Dân Việt

Thỏa thuận lịch sử Mỹ-Taliban: Hòa bình cho Afghanistan vẫn còn xa vời

Đại sứ Trần Đức Mậu 07/03/2020 19:00 GMT+7
Sau hơn 18 tháng đàm phán, Mỹ và Taliban chính thức ký kết với nhau thoả thuận hoà bình mà không chỉ có hai bên coi là lịch sử. Nếu chỉ nhìn thuần tuý vào nội dung cụ thể của thoả thuận này thì việc coi nó có ý nghĩa lịch sử hoàn toàn có cơ sở xác đáng và chính đáng.

img

Trưởng phái đoàn Mỹ Zalmay Khalilzad (trái) và Mullah Abdul Ghani Baradar, một lãnh đạo Taliban tại lễ ký thỏa thuận ở Doha Qatar hôm 29/2. Ảnh: AP

Vấn đề ở đây là nó chỉ có ý nghĩa lịch sử thật sự nếu được cả hai bên tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh. Hai bên rồi đây có tuân thủ thỏa thuận hay không hiện lại là câu hỏi không ai có thể trả lời nổi. Có ba nguyên do khiến cho việc đạt được thoả thuận này là một chuyện còn thực hiện nó ở Afghanistan trong thời gian tới lại là chuyện hoàn toàn khác.

Thứ nhất là trong hoà ước giữa Mỹ và Taliban có nhiều điều kiện tiên quyết của bên này đối với bên kia mà nếu không đáp ứng thì toàn bộ hoà ước sẽ bị đổ vỡ. Điều này cho thấy hai bên không có lòng tin lẫn nhau và vẫn luôn thủ thế đề phòng nhau.

Nói theo cách khác, ngay từ khi đàm phán về thoả thuận, hai bên đã tính đến những khả năng khiến thoả thuận bị đổ bể. Chẳng hạn như nếu Taliban không đi vào đàm phán hoà bình, hoà giải và hoà hợp dân tộc với các bên ở Afghanistan thì Mỹ và đồng minh sẽ không thực hiện cam kết triệt thoái hết quân đội ra khỏi Afghanistan theo lộ trình đã được hạn định. Mặt khác, chừng nào Mỹ và đồng minh chưa rút hết quân đội ra khỏi Afghanistan thì chừng ấy Taliban chắc chắn chưa ngả ra hết mọi con chủ bài và chưa lộ ra hết mọi mưu toan thực sự.

Thứ hai, hoà ước này được đàm phán và ký kết riêng giữa Mỹ và Taliban trong khi còn có những phe cánh và lực lượng khác đóng vai trò cùng quyết định trong tiến trình hoà bình, hoà giải và hoà hợp dân tộc ở Afghanistan mà chính phủ hiện tại ở Afghanistan chỉ là một. 

Không chỉ trong nội bộ Taliban có những bộ phận không đồng tình với hoà ước này mà sẽ có cả những phe phái ở Afghanistan cũng vậy. Như thế có nghĩa là hiện không có gì để đảm bảo là thoả thuận ấy rồi đây sẽ được thực hiện. Bằng chứng mới đây nhất và rõ nhất là việc Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tuyên bố không sẵn sàng trao trả 5.000 chiến binh Taliban lấy 1.000 binh lính chính phủ Afghanistan bị Taliban bắt giữ trong khi việc trao trả tù binh này là một trong những nội dung then chốt của hoà ước vừa được ký kết giữa Mỹ và Taliban.

Thứ ba là cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ. Theo thoả thuận này, Mỹ sẽ rút đi chỉ còn để lại ở Afghanistan 8.600 binh lính trong 135 ngày tới. Mỹ cùng với NATO và đồng minh sẽ triệt thoái hoàn toàn quân đội ra khỏi Afghanistan trong thời gian 14 tháng. Ngày 3/11 tới là ngày bầu cử tổng thống mới ở nước Mỹ mà tổng thống đương nhiệm Donald Trump muốn tái đắc cử. Năm 2016, ông Trump đã vận động tranh cử tổng thống Mỹ và đã đắc cử với một trong những cam kết vận động tranh cử trọng tâm là chấm dứt những cuộc chiến tranh của Mỹ ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ nước Mỹ và rút quân đội Mỹ ra khỏi những nơi đó.

Phục vụ cho cuộc vận động tranh cử tổng thống hiện tại ở Mỹ, ông Trump cần thoả thuận này với Taliban vì nó giúp ông Trump thể hiện trước cử tri Mỹ là người không chỉ kiên định thực hiện cam kết tranh cử mà còn đã thực hiện được cam kết tranh cử, chấm dứt được cuộc chiến tranh lâu dài nhất trong lịch sử đến nay của nước Mỹ. Trong thời gian 135 ngày tới, ông Trump chắc chắn sẽ giảm bớt số lính Mỹ ở Afghanistan. Nhưng sau ngày bầu cử tổng thống ở Mỹ và nếu tái đắc cử thì ông Trump sẽ không còn sẵn sàng "đi trước" Taliban như từ nay đến ngày bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Đối với Taliban, mục tiêu ưu tiên hàng đầu là quân đội nước ngoài rút hết ra khỏi Afghanistan bởi sau đấy là cục diện tình hình mới về quân sự mà Taliban có lợi thế hơn cả. Taliban sẽ đi vào đàm phán hoà bình với các bên khác ở Afghanistan nhưng đàm phán có đi đến kết quả cụ thể nào hay không lại là chuyện khác.

Ở đây hiện tại còn hai điều bất định nữa khiến cho hoà ước kia giữa Mỹ và Taliban không biết rồi có khả thi hay không hoặc khả thi đến mức độ nào. Thứ nhất là phía chính quyền Afghanistan hiện chưa giải quyết xong, ổn thoả và lâu bền vấn đề quyền lực sau cuộc bầu cử tổng thống. Ông Ghani được Uỷ ban bầu cử quốc gia tuyên bố đắc cử nhưng tất cả các đối thủ chính trị khác đâu có phục và công nhận. Chừng nào chuyện này còn chưa ngã ngũ thì chừng ấy làm sao có thể khởi động được tiến trình đàm phán hoà bình, hoà giải và hoà hợp dân tộc ở Afghanistan. Thứ hai là nguy cơ những bộ phận trong nội bộ Taliban và những nhóm phái ở Afghanistan không thuận với hoà ước này sẽ chống phá bằng bạo lực, sẽ gây rối loạn và mất an ninh, sẽ khích động khủng bố... Việc thực hiện hoà ước này vì thế sẽ rất khó khăn và kéo dài.

Thoả thuận đúng là sự kiện lịch sử khi Mỹ và Taliban đạt được hoà ước với nhau cho dù Mỹ đã lật đổ chính thể Taliban ở Afghanistan và những người tiền nhiệm của ông Trump suốt nhiều năm không sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Taliban. Nhưng rõ ràng là nó chỉ có ý nghĩa lịch sử thật sự khi nó được các bên thực hiện trên thực tế.