhung hươu có đặc trưng riêng của Bình Phước”, ông Nghiệp nói.

Nghề nuôi hươu lấy nhung ở Bù Đốp mới xuất hiện vài năm gần đây. Nhưng nhờ lợi thế về khí hậu, đặc biệt là nguồn thức ăn dồi dào từ những trụ sống của các vườn tiêu, nghề nuôi hươu ngày càng phát triển. Đến nay, đã có hàng chục gia đình tham gia với tổng đàn gần 100 con. Trong đó, có 50 con của HTX nhung hươu Bù Đốp.

Ông Nguyễn Văn Nu, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: Ngoài dê là vật nuôi chủ lực, xã xác định hươu là vật nuôi đầy tiềm năng, địa phương đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn HTX và bà con đẩy mạnh phát triển và xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi hươu thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Mong muốn lớn nhất của HTX hươu Bù Đốp là sớm được vào liên minh HTX Bình Phước, để nhận được sự hỗ trợ từ tỉnh. Mặc dù, lãnh đạo HTX đã có hồ sơ xin gia nhập, nhưng không biết còn “vướng” ở khâu nào mà hiện chưa được vào liên minh HTX.

"Bù Đốp là một trong những huyện có diện tích hồ tiêu lớn nhất tỉnh, nên khi hồ tiêu liên tục rớt giá, sâu bệnh, thì địa phương cũng đối mặt với tình trạng khó khăn nhiều hơn. HTX nhung hươu Bù Đốp ra đời, đã mang lại nguồn thu ổn định cho bà con, nhất là những hộ ít đất canh tác”, ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp.