Dân Việt

Nông nghiệp hữu cơ Quảng Trị- cho đất nở hoa: Đến ngày thu trái ngọt

Tâm Nguyễn- Công Điền 30/03/2020 10:51 GMT+7
Việc trồng cam, chanh leo theo hướng hữu cơ không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo môi trường…

Ngọt ngào đồi cam hữu cơ

Huyện Hải Lăng được xem như là “thủ phủ” của tỉnh Quảng Trị trong việc chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống sang mô hình canh tác hữu cơ trên diện tích trồng cam.

Theo ông Võ Văn Hưng (nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Quảng Trị), xuất phát từ thực tiễn, tiềm năng lợi thế của vùng gò đồi, ngành nông nghiệp đã định hướng cam là một trong 6 cây trồng chủ lực của tỉnh.

img

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra mô hình cam hữu cơ tại huyện Hải Lắng. ảnh C.Đ

“Ngành đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất cam hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ, chế phẩm sinh học vào nâng cao năng suất, chất lượng cây cam Quảng Trị, hỗ trợ nông dân chứng nhận vùng sản xuất đảm bảo ATTP và xây dựng nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc. Cây cam đang hứa hẹn sẽ trở thành một trong những sản phẩm hữu cơ chủ lực của tỉnh”, ông Hưng nói.

Qua hơn 2 năm triển khai, Hải Lăng đã có gần 10ha cam canh tác hữu cơ theo công nghệ Obi - Ong Biển. Theo ông Phạm Đình Lợi, Quyền Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, trên tinh thần chỉ đạo của Sở Nông nghiệp- PTNT, huyện đã khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Trong đó, cây cam được người dân lựa chọn và chuyển đổi từ trồng cam thông thường sang trồng cam hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao. “Chúng tôi đã ký hợp tác liên kết với Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) để sử dụng phân bón hữu cơ Ong Biển; đăng kí mẫu mã, chất lượng sản phẩm theo chuỗi VietGAP cho cây cam”- ông Lợi nói thêm.

Chúng tôi về xã Hải Phú (huyện Hải Lăng) khi vụ cam hữu cơ đã thu hoạch xong và bà con đang chăm sóc cam theo quy trình hữu cơ. Ông Văn Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện toàn xã có gần 60 ha trồng cam tập trung theo tiêu chuẩn hữu cơ. Trong đó, diện tích cam hữu cơ được thực hiện ở vùng đồi K4, thôn Long Hưng khoảng 38 ha. “Theo kế hoạch, đến năm 2025, Hải Phú chúng tôi xây dựng được trên 200 ha cam hữu cơ tập trung để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con”.- ông Ánh nói.

img

Mô hình trồng cam hữu cơ đem lại hiệu quả cao ở vùng đồi K4, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng. ảnh H.G

Cũng theo ông Ánh, vụ cam vừa thu hoạch xong có năng suất cao nên bà con rất phấn khởi. Mỗi góc cam cho thu hoạch từ 60-80 quả (năng suất khoảng 30-35 tấn/ha), giá bán tại vườn khoảng 25 ngàn đồng/kg. Nếu như cũng vườn cam đó, trước đây, trồng thông thường thì chỉ đạt năng suất từ 15-20 tấn/ha và giá bán chỉ khoảng 7-10 ngàn đồng/kg. “Như vậy, nếu trồng cam hữu cơ, nông dân có thu nhập khoảng 750 triệu đồng/ha, trừ chi phí cho lãi 300 - 350 triệu đồng/ha (cao hơn sản xuất cam truyền thống 50 - 100 triệu đồng/ha). Không chỉ cao về lợi nhuận mà còn hướng đến sản xuất một nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo môi trường”, ông Ánh nói thêm.

