Dân Việt

Giá lợn hơi tăng cao, người dân "tố" do thương lái làm giá

Hải Đăng 17/03/2020 14:53 GMT+7
Theo thông tin mà PV Dân Việt nắm được, hiện các doanh nghiệp chăn nuôi lợn đang xuất bán với giá lợn hơi dao động quanh mức 73.000-77.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng cho biết, thương lái mua lợn ra khỏi cổng trang trại là có thể bán lại ngay cho các thương lái khác với giá 85.000 đồng/kg, tức lãi tới 10.000 đồng/kg.

img

Các thương lái mua, bán lợn tại chợ đầu mối gia súc huyện Bình Lục (Hà Nam).

Khâu trung gian "ăn đậm"

Lý giải về nguyên nhân giá thịt lợn hơi tăng cao, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng: Hiện nay các tập đoàn, công ty chăn nuôi lợn bán trực tiếp thịt lợn hơi cho thương lái là chính và thông thường, lợn cứ ra khỏi trại là tăng thêm 10.000 đồng/kg, tức đối tượng trung gian này được lãi 1 triệu đồng/con.

Sau đó, lợn hơi được đưa đến lò giết mổ, giá sẽ tăng thêm 10%, bán buôn tăng 10% và khâu bán lẻ 10%, thậm chí có siêu thị khi đưa hàng vào còn chiết khấu 20%. Theo đó, thịt lợn hơi từ trang trại lớn đến khi ra thị trường bán lẻ, giá sẽ tăng từ 45-50%. 

"Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến giá thành mặt hàng này tăng cao lên như chúng ta đã thấy trong thời gian vừa qua", ông Phú khẳng định.

Ông Phú phân tích thêm, nếu chúng ta làm một phép toán, cứ 96 triệu người dân Việt Nam mỗi ngày ăn 1 lạng thịt lợn thôi thì người tiêu dùng bị "móc túi" mấy chục tỷ đồng. Trong khi đó, theo công bố của Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, mỗi ngày họ đưa ra thị trường 17.000 con lợn, nếu trung bình mỗi con lợn có trọng lượng 130kg thì tính ra, mỗi tháng C.P lãi hơn 3.000 tỷ đồng. 

Cũng theo ông Phú, lâu nay, 17 công ty chăn nuôi lớn hầu như chưa được kiểm toán về số liệu. Trong khi đó, vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành phải làm rõ các số liệu giá thành thịt lợn bao nhiêu, lợi nhuận bao nhiêu, số lợi nhuận vô lý bao để nộp ngân sách.

"Do đó, các ngành chức năng cần nhanh chóng đưa ra giải pháp nhằm ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, thương lái ăn lãi quá nhiều, trong khi người tiêu dùng phải mua thịt lợn với giá cao", ông Phú kiến nghị.

Nói về nguồn cung thịt lợn trên thị trường, đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho hay, sau Tết, doanh nghiệp xuất bán bình quân 17.000 con lợn mỗi ngày, nay tăng lên 26.000 con. Công ty CJ bình thường xuất bán 2.500 con/ngày, song từ đầu tháng 3 đến nay lượng lợn xuất bán cũng tăng lên từ 4.500-5.000 con/ngày; Công ty Emivest xuất bán với số lượng ổn định ở mức 1.500 con/ngày...

Mới đây, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho hay: Cùng với việc yêu cầu 17 doanh nghiệp chăn nuôi lớn có tính “dẫn dắt” thị trường phải đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg, sắp tới Bộ NNPTNT cũng sẽ thực hiện đồng bộ một số giải pháp như kiểm soát thương mại biên giới thật chặt; giảm bớt khâu trung gian từ khâu sản xuất đến tiêu dùng để đưa giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng về mức phù hợp. 

img

Người dân chăm sóc đàn lợn tại trang trại gia công cho Công ty C.P Việt Nam ở Hạ Hòa (Phú Thọ).

Do chịu nhiều chí phí?

Trao đổi với PV về giá lợn hơi tăng cao trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thể, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho rằng: “Theo tôi, có 3 nguyên nhân chính. Một là, do lượng thịt lợn hơi trên thị trường vẫn thiếu hụt, do lượng nông hộ chăn nuôi lợn trong năm 2019 vừa qua bị dịch tả lợn châu Phi "tiêu diệt" gần hết.

Thứ 2, do việc bán lẻ thịt lợn phải qua nhiều khâu trung gian, qua mỗi khâu họ đã nâng giá lên và thay đổi theo mức mà các thương lái, người bán tự thỏa thuận miệng với nhau. Thứ 3, do số lượng thịt lợn miếng cung cấp cho một số lượng người nhất định, ở các khu dân cư nhất định, phần lớn bà con lại quen mua ở các chợ dân sinh. 

Theo ông Thể, hiện tại chợ dân sinh, chợ cóc, các chủ hàng thịt đã giữ chỗ, việc điều tiết thịt bao nhiêu là do họ, mỗi người tiêu dùng khi mua phải phụ thuộc vào các đối tượng này nên các tiểu thương dựa vào đó mà tự định giá, "độc chiếm" thị trường.

Về phần mình, ông Thể cho biết, chưa bao giờ nông dân chăn nuôi bán được giá lợn hơi với mức cao kỷ lục, đạt tới 90.000 đồng/kg như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, số lượng nông hộ được hưởng lợi rất ít hoặc không có, lợi nhuận chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp, công ty chăn nuôi lớn.

"Vừa qua tôi xuất bán hơn 100 con lợn với giá 92.000 đồng/kg, tính ra mỗi con lợn lãi trên dưới 5 triệu đồng, một mức lãi "khủng" chưa từng có. Tuy vậy, nếu tính lại số tiền lãi trên vẫn chưa bù được khoản thua lỗ mà chúng tôi phải gánh chịu trong đợt dịch tả lợn châu Phi giữa năm 2019", ông Thể nói.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã liên hệ với ông Phạm Thanh Long, một thương lái lợn khá lớn ở Bình Lục (Hà Nam). Ông Long cũng tỏ vẻ khá dè dặt khi nói về việc mua bán lợn của mình: "Cánh thương lái chúng tôi kinh doanh gì thấy có lãi mới làm. Đặc biệt là con lợn, trong thời điểm nhạy cảm này việc buôn, bán cũng gặp rất nhiều khó khăn". 

"Việc bán lợn hơi giá cao cũng là chuyện bình thường, vì khi mua hàng từ trại chăn nuôi đưa ra tới chợ, mọi người phải chịu nhiều chi phí và hao hụt ngoài ý muốn", ông Long tiết lộ.