Vi phạm diễn biến phức tạp
Phát biểu tại tọa đàm “Ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 và hoàn thiện pháp luật về quản lý ĐVHD” diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hiệu - Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT) cho hay, thời gian qua, tình hình vi phạm buôn bán ĐVHD quý hiếm trên toàn quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai kiểm đếm số lượng ĐVHD thu giữ được trong một vụ vận chuyển trái phép. Ảnh: T.L
"Trước mắt, cần bổ sung vào các văn bản pháp luật hiện hành các chế tài mạnh và nghiêm khắc về việc kiểm soát việc buôn bán, trao đổi các loài động, thực vật hoang dã để tránh tình trạng khai thác quá mức dẫn đến tình trạng tuyệt chủng”. Bác sỹ Nguyễn Trọng An |
“Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, buôn bán, sử dụng, tiêu thụ ĐVHD bất hợp pháp vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, đặc biệt là hoạt động rửa nguồn gốc, trà trộn ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp từ tự nhiên với ĐVHD gây nuôi sinh sản hợp pháp để buôn bán, từ đó đã đẩy nhiều loài ĐVHD ngoài tự nhiên có nguy cơ tuyệt chủng, gây ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và hiệu lực thực thi pháp luật” - ông Hiệu cho biết.
Trước tình hình dịch Covid-19 gây ra có diễn biến phức tạp ở nước ta, để thực hiện nghiêm quy định của pháp luật và Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, Cục Kiểm lâm đã tham mưu, đề xuất Tổng cục Lâm nghiệp ban hành một số văn bản về tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ ĐVHD.
Thế nhưng, khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay là quy định xử lý các hành vi vi phạm lại căn cứ vào giá trị tang vật. Trong khi đó, các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm bị cấm lưu hành trên thị trường (nhóm IB) nên không có giá thị trường, do đó việc định giá tang vật vi phạm theo quy định tại Khoản 3, Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính gặp vướng mắc khi không có căn cứ để xác định giá trị.
Theo luật sư Đặng Đình Bách - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và Chính sách phát triển bền vững (LPSD), hiện nay, (tháng 3/2020), Việt Nam chưa ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đặc thù quy định chi tiết về việc nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ ĐVHD.
Các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ ĐVHD hiện nay vẫn còn bộc lộ một số điểm hạn chế, còn rải rác trong nhiều văn bản luật chuyên ngành. “Luật Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 đã tăng mức xử phạt dành cho tội phạm liên quan đến ĐVHD, với định khung hình phạt tù lên đến 12 năm và định khung mức phạt tiền lên đến 6 tỷ đồng. Tuy vậy, mức xử phạt trên vẫn chưa tương xứng với lợi nhuận tài chính thực tế mà cá nhân hay pháp nhân thương mại thu về từ hoạt động mua bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD” - ông Bách nói.
Cần chỉ thị từ Thủ tướng
Theo bác sỹ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng (RTCCD), trước mắt, cần bổ sung vào các văn bản pháp luật hiện hành, các chế tài mạnh và nghiêm khắc về việc kiểm soát việc buôn bán, trao đổi các loài động, thực vật hoang dã để tránh tình trạng khai thác quá mức dẫn đến tình trạng tuyệt chủng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để “cuộc chiến” bảo vệ ĐVHD đạt được hiệu quả tốt hơn, trước mắt, cần phải có chỉ thị của lãnh đạo cao nhất Chính phủ về việc tăng cường kiểm soát quản lý, thanh kiểm tra xử phạt hành vi săn bắt, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển, giết thịt ĐVHD. Về lâu dài cần có Nghị quyết Quốc hội hoặc Nghị định Chính phủ đủ mạnh.
Luật Sư Đặng Đình Bách nhấn mạnh, đứng trước các vấn đề về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo đảm sức khỏe, dịch vụ y tế cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lây lan rộng trên toàn thế giới hiện nay, việc ban hành chỉ thị của Thủ tướng về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD thể hiện sự đúng đắn và kịp thời trong công tác lãnh đạo, điều hành quốc gia trước vấn đề cấp thiết của xã hội.