Sau thành công mô hình cam hữu cơ sạch ở vùng đồi huyện Hải Lăng,  tỉnh Quảng Trị đã có định hướng mở rộng diện tích cam hữu cơ. Tỉnh cũng đã chỉ đạo huyện Hải Lăng tiếp tục chú trọng, nhân rộng sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, đặc biệt là chuyển đổi diện tích để trồng một số loại cây ăn quả  theo hướng hữu cơ organic như bưởi, cam, chanh leo… UBND tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho huyện và nông dân canh tác hữu cơ organic; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, liên kết đầu ra cho sản phẩm.

img

Nông dân xã Hải Phú chăm sóc vườn cam hữu cơ. ảnh: C.Đ

Chanh leo hướng đến thị trường châu Âu

Ông Hồ Quốc Long, bản Bụt Việt, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) khẳng định chắc nịch: Chanh leo là cây “xóa đói giảm nghèo” khi nói về giá trị kinh tế mà cây chanh leo mang lại cho gia đình ông cũng như các hộ dân trong vùng khi triển khai thực hiện.

 Tháng 7/2019, ông Long chuyển đổi đất trồng tiêu sang trồng chanh leo với diện tích 3.000 m2 ngay trong vườn nhà. Tận dụng số lượng cây đã trồng sẵn làm trụ leo cho cây tiêu, ông Long chỉ chi phí khoảng 15 triệu đồng để lắp đặt hệ thống nước tưới, làm giàn cho chanh leo. Được hỗ trợ một nửa về giá giống nên chi phí ban đầu bỏ ra nằm trong khả năng của gia đình.

Sau hơn 6 tháng chăm sóc cây theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, đầu tháng 2 vừa qua gia đình ông đã thu hoạch lứa quả bói đầu tiên. Ông Long cho biết ước tính trừ các chi phí như phân bón, giống, bình quân mỗi cân chanh leo thu được 13.000 đồng, tổng cộng ông bán được 5 tạ chanh leo, thu về 6,5 triệu đồng. “Sắp tới đây tôi sẽ tiếp tục thu hoạch lứa thứ hai, lứa này hứa hẹn năng suất và chất lượng trái sẽ cao hơn. Nếu chịu khó tuân thủ quy trình sản xuất và sản phẩm được bao tiêu như hiện nay thì cây chanh leo chính là loại cây góp phần tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu, cà phê của Hướng Phùng”, ông Long chia sẻ.

Năm 2017, khi hàng loạt nông sản bị giảm giá, trong đó có hồ tiêu, cà phê, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đã trăn trở, tìm hướng thay thế bằng những loại cây khác mang lại giá trị kinh tế cao, có thể XK. Năm 2018, các bên đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trồng và thu mua chanh leo giữa Sở NN - PTNT, UBND huyện Hướng Hóa với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc.

Trong mô hình trồng chanh leo tại Hướng Hóa, nông dân được tập huấn, hướng dẫn, theo dõi, giám sát mô hình theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc đã cho các nhóm hộ ứng trước 50% giá giống và thanh toán vào cuối vụ thông qua khấu trừ sản phẩm bán quả chanh leo. Công ty cũng cam kết thu mua 100% sản phẩm theo giá thị trường, trong trường hợp giá thị trường giảm thấp vẫn phải thu mua theo giá bảo hiểm (4.000 đồng/kg)...

Thực hiện đúng cam kết, ngay từ vụ thu hoạch chanh leo đầu tiên, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc đã thu mua khoảng 2 tấn chanh leo quả tươi của người dân để chế biến thành các sản phẩm.       

img

Chanh leo đủ tiêu chuẩn XK châu Âu ở Quảng Trị

Đến nay, trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã có gần 50 hộ tham gia trồng chanh leo với diện tích hơn 35 ha, tập trung tại các xã Hướng Phùng, Tân Liên và Tân Lập, tổng sản lượng ước đạt 500 tấn/năm, năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha. Đối với các vườn trồng theo mô hình liên kết với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc, nhờ tuân thủ tốt quy trình chăm sóc nên năng suất lên tