Dân Việt

Quýt đặc sản Nghệ An rớt giá thê thảm, thương lái đi đâu mất hút

Cảnh Thắng 03/03/2020 11:44 GMT+7
Quýt PQ, quýt đường là một trong những cây trồng giúp nhiều nông dân ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp (Nghệ An) khấm khá lên nhiều năm qua. Tuy nhiên năm nay, giá quýt xuống thấp kỷ lục khiến nhiều gia đình, nhà vườn lao đao.

Giá lao dốc kỷ lục

Với 5 năm thâm niên trong nghề trồng quýt PQ, quýt đường, ông Nguyễn Tuấn Anh, trú tại bản Khì, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp đang sở hữu 3 ha với loại cây trồng này cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay quýt đã chín rộ khắp các vườn nhưng rất ít thương lái vào vườn để thu mua dù giá rớt xuống kỷ lục , chỉ còn từ 2.000 đến 5.000/kg .

img

Quýt rớt giá kỷ lục, người nông dân thu hoạch cầm chừng. Ảnh: Cảnh Thắng

Ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: “Giá quýt đường hiện nay quá rẻ so với bỏ công sức và tiền bạc chăm sóc. Thương lái đến tận vườn chọn lựa trái đẹp, ngon thì giá chỉ từ 6.000 đến 10.000 đồng/kg. Mua ngang thì có nhà bán 4.000 - 5.000 đồng/kg; thậm chí có nhà còn bán 2.000 đồng/kg mà thương lái không mua. Chưa có năm nào giá quýt đường lại rẻ như năm nay...”.

“Gia đình tôi từ đầu vụ đầu tư phân bón, nhân công khoảng 60 triệu đồng/3ha nhưng đến nay dù quýt sai quả nhưng không bán được vì giá quá thấp. Quả dù chín vàng những gia đình tôi đâu có dám hái, cứ để mặc cho quả rụng dưới gốc thôi...” - ông Tuấn Anh thở dài thượt thượt.

img

Quýt chín vẫn đầy trên cây, nhưng người dân không buồn hái bán, phần vì giá quýt quá rẻ, phần vì không có thương lái thu mua. Ảnh: Cảnh Thắng

Trong khi đó, tại các xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn cũng lâm vào cảnh tương tự khi các hộ dân trồng quýt cũng không có đầu ra, nếu có thì giá thấp nên năm nay coi như mất mùa.

Trao đổi với Dân Việt, ông Đinh Văn Minh – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồng cho biết: “Cả xã Nghĩa Hồng có 38 ha  trồng quýt đang kỳ thu hoạch, đây là giống cây thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, năm nay đầu ra gặp nhiều khó khăn đang khiến nhiều hộ nông dân trong xã rất xót xa. Giá quýt thời điểm này 2.000 - 5.000 đồng/kg nhưng không ai mua. Hiện nay xã cũng tuyên truyền người dân không mở rộng diện tích trồng quýt, năm tới vẫn giữ nguyên diện tích nhưng cố gắng trồng xen canh với các loại cây trồng khác cho năng suất cao hơn...”.

Nông dân trồng quýt bất an

Trong khi đó ông Ngô Văn Giang, trú tại xóm Mai Thịnh, xã Nghĩa Mai thì cho rằng: "Những năm trước, do cây quýt dễ trồng, bán được giá nên gia đình chúng tôi cũng đầu tư trồng 2ha quýt, giá quýt trung bình từ 20.000 đến 25.000 ngàn/kg trừ chi phí, lợi nhuận của gia đình cũng xấp xỉ 200 triệu đồng. Nhưng vụ mùa năm nay, do sản lượng trái giảm chỉ còn hơn 1/2  vụ năm ngoái, thời điểm này trái chín vàng trên cây nhưng có, quả to nhưng có thương lái nào đến mua đâu. Tôi đành chờ, nếu một hai ngày nữa mà cứ như vậy tôi sẽ cũng gia đình hái xuống chợ bán thôi...”

img

Quả chín vàng và để rụng vì không người mua. Ảnh: Cảnh Thắng

“Năm nay giá quýt xuống thấp quá, thương lái mua ngang khoảng 5.000/kg. Loại đẹp thì chừng 6.000/kg. Giá quá thấp gia đình tôi cũng không dám bán. Nếu mà bán giá đó cũng không đủ chi phí chăm sóc. Đành để vậy chờ quả rụng thôi.” - anh Giang cho biết thêm.

Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Văn Thành - cán bộ nông nghiệp xã Nghĩa Mai chia sẻ: “Quýt ở Nghĩa Mai chủ yếu đang thời kỳ thu hoạch chính. Tuy nhiên giá quýt xuống quá thấp từ 2.000 đến 5.000 đồng/kg nên người dân không nỡ bán vì giá quá rẻ. Mọi năm, hàng chục chiếc xe tải nhỏ cứ xếp hàng trong xã để đi đến các nhà vườn thu mua, nhưng năm nay không thấy xuất hiện. Người dân chỉ bán nhỏ lẻ ngoài chợ thôi...

img

Chỉ 2.000-5000 đồng/kg, giá quýt đang thấp nhấp trong nhiều năm lại đây. Ảnh: Cảnh Thắng

Với giá bán hiện nay, các hộ nông dân trồng quýt ở Nghệ An cho rằng thu không đủ bù chi phí. Đặc biệt, người nông dân cho rằng do tình trạng giá quá rẻ, không nỡ thu hoạch để bán, càng bán càng lỗ. Những năm trước, quýt đường là loại cây mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân, được nhiều hộ chọn là cây trồng bền vững. Nay giá thành thu mua của quýt đường giảm như hiện nay khiến cho các hộ nông dân lo lắng trong việc đầu tư trong thời gian tiếp theo.