Dân Việt

Trồng cây "cứng đầu", cho thanh long bám cây mắm, bớt lo hạn mặn

Huỳnh Xây 06/03/2020 10:50 GMT+7
Vài năm trở lại đây, ở ĐBSCL, bên cạnh những người nông dân chủ yếu dựa vào cây lúa thì đã có nhiều người chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và đặc biệt là thích ứng với hạn, mặn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, rất nhiều nông dân “không sợ” hạn mặn bởi họ đang trồng cây “cứng đầu” là mãng cầu xiêm ghép trên gốc bình bát.

“Những năm trước, gia đình sống bằng nghề trồng lúa mà không có lời, lại còn bị thiệt hại do hạn hán, mặn xâm nhập. Vì thế tôi quyết định chuyển sang trồng cây mãng cầu xiêm ghép trên gốc bình bát. Cây này hay ở chỗ nước mặn không chết, hạn lâu ngày không sao, ngập không sợ vì gốc ghép là cây bình bát mà. Nhờ thế mà tôi có thu nhập cao, 1 năm khoảng 600 triệu đồng” - ông Lê Văn Vui ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, nói.

img

Mô hình trồng nhãn Ido của anh Nguyễn Hữu Thanh. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo ông Vui và một số hộ dân lân cận, mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Trồng đến năm thứ 3 - 4 có thể thu hoạch được 20 - 25 tấn/ha, bán với giá 15.000 - 20.000 đồng/kg, thu  từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, người trồng lãi 200 - 400 triệu đồng/ha/năm.

Hiện nay, ở Hậu Giang, độ mặn của nước dưới sông có lúc lên đến 18,4‰, tuy nhiên nông dân Võ Văn Trưng ở ấp Tân Long B (xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp) vẫn vui cười vì 20ha dưa lưới của ông sống rất khoẻ và cho năng suất cao. “Khoảng vài tuần nữa, các công ty đến tận vườn mua, giá hiện giờ là gần 40.000 đồng/kg” - ông Trưng nói. Ông Trưng cho biết thêm, ông đã dự trữ sẵn nước ngọt trong ruộng và sử dụng hết sức tiết kiệm bằng phương pháp tưới nhỏ giọt trong nhà lưới.

Trong chuyến khảo sát vùng nhiễm mặn ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ NNPTNT và Bộ TNMT có giải pháp cụ thể ứng phó, để giúp người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, ứng dụng công nghệ cao cho giá trị kinh tế cao hơn, hướng đến yên tâm sản xuất.

Ở Bến Tre, mô hình trồng nhãn Ido theo hướng VietGAP của anh Nguyễn Hữu Thanh (ấp Long Thạnh, xã Long Hòa, huyện Bình Đại) được nhiều người chú ý bởi không bị ảnh hưởng mặn xâm nhập.

Anh Thanh cho hay: “Nguồn nước dưới sông bị nhiễm mặn 6‰ vài tuần qua nhưng vườn nhãn vẫn sống tốt và đang cho thu hoạch. Loại nhãn này chịu mặn rất tốt, nếu độ mặn quá cao thì mình có thể nhiều tháng không tưới nước vẫn được. Hiện giá nhãn Ido 20.000 đồng/kg”.

Còn ở Cà Mau, ông Mai Lam Phương (thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước) trồng được thanh long trong nước mặn, dưới tán rừng nuôi tôm theo hình thức quảng canh. Để làm được điều này, ông Phương chờ thủy triều xuống để trồng thanh long giống và để thân thanh long bám lên cây mắm - loại cây chịu được nước mặn rất tốt.

Khi bộ rễ thanh long dài, bám lên cây mắm rồi thì dù nước ngập thanh long vẫn sống bình thường. Hiện ông Phương có đến hàng nghìn gốc thanh long trồng bám trên hàng nghìn cây mắm trong hơn 1ha vuông tôm, trái ngọt tự nhiên, được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng. Ngoài những mô hình trên, người dân vùng ĐBSCL có rất nhiều sáng kiến rất lý thú khác để thích ứng với bối cảnh khí hậu gay gắt hiện nay và thành công bất ngờ.

Cụ thể như trồng rau dừa cạn có bông đẹp không thua gì hoa được trồng bên Hà Lan để bán làm thảo dược mang lại kinh tế rất cao, hay mô hình tưới ướt khô xen kẽ trong sản xuất lúa ở xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, cũng góp phần đáng kể vào việc sử dụng tiết kiệm nước tưới…