Phấn đấu đưa 250 hộ thoát nghèo
Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Lê Hồng Hà cho biết, đời sống nông dân trên địa bàn ngày càng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân năm 2019 ước đạt 42,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 1,01%. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, nhất là đối với các đối tượng chính sách và người nghèo, không còn nhà dột nát, không còn hộ đói; đã có 100% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 39% được sử dụng nước sạch.
"Về nhiệm vụ trong năm 2020, huyện tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ 28/28 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM, có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao"- ông Hà khẳng định.
Mô hình nuôi lợn an toàn sinh học đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con ở một số xã của huyện Ứng Hòa (Hà Nội). (ảnh: Hải Đăng)
Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Ứng Hòa đang tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể sản xuất rà soát, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình; xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình năm 2020 và giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu năm 2020, trên địa bàn có thêm từ 8 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.
Đến kiểm tra công tác xây dựng NTM tại xã Đồng Tiến, bà Hoàng Thị Huyền - Phó Chi trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, thời điểm này Ứng Hòa đã đủ điều kiện để đăng ký huyện đạt chuẩn NTM, do đó cần sớm hoàn thiện hồ sơ đăng ký.
Bà Huyền lưu ý, đối với 4 xã xây dựng NTM trong năm 2020 cần dồn lực để hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt và chưa đạt. Đối với các xã đã đạt NTM cần tiếp tục nâng cấp các tiêu chí, xây dựng NTM nâng cao.
Nhiều mô hình nổi bật
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm của địa phương trong xây dựng NTM, ông Hà cho hay: Là huyện thuần nông nên ngay khi bắt tay thực hiện các mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM, huyện Ứng Hòa đã xác định rõ cần chủ động, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp; xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế trong sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng sản xuất tập trung.
Huyện đang phấn đấu đến đầu năm 2020, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn của huyện đạt từ 45 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 65 -70%; số hộ thoát nghèo là 250 hộ; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1%”. Ông Lê Hồng Hà |
Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, từ đó đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nên hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt.
Điển hình như mô hình cánh đồng mẫu lớn một giống lúa, một thời vụ lúa J02 với diện tích trên 3.300ha, tỷ lệ lúa chất lượng cao đạt 68,6%; các mô hình trồng rau an toàn, dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà kính với tổng diện tích diện tích 14.200m2 tại xã Sơn công, Phù Lưu, Hồng Quang…
Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, các trang trại đã tích cực ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất chăn nuôi. Ví dụ như mô hình nuôi lợn quy mô 2.400 nái và 17.000 lợn thịt, chuồng kín, điều khiển nhiệt độ tự động của hộ ông Nguyễn Văn Thanh (ở xã Vạn Thái); mô hình trại gà đẻ trứng, ứng dụng tự động hóa cho ăn, thu trứng có liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, quy mô nuôi 20.000 gà đẻ trứng của hộ ông Đặng Hữu Hỷ tại xã Sơn Công...
Trong nuôi trồng thủy sản, huyện Ứng Hoà đi đầu với mô hình “sông trong ao” ở các xã Trầm Lộng, Liên Bạt... Với công nghệ này, người nuôi kiểm soát tốt môi trường ao, có thể nuôi mật độ cao, sản phẩm cá đồng đều và tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích...