Dân Việt

Covid-19: Manila hóa "thành phố ma”, hạn chế ra đường sau 19 giờ

Đăng Nguyễn - Al Jazeera 16/03/2020 09:45 GMT+7
Lệnh phong tỏa ở thủ đô Manila với 12 triệu dân chính thức có hiệu lực vào ngày 15.3 và người dân bị cấm ra đường trong giờ giới nghiêm ban đêm.

Theo Al Jazeera, các phóng viên ghi nhận cảnh vắng lặng, không một bóng người ở đại đô thị của Philippines sau khi lệnh phong tỏa chính thức có hiệu lực.

Lệnh phong tỏa có hiệu lực trong bối cảnh Bộ Y tế Philippines thông báo thêm 28 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số người nhiễm lên con số 140. Một bé gái 13 tuổi là người trẻ nhất bị nhiễm virus. Tổng cộng có 11 người chết.

Tại quận Makati, các trung tâm thương mại không một bóng người. Các nhà hàng tập trung đông gia đình đến ăn uống, nay trở nên vắng vẻ khác lạ. Cảnh tượng ở Manila được ví như “thành phố ma”, cụm từ xuất hiện tại nhiều thành phố bùng phát dịch bệnh, bắt đầu từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.

Trong thời gian giới nghiêm từ 19 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, người dân Philippines không được ra ngoài, trừ lý do đi làm, mua nhu yếu phẩm hoặc đến các cơ sở y tế.

img

Tài xế taxi ở Manila nói thu nhập đã giảm mạnh.

“Dịch Covid-19 này còn tồi tệ hơn cả chiến tranh. Tất cả chúng tôi đều bị ảnh hưởng. Cuộc sống đảo lộn”, một tài xế taxi tên Bobric Caballo, nói.

Thông thường, Caballo kiếm được khoảng 50 USD/ngày, nhiều hơn mức lương tối thiểu ở Philippines là 10 USD/ngày. Hiện nay, may mắn lắm thì Caballo kiếm được 20 USD/ngày.

Caballo cũng phải tự trả chi phí như đưa cho khách đi taxi khẩu trang nếu họ không có. Khách cũng được yêu cầu rửa tay bằng dung dịch khi lên xe.

Trả lời trên truyền hình, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói: “Tôi không muốn gọi là phong tỏa vì mọi người lo ngại phong tỏa, nhưng thực sự là như vậy”.

Nhiều người dân Philippines tỏ ra lo lắng, không biết họ có còn giữ được việc làm sau khi lệnh phong tỏa trôi qua hay không. Manuel Carpio, một tài xế lái xe cho công ty, nói: “Công ty thông báo sẽ đánh giá tình hình xem tác động đến đâu. Tôi không biết như thế nghĩa là như thế nào với mình”.

Tại các tòa nhà chung cư, người dân được yêu cầu đeo khẩu trang nếu không sẽ không được phép vào trong.

img

Một chốt kiểm soát của cảnh sát ở Manila.

Cảnh sát và quân đội Philippines lập tổng cộng 56 chốt chặn trên khắp thành phố, ngăn người dân đi lại ở 17 quận nội đô. Những người ra đường vì lý do chính đáng đều bị kiểm tra thân nhiệt.

Chính quyền Manila một mặt khuyến cáo người dân ở nhà, mặt khác kêu gọi các trung tâm mua sắm đóng cửa trong những ngày phong tỏa. "Chúng ta không thể chủ quan lúc này", Bộ trưởng Nội vụ Philippines Eduardo Ano cho biết, cảnh báo những người vi phạm lệnh giới nghiêm có thể bị bắt nếu không chấp hành yêu cầu.

Mới đây, WHO đưa ra dự đoán rằng có thể có tới 70.000 người nhiễm Covid-19 ở Philippines. “WHO hối thúc Philippines áp dụng mọi biện pháp cần thiết để kiểm soát dịch bệnh, bao gồm xét nghiệm, cách ly ca nghi nhiễm và hạn chế giao tiếp xã hội”, đại diện WHO, Rabindra Abeyasinghe, nói. Philippines hiện chỉ có khoảng 2.000 kit thử Covid-19, dấy lên mối lo ngại rằng số ca nhiễm còn lớn hơn nhiều.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.