Dân Việt

Những người ngày đêm "canh lửa" ở Vườn quốc gia U Minh Hạ

Chúc Ly 26/03/2020 19:12 GMT+7
Trước tình trạng nắng hạn ngày càng gay gắt đã khiến hàng ngàn ha rừng đang ở mức báo cháy cấp cao nhất, phóng viên Dân Việt đã có dịp đến tìm hiểu công việc các cán bộ, lực lượng đang ngày đêm “canh lửa” ở Vườn quốc gia (VQG) U Minh Hạ (Cà Mau).

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Dũng - Phó Giám đốc VQG U Minh Hạ, cho hay: “Hiện trên toàn lâm phần VQG U Minh Hạ với tổng diện tích rừng 8.527,8ha đã khô hạn. Trong đó, dự báo cấp cháy ở mức V là hơn 5.200ha, còn lại là ở cấp III và IV. Mực nước dưới các lòng kênh trong khu vực bình quân từ hơn 1,8-2,1m”.

img

img

Hiện toàn diện tích lâm phần của VWG U Minh Hạ đã khô hạn, với cảnh báo mức cháy cấp V là hơn 5.200ha. Ảnh: Chúc Ly.

img

Công tác diễn tập giả định các tình huống được chú trọng. Ảnh: Chúc Ly.

Cũng theo ông Dũng, tổng số lực lượng hiện đang trực 24/24 tại đơn vị là 141 người. Trong đó lực lượng cán bộ viên chức VQG 78 người; hợp đồng phòng cháy chữa cháy rừng 28 người; lực lượng tăng cường phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh, Hạt kiểm lâm huyện U Minh, Hạt Kiểm lâm huyện Trần Văn Thời 14 người; lực lượng Công an tỉnh, Công an huyện U Minh, Công an huyện Trần Văn Thời 10 người; lực lượng dân cư phối hợp trực phòng cháy chữa cháy rừng cùng đơn vị tại 6 chòi quan sát vào buổi sáng là 12 người. 

Ngoài ra, lực lượng dân quân tự vệ tập huấn tại đơn vị 80 lực lượng sẵn sàng hỗ trợ khi có tình huống cháy xảy ra. Đồng thời, đơn vị bố trí 22 chốt, trạm trực 24/24, 15 tổ máy bơm với các lực lượng luôn sẵn sàng.

img

img

VQG U Minh Hạ bố trí 22 chốt, trạm trực 24/24, 15 tổ máy bơm với các lực lượng luôn sẵn sàng. Ảnh: Chúc Ly.

img

Hiện mực nước dưới các lòng kênh trong khu vực bình quân từ hơn 1,8-2,1m. Ảnh: Chúc Ly.

Dẫn chúng tôi đi đến các chốt trực phòng cháy chữa cháy, bảo vệ rừng, ông Nguyễn Văn Liêm - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, VQG U Minh Hạ, chia sẻ: “Tại các chốt, trạm, các lực lượng trực phòng cháy chữa cháy 24/24, mỗi điểm có từ 4-5 người (có 2 lực lượng thường xuyên và thời vụ); trong đó trực tại chòi quan sát là từ 7h đến 20h, chia ca nhau trực. Tại phòng, riêng rôi sẽ kiểm tra tổng thể, 2 phó phòng thì chia nhau phụ trách từng khu vực, trực tiếp ăn ngủ ở địa bàn. Ở đây, chúng tôi cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm”.

img

Các lực lượng tại chốt Cây Gừa. Ảnh: Chúc Ly.

img

Anh Phạm Hữu Luân, lực lượng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở chốt Cây Gừa đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho anh em tại chốt. Ảnh: Chúc Ly.

img

Anh Nguyễn Văn Tâm tại chốt 23-96 tự hái rau dại phục vụ bữa ăn hằng ngày. Ảnh: Chúc Ly.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các chốt canh giữ, bảo vệ rừng, các lực lượng ở đây được bố trí nơi ăn ngủ tại rừng và phải tự nấu nướng. Dù điều kiện sinh hoạt còn khó khăn nhưng ai nấy đều vui vẻ, cố gắng hoàn thành tốt trách nhiệm trong thời điểm khô hạn.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Út Anh, trưởng chốt trực phòng cháy chữa cháy rừng Cây Gừa, cho hay: “Tại chốt có 4 lực lượng thường xuyên, 2 dân cùng trực bảo vệ rừng. Chúng tôi phân công nhau, người phụ trách nấu ăn, người phụ trách kiếm cá, hái rau tại chỗ để cung cấp cho bữa ăn hằng ngày”.

img

Các chòi canh được bố trí lực lượng trực từ 7h đên 20h hằng ngày. Ảnh: Chúc Ly.

img

img

Ngoài lực lượng thường xuyên và thời vụ, đơn vị còn phối hợp với người dân có rừng ở vùng đệm VQG U Minh Hạ để canh giữ ở các chòi. Ảnh: Chúc Ly.

“Thông thường, mọi người ở đây buổi sáng phải ăn cơm trước 7h cho chắc bụng rồi lên chòi canh trực; buổi chiều ăn cơm trước 6h tối, vì ăn trễ hơn thì muỗi chịu không nổi. Việc bố trí giờ giấc ăn uống ở đây tuy khác biệt, nhưng cần thiết để chúng tôi chủ động trong mọi tình huống. Anh em ở đây, có người ở suốt trong rừng 10 ngày, nửa tháng, thậm chí cả tháng chưa về nhà là chuyện bình thường” - ông Anh chia sẻ.

img

Tại các đội, chốt, các lực lượng thường xuyên kiểm tra máy móc, phương tiện phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Chúc Ly.

img

Các lực lượng luồn rừng, tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Chúc Ly.

Trong khi đó, anh Trần Hoàng Thám (ngụ xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, lực lượng hợp đồng phòng cháy chữa cháy rừng), cho biết: “Tuy mới vào rừng ở cùng anh em khoảng 1 tháng nay nhưng tôi thấy mọi sinh hoạt đều tốt. Cùng ăn, cùng ở với anh em cũng rất thoải mái, mọi người đều hòa đồng, vui vẻ cùng nhau làm việc. Tôi ở hết mùa khô mới về nhà”.

img

Thường xuyên phát quang trên các tuyến đường bộ để thuận lợi cho công tác phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Chúc Ly.

Trong thời điểm khô hạn gay gắt, VQG U Minh Hạ đang tích cực phối, kết hợp vối công an, kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, quần chúng nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; tiếp tục vớt cỏ dưới kênh còn lại theo phương án để tạo đường lưu thông thủy thông suốt; tập trung lực lượng trực 24/24, tổ chức tuần tra, kiểm tra luồn rừng thường xuyên ở các khu vực trọng điểm, trực chòi quan sát lửa rừng canh phòng nghiêm ngặt để phát hiện kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Trước đó, ngày 25/3, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình đã có buổi làm việc với các đơn vị quản lý rừng cùng với lãnh đạo hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau ghi nhận những kết quả của lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng thực hiện trong những tháng qua. Đồng thời, gửi lời chúc sức khỏe lực lượng làm nhiệm vụ, qua đó động viên anh, em làm tốt nhiệm vụ trong thời gian khô hạn như hiện nay.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình yêu cầu các đơn vị chủ rừng và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh giác trước diễn biến khô hạn đang diễn ra phức tạp; tăng cường công tác quản lý người dân ra vào rừng, hạn chế những trường hợp ra vào rừng không cần thiết; trong kế hoạch phòng cháy rừng phải theo dõi thời gian nắng hạn kéo dài thường xuyên, dự phòng phương án có thể năng hạn diễn biến kéo dài vượt kế hoạch đề ra. 

Đối với phương án lắp đặt camera quan sát, cảnh báo cháy cần nghiên cứu thêm, nếu có thể thì thực hiện thí điểm một số điểm, chòi quan sát trước khi lắp đặt đại trà. Riêng lực lượng làm nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng cần luân phiên thường xuyên, nhằm đảm bảo nhiệm tốt nhất.

Đến thời điểm này, tổng diện tích rừng khô hạn trên toàn tỉnh Cà Mau vào khoảng 43.583ha, trong đó dự báo cháy cấp III là 1.160ha, cấp IV - cấp nguy hiểm 4.783ha và cấp V cấp cực kỳ nguy hiểm 37.639ha.