Những tháng đầu năm 2020 chứng kiến nhiều biến động của thị trường BĐS tại Việt Nam, do những tác động sâu sắc từ dịch bệnh Covid-19. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng giá nhà đất có thể sẽ mất đi động lực tăng, thậm chí là rơi xuống các mức thấp hơn trong vài tháng tới. Đó là một cú sốc sắc nét mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được.
Theo các chuyên gia, trong thời điểm thế giới đang có những căng thẳng về thương mại cùng nhiều diễn biến xã hội bất ổn, dịch cúm Covid-19 đã bất ngờ xuất hiện gây thêm áp lực cho nền kinh tế tại các nước đang có dịch, trong đó có Việt Nam và làm suy yếu những triển vọng cho thị trường BĐS.
Thị trường chịu ảnh hưởng nặng nhất là bán lẻ và nghỉ dưỡng, theo sau đó là mảng văn phòng và BĐS công nghiệp, thị trường nhà ở cũng không hề được “miễn dịch” bởi đại dịch này.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn, Savills TP.HCM nhìn nhận, thị trường bán lẻ hiện đại tại TP.HCM trong năm 2019 có tình hình hoạt động tốt khi tỷ lệ lấp đầy đạt 96%, cao nhất trong 5 năm gần đây.
Giá thuê trung bình toàn thị trường có xu hướng giảm; tuy nhiên xu hướng này chủ yếu do nguồn cung bán lẻ tăng liên tục ở khu vực ngoài trung tâm có giá thuê thấp và cạnh tranh.
Nhận định giá thuê theo khu vực thì ở khu vực trung tâm, giá thuê trung bình có xu hướng tăng với mức tăng trưởng 11% so với năm 2018 khi hầu hết các dự án bán lẻ tại đây được lấp đầy và nhu cầu mặt bằng bán lẻ cao.
Trong khi đó, các dự án ở khu vực ngoài trung tâm có tăng trưởng giá thuê thấp hơn chỉ ở mức 3% so với năm 2018 và giá thuê trung bình chỉ bằng 35% giá thuê trung bình khu vực trung tâm nhưng nguồn cung lại gấp 10 lần nguồn cung khu vực trung tâm.
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề, trong đó có thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: V.D
Trong quý 1/2020, nguồn cung thị trường tiếp tục tăng ở khu vực ngoài trung tâm dự kiến gồm 1 trung tâm thương mại và 1 siêu thị. Với tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm 2020 và dự kiến kéo dài trong vài tháng tới, các dự án bán lẻ hiện đại sẽ không tăng giá thuê; đồng thời các chủ đầu tư có động thái hỗ trợ khách thuê duy trì hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo tỷ lệ lấp đầy của dự án.
Đơn cử như Tập đoàn Hưng Thịnh công bố sẽ triển khai thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho khách thuê tại các dự án của mình với mức giảm khoảng từ 20-40% tùy từng trường hợp và thời gian hỗ trợ linh động theo diễn biến của đại dịch.
Đối với thị trường bán lẻ, dịch Covid-19 có thể đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến. Theo các chuyên gia, hoạt động mua sắm trực tuyến sẽ có tác động tiêu cực đến các cửa hàng truyền thống tại các trung tâm mua sắm cũng như tại các nhà phố.
Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, hiện nay tất cả doanh nghiệp đều đang chịu tác động rõ rệt do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều mã cổ phiếu BĐS giảm sàn, phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng và cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị khách trả lại.
Theo HoREA, thị trường BĐS đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại rơi vào tình thế khó chồng khó nên các doanh nghiệp BĐS cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.