Dân Việt

Bất chấp dịch Covid-19, cổ phiếu ngân hàng vẫn bứt phá mạnh

Quốc Hải 03/03/2020 15:08 GMT+7
Dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index đã “bốc hơi” khoảng 100 điểm sau hơn 1 tháng giao dịch kể từ sau tết Nguyên đán 2020. Thế nhưng, nhiều cổ phiếu ngân hàng lại có chiều hướng tăng điểm tích cực.

Trong phiên giao dịch hôm nay 3/3, nhiều cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng giá bất chấp dịch virus corona (Covid-19) diễn biến ngày càng phức tạp. Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng cùng ngày, chỉ số VN-Index dừng tại 892,18 điểm, tăng 7,75 điểm so với phiên giao dịch ngày hôm trước ( 0.88%). Tuy nhiên, chỉ số này vẫn giảm gần 100 điểm so với thời điểm đầu tháng 2/2020, khi thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ lễ tết Nguyên đán kéo dài. Kéo theo đó, mức vốn hoá của thị trường cũng “bốc hơi” khoảng 18 tỷ USD.

img

Thống kê đà tăng của cổ phiếu ngành ngân hàng trong 1 tháng qua bất chấp dịch virus corona (Ảnh: Quốc Hải)

Trong bối cảnh VN-Index giảm mạnh, các nhóm cổ phiếu ngành hàng không, dệt may, thủy sản, dịch vụ du lịch, khách sạn… sụt giảm mạnh do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là các mã SHB, ACB, VPB, CTG, VIB, STB… dường như “miễn nhiễm” với virus corona, thậm chí trở thành “trụ đỡ” cho thị trường.

Cụ thể, với cổ phiếu SHB, khi chỉ số VN-Index ở mức 991 điểm (đầu tháng 2/2020) thì giá cổ phiếu SHB là 6.400 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, khi VN-Index giảm mạnh về 892,18 điểm như hiện tại, thì cổ phiếu SHB lại tăng giá mạnh lên 11.500 đồng/CP. Đáng chú ý, đây là phiên thứ 7 liên tiếp cổ phiếu SHB tăng giá và đến thời điểm này đã tăng gần 100% so với mức giá hồi đầu tháng 2.

Cũng tăng mạnh không kém là cổ phiếu VPB của VPBank. Tại thời điểm đầu tháng 2, chỉ số VN-Index ở mức 991 điểm thì cổ phiếu VPB đạt mức giá 23.100 đồng/CP, nhưng khi VN-Index lùi sâu về 892,18 điểm như hiện tại, cổ phiếu VPB lại tăng tới 27.200 đồng/CP.

Còn nếu tính từ đầu năm 2020 đến nay thì cổ phiếu VPBank đã tăng tới 36%, từ mốc 20.000 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch ngày 2/1) lên mức giá hiện tại.

Sở dĩ cổ phiếu này tăng mạnh trong thời gian qua là do VPBank trở thành ngân hàng cổ phần thứ hai hoàn thành 3 trụ cột Basel II. Đặc biệt, giới phân tích cho rằng, có 3 yếu tố dẫn dắt đà tăng thị giá của VPB thời gian qua. Đầu tiên là mức định giá thấp hồi đầu năm xét theo cả P/E lẫn P/B của VPBank thuộc loại thấp nhất trong nhóm ngân hàng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng (đạt 10.334 tỷ đồng, tăng gần 13% so với năm 2018). Thứ hai là triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của nhà băng này khi tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận lên đến 25 - 30% trong năm 2020, do việc tối ưu hóa chi phí và tiết kiệm chi phí dự phòng do đã xử lý xong nợ xấu tại VAMC. Cuối cùng là kỳ vọng của thị trường vào câu chuyện bán vốn của FE Credit.

Thêm vào đó, ngân hàng cũng đã cải thiện đáng kể chất lượng tài sản, với tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ được kiểm soát ở mức 2,95%,… Ngoài ra, kết thúc năm 2019, cơ cấu tổ chức của VPBank đã gọn nhẹ hơn khi giảm hơn 2.000 nhân sự ở ngân hàng mẹ so với năm 2018. Các chỉ số hiệu quả cũng được cải thiện đáng kể, chẳng hạn chi phí hoạt động của ngân hàng mẹ chỉ tăng 8,8% so với năm 2018, tốc độ tăng chi phí thấp như vậy đã đưa tỷ lệ chi phí trên thu nhập (không bao gồm lợi nhuận công ty con chuyển về) xuống 37,9%, từ mức 43,4% năm 2018.

Theo dự báo của một số công ty chứng khoán, lợi nhuận năm 2020 của VPBank sẽ đạt khoảng trên dưới 13.000 tỷ đồng, giúp ngân hàng củng cố vị trí sinh lời trong top đầu các ngân hàng.

img

Cổ phiếu ngành ngân hàng trong phiên giao dịch ngày 3/3.

Các mã cổ phiếu “vua” khác như ACB, CTG, STB… cũng tăng giá dù chỉ số VN-Index đi lùi trong hơn một tháng qua.

Đánh giá về tiềm năng của các cổ phiếu ngành ngân hàng trong năm 2020, Công ty CP Chứng khoán SSI dự phóng, lợi nhuận ngành ngân hàng có thể tăng 22,5% trong năm 2020 nhờ sự phục hồi tại một số ngân hàng lớn và thu nhập từ kênh bancassurance, thu nhập từ phí. Trong đó, các ngân hàng được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất là VCB, BID, VPB, MBB, TCB.

Cụ thể, với CTG của Vietinbank - nhà băng này đã trích lập 5.020 tỷ đồng chi phí dự phòng cho số dư trái phiếu VAMC trong năm 2019 (tương đương 37% dư gộp trái phiếu, so với 17% trong năm 2018), tăng 78,6%. Đặc biệt, CTG cũng đã xóa 8.590 tỷ đồng nợ xấu, cao hơn nhiều so với 255 tỷ đồng trong năm 2018. Năm 2020, nếu CTG xử lý xong việc tăng vốn thì sẽ rộng đường tăng trưởng tín dụng, theo đó là tăng trưởng hiệu quả kinh doanh.

Cổ phiếu CTG cũng tăng khá tốt, từ mức giá 25.600 đồng/CP hồi đầu tháng 2, lên mức giá 26.550 đồng/CP ở thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, với BIDV thì động lực tăng trưởng tín dụng cho năm 2020 là mảng cho vay cá nhân do cơ cấu cho vay bán lẻ tương đối thấp hơn so với các NHTM cổ phần tư nhân và vì thế dư địa phát triển mảng này còn rộng…