Dân Việt

Thả 9 tấn cua đồng giống, 4 tháng hao 40 tấn, bán 54 tấn lời 3 tỷ

Tổ hợp tác nuôi cua đồng ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú (tỉnh An Giang) thả 9 tấn cua giống (cua đồng còn nhỏ), bình quân diện tích thả nuôi khoảng 3 tấn cua đồng/10.000m2. Sau khoảng 3 - 4 tháng nuôi, sản lượng cua đồng hao hụt khoảng 40 tấn; sản lương cua đồng thu hoạch đạt 54 tấn. Tổ hợp tác bán cua đồng cho thương lái với giá 74.000 đồng/kg, tổng doanh thu đạt hơn 4 tỷ đồng, trừ đi tất cả chi phí còn lãi hơn 3 tỷ đồng...

Đoàn công tác Hội Nông dân tỉnh An Giang, do ông Nguyễn Văn Nhiên - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh làm trưởng đoàn vừa đến thăm mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi cua đồng thương phẩm tại ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội.

img

Khu ruộng nuôi cua đồng của Tổ hợp tác chăn nuôi cua đồng thương phẩm tại ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Tổ hợp tác chăn nuôi cua đồng ấp Phú Nhơn được thành lập đầu năm 2019, có 8 thành viên tham gia nuôi cua đồng với diện tích 3,41ha.

Vào khoảng tháng 9 -10 âm lịch, Tổ hợp tác  thả 9 tấn cua đồng giống (cua đồng còn nhỏ). Cua đồng giống thu mua từ nguồn đánh bắt ngoài tự nhiên, có giá bình quân khoảng 26.000 đồng/kg. Bình quân mật độ thả nuôi cua đồng khoảng 3 tấn/10.000m2.

Tổng nguồn vốn Tổ hợp tác mua cua đồng giống là hơn 237 triệu đồng. Sau khoảng 3 - 4 tháng nuôi, sản lượng cua đồng bị hao hụt khoảng 40 tấn; sản lượng cua đồng thu hoạch đạt 54 tấn. Tổ hợp tác bán cua đồng thương phẩm cho thương lái với giá 74.000 đồngkg. Tổng doanh thu bán của đồng thương phẩm của Tổ hợp tác đạt hơn 4 tỷ đồng, trừ đi tất cả chi phí còn lãi hơn 3 tỷ đồng. 

Như vậy, sau khi hoạch toán, mỗi thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi cua đồng ấp Phú Nhơn có lợi nhuận hơn 470 triệu đồng sau 3 - 4 tháng nuôi cua đồng. 

img

Ông Nguyễn Văn Tầng (trái), thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi cua đồng thương phẩm tại ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú chia sẽ kinh nghiệm nuôi cua đồng với đoàn công tác của Hội Nông dân tỉnh An Giang.

Ông Nguyễn Văn Tầng, thành viên tổ hợp tác chăn nuôi cua đồng thương phẩm tại ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội cho biết: Nuôi cua đồng không khó, nhưng cần hiểu biết về kỹ thuật nuôi cua đồng và quan trọng nhất là phải “ăn, ngủ” cùng chúng, từ đó rút ra được nhiều kinh nghiệm nuôi cua đồng không hề có trong sách vở…

Ông Tầng cũng cho biết thêm: Cua đồng là loài ăn tạp, thiên về thức ăn động vật. Cua đồng thích ăn thịt các loại như: ốc, hến, cá tạp. Thức ăn nuôi cua đồng thường được khai thác tại chỗ. Để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên thì trước khi thả giống, người nuôi cua đồng nên bỏ phân bón lót ở ven bờ ruộng, mương để động vật phù du phát triển và làm thức ăn cho cua.

Ngoài ra, trong quá trình nuôi đồng có thể thả các thức ăn dạng hạt để thúc đẩy cua phát triển nhanh. Cua đồng hầu như sinh sản quanh năm nên chỉ mất vốn đầu tư ban đầu. Nguồn nước nuôi cua đồng phải luôn được đảm bảo, khoảng 7-10 ngày phải thay nước một lần cho cua đồng lột xác và phát triển.

Định kỳ kiểm tra để phát hiện dịch hại gây bệnh cho cua…

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang nhận định, nuôi cua đồng là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả của tỉnh An Giang. Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ chọn mô hình này làm điểm để nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh, hướng dẫn nông dân chăn nuôi cua đồng một cách phù hợp, nhằm giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống nông dân.