Sau khi nuôi một vụ tôm, nông dân sẽ tiến hành trồng một vụ lúa hoặc kết hợp nuôi tôm càng xanh lúa. Ảnh: Ngọc Oanh
Mùa khô năm nay, xâm nhập mặn ăn sâu vào đất liền, mức độ tàn phá hơn cả đợt hạn mặn năm 2015 - 2016 khiến nhiều nơi sản xuất và sinh hoạt khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những nơi người dân không cần lo chống hạn mặn, bởi họ đã tìm cách thích ứng, thuận theo sự biến đổi của thiên nhiên để tồn tại, phát triển.
Thay đổi để thích ứng
Nhận thấy tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng ở ĐBSCL, trong tương lai có thể có những diễn biến bất lợi hơn, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã chủ động liên kết với các nhà khoa học để nghiên cứu, thử nghiệm những mô hình sản xuất thích ứng với tình hình, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Trong đó có thể kể đến mô hình luân canh lúa và thủy sản đang được triển khai hiệu quả tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Theo Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, điểm mạnh của mô hình tôm - lúa là mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với độc canh cây lúa. Mức thu nhập trung bình của mô hình 2 vụ tôm 1 vụ lúa đạt khoảng 100 triệu đồng/ha/năm.
Hay như mô hình canh tác lúa thông minh trên vùng đất phèn mặn thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện với quy mô 234ha ở huyện Hòn Đất và Gò Quao cũng đem lại hiệu quả.
Theo đó, mô hình đã lắp đặt 8 trạm quan trắc môi trường và 7 ống cảm biến ướt khô xen kẽ, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, kết nối internet vạn vật để quản lý và phân phối nước trong canh tác lúa thông minh. Qua đó, nông dân có thể giám sát mực nước trên bề mặt ruộng tự động để tiết kiệm nước tưới, từ đó nâng cao thu nhập.
Mô hình thâm canh tôm - lúa ở tỉnh Cà Mau. Ảnh: C.L
Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), hình thức nuôi tôm - lúa phát triển nhanh ở ĐBSCL những năm gần đây. Nhiều nhất là Kiên Giang, hơn 83.400ha, Cà Mau trên 80.000ha, Bạc Liêu 40.000ha. Năng suất nuôi tôm - lúa bình quân khoảng 300-500kg/ha tôm và 4-7 tấn lúa, nông dân lãi trung bình 35-50 triệu đồng/ha/năm (tính cả tôm và lúa). |
Ông Nguyễn Văn Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, giai đoạn 2016-2019, đơn vị đã thực hiện các chương trình, dự án trên cây lúa được hơn 26.000ha, gần 2.000ha tôm - lúa, cá - lúa, 500ha cây ăn trái, hơn 700 điểm chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản…
“Các mô hình trên phù hợp với chủ trương, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản và phát triển bền vững. Có nhiều mô hình đạt hiệu quả thiết thực về kinh tế, sâu sắc về mặt xã hội như ở vùng U Minh Thượng, việc nuôi tôm, cua, cá kết hợp với trồng lúa hữu cơ có tính thân thiện môi trường cao hơn so với trồng chuyên canh, bền vững hơn về mặt kinh tế và hiệu quả đầu tư” - ông Hiển cho biết.
Ngoài mô hình tôm - lúa, bà con nông dân các vùng ven biển, có nguy cơ hạn mặn cao ở Kiên Giang còn phát triển tốt mô hình nuôi vịt biển thương phẩm, nuôi vịt kết hợp nuôi cá. Trong khi ở tỉnh Bạc Liêu, chính quyền địa phương cũng đang khuyến khích người dân thả nuôi tôm càng nuôi trong ruộng lúa.
Ông Phạm Thanh Hải - Chủ tịch UBND huyện Phước Long (Bạc Liêu) cho biết: Khi thả tôm càng trong ruộng lúa, cây lúa sẽ được chăm sóc tốt hơn do không thể dùng thuốc bảo vệ thực vật, con tôm thì được bổ sung thức ăn, phù du trong quá trình chăm sóc lúa. Theo tính toán, thu nhập của mô hình lúa, tôm càng, tôm sú trên 1ha có thể đạt 80 triệu đồng/năm.
Đề xuất chính sách cho mô hình tôm - lúa
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, mô hình canh tác tôm - lúa tại ĐBSCL là mô hình canh tác hở, hầu hết điều kiện canh tác phụ thuộc vào thời tiết khí hậu của vùng. Đa phần mô hình tôm - lúa phát triển ở nội đồng, vào mùa nắng thiếu nước, nhưng mùa mưa thì ứ đọng nước.
Do đó, phát triển bền vững tôm - lúa ở ĐBSCL cần thực hiện theo hướng phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và phù hợp với quy hoạch phát triển tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến 2020, tầm nhìn 2030.
Ông Lê Hoàng Tùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu cũng cho rằng cần đẩy mạnh việc tổ chức các tổ hợp tác, HTX vùng tôm - lúa. Trong đó các mô hình HTX, tổ hợp tác sẽ là cơ sở phát triển cánh đồng lớn, giúp khắc phục được các hạn chế về giống tôm, giống lúa; hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thúc đẩy bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật theo hướng VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản.
Thương lái thu mua tôm càng xanh tại ruộng với giá 105.000 đồng/kg (ảnh Nhật Hồ)
Trên cơ sở các mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn đang được ứng dụng, các nhà khoa học cũng cho rằng, trước mắt các địa phương ĐBSCL cần rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch các vùng tôm - lúa, lúa - màu, chuyên lúa phù hợp với tình hình thời tiết và điều kiện tự nhiên.
Về lâu dài, cần ban hành quy hoạch sử dụng đất thống nhất cho toàn vùng, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm - lúa và tôm - màu tập trung; đầu tư các hệ thống trữ, bơm cấp nước ngọt để chủ động cho sản xuất; tập trung nghiên cứu, phát triển các giống lúa chịu mặn cao, phù hợp với vùng nuôi tôm lúa…
Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Mô hình tôm - lúa qua sản xuất thực tế đã chứng minh tính thích với ứng biến đổi khí hậu, có khả năng phát triển trong điều kiện nước biển xâm nhập, bảo vệ môi trường; sản phẩm lúa an toàn vì nông dân ít hoặc không dùng thuốc bảo vệ thực vật... Để nâng cao hiệu quả mô hình, nông dân cần quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là hình thức nuôi tôm 2 giai đoạn nhằm cải tạo đất cắt mầm bệnh, tăng hiệu quả mô hình.