Dân Việt

Đến mùa này, dân bản Mông lại lũ lượt lên rừng hái bông chít

Sùng Thiên Long 29/03/2020 05:00 GMT+7
Bản Cửa Rừng (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) nổi tiếng với những vạt rừng chít rộng ngút tầm mắt. Hàng chục năm nay, cứ đến mùa hái chít, bà con đồng bào Mông ở đây lại lũ lượt rủ nhau đi bẻ bông chít kiếm thêm thu nhập.

Lộc trời cho

Những ngày cuối tháng 2, tôi có chuyến công tác cùng cán bộ kiểm lâm Ban quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ huyện Thuận Châu đến bản Cửa Rừng, xã Co Mạ triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Tại đây, tôi may mắn được theo gót bà con người Mông đi bẻ bông chít.

img

Sau hơn nửa ngày hái bông chít, chị Vừ Thị Nhìa điện thoại cho ông Sùng Nhìa Chá về thu mua. Ảnh: T.L

"Nhiều năm liền theo các mẹ, các chị đi bẻ chít, tôi đã từng bị rắn lục cắn, ong rừng đốt. Đã có trường hợp bị gãy tay, gãy chân do mải hái chít bị rơi xuống vực. Nhưng vì cuộc sống còn nhiều khó khăn nên mình cũng chỉ biết bảo nhau cẩn thận hơn thôi”.

Chị Vừ Thị Sua

Như đã hẹn từ tối hôm trước, buổi sáng sớm, tôi có mặt tại gia đình chị Vừ Thị Sua để cùng bà con hái bông chít. Đồng bào Mông nơi đây gọi bông chít là “lộc rừng” do ông trời ban tặng.

Để hái được bông chít, theo quan sát của tôi, dụng cụ chị Sua chuẩn bị rất đơn giản, gồm: Gùi (tiếng Mông gọi là lù cở), dao quắm, đôi ủng, đôi găng tay, nắm xôi đựng trong ép khảu, đôi ủng, chai nước và 1 lọ dầu phật linh Trường Sơn 1,5ml.

“Cây chít thường mọc những vùng có độ dốc lớn nên công việc hái bông chít rất vất vả. Để có sức trèo đèo, lội suối, chúng tôi phải dậy sớm từ lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị xôi đi đường; đi ủng tránh bị rắn cắn; dầu phật linh Trường Sơn để bôi vết thương khi bị muỗi, ong đốt…” - chị Sua giải thích lý do chuẩn bị những dụng cụ trên.

Sau khi đã chuẩn bị đủ các dụng cụ cần thiết, chúng tôi lên đường. Di chuyển xe máy khoảng 20 phút trên con đường gió rít, mù mịt bụi, chúng tôi đến con đường mòn dẫn vào khu rừng chít. Đường mòn rất nhỏ, chỉ đủ một người trưởng thành luồn lách. Lúc này, những chiếc xe máy cà tàng được để lại 2 bên đường và chúng tôi bắt đầu cuốc bộ ở chặng đường tiếp theo.

img

Theo chị Sua, nhờ hái bông chít, đã giúp bà con bản Cửa Rừng có thêm nguồn thu, giúp cuộc sống ổn định hơn. Ảnh: T.L

Để thuận lợi cho đi lại, chị Vừ Thị Nhìa chân đi ủng, tay cầm chiếc dao quắm phát cây bụi hai bên để dẫn đường. Chị Nhìa có dáng người cao lớn, vẻ mặt khắc khổ. Đôi bàn tay chị nứt nẻ, rớm máu do lao động. Đó cũng là kết quả của việc hái chít hơn một tháng qua.

“Vì buôn “vàng trắng”, hiện chồng tôi đang cải tạo trong trại giam. Một mình tôi phải vật lộn với cuộc sống để nuôi, dạy hai thằng con trai ăn học. Mùa chít này là cơ hội để tôi có thêm tiền mua bộ quần áo mới, quyển vở cho con” - chị Nhìa tâm sự với giọng buồn rầu.

Gian nan hái chít

Sau khi luồn rừng, lội suối chừng một tiếng đồng hồ, chúng tôi đến một thung sâu với bạt ngàn rừng chít ranh rì. Mọi người ai nấy đều nhanh tay cởi bỏ chiếc gùi đeo trên lưng, rồi tản đi dùng dao quắm phát thành từng lối nhỏ bẻ bông chít.

Theo quan sát của tôi, cây chít cao khoảng 4 - 5m. Để hái được bông chít, bà con phải dùng dao quắm chặt ở dưới gốc, loại bỏ vỏ rồi cắt những đoạn dài hơn mét là được. Những người thành thục như chị Nhìa và chị Sua chỉ mất vài giây để hái được thành phẩm.

Trời nắng chang chang cộng với việc lá chít, cây gai sắc cứa vào tay, phấn chít dính vào cổ gây ngứa ai cũng gãi sột soạt. Trong khi, bộ quần áo trên người của mọi người cũng đều ướt đẫm mồ hôi. Đặt bó chít vào “lù cở”, chị Sua ngồi bệt xuống đất nghỉ ngơi. Những giọt mồ hôi  lúc này thi nhau lăn dài trên má.

Nhấc chai nước lọc mát lạnh uống một ngụm, chị bảo: Mùa hái chít ở bản Cửa Rừng bắt đầu từ trung tuần tháng 11 âm lịch đến hết tháng 2 âm lịch. Lúc này, bà con đã thu xong mùa vụ nên người người, nhà nhà đều đi hái chít. Bông chít đẹp và bền nhất ở đầu vụ nên được thương lái trả giá cao. Đợt hái này vào mùa cuối vụ, bông chít nở xòe nên giá khá thấp.

“Đối với những người hái thuần thục, trung bình một ngày có thể hái được từ 40 - 50kg chít tươi. Với giá từ 3.500 - 4.000 đồng/kg, mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Nếu tính cả mùa hái chít thì thu được cả chục triệu đồng. Tôi có bà chị hái chít hơn 2 tháng nay đã mua được xe máy rồi đấy” - chị Sua khoe.

Theo chị Sua, bông chít cho thu nhập khá, nhưng để hái được thứ “lộc rừng” này về bán không hề đơn giản chút nào. “Nhiều năm liền theo các mẹ, các chị đi bẻ chít, tôi đã từng bị rắn lục cắn, ong rừng đốt. Đã có trường hợp bị gãy tay, gãy chân do mải hái chít bị rơi xuống vực. Nhưng vì cuộc sống còn nhiều khó khăn nên mình cũng chỉ biết bảo nhau cẩn thận hơn thôi” - chị Sua vừa lau mồ hôi vừa bộc bạch.

Khoảng 14 giờ chiều, dùng xong bữa trưa, sấm chớp kêu ầm ầm báo hiệu trời chuẩn bị đổ mưa. Lúc này, “lù cở” của ai nấy đều đầy ắp bông chít. Chị Nhìa bảo: “Trời chuẩn bị mưa đấy. Nếu gặp phải mưa, đường trơn trượt không đẩy xe được. Về thôi!”.

Trên đường quay về, để tăng sức bền, chúng tôi mỗi người trang bị một chiếc gậy leo núi. Hơn 1 giờ đồng hồ ngược dốc, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi đã về tới nơi để xe. Từng bó chít trong gùi được mọi người lấy ra để chằng lên trên yên của những chiếc xe cà tàng, leo dốc về nhà.

Trò chuyện với tôi, ông Sùng Nhìa Chá, dân bản Cửa Rừng - ông chủ chuyên thu mua chít có tiếng ở vùng này, bảo: Cây chít ở bản Cửa Rừng nhiều vô kể. Mấy năm trở lại đây, thấy bà con vất vả hái chít mà thương lái thu mua lại trả giá thấp hơn giá thị trường nên tôi đứng ra thu mua giúp người dân. Sau đó, tôi đem bông chít phơi khô. Khi nào tập kết được với số lượng lớn, tôi liên hệ với các bạn hàng ở dưới huyện, tỉnh lên mua. Chít khô bán được giá cao gấp 3 - 4 lần chít tươi nên cũng lãi khoảng 40 - 50 triệu đồng/mùa chít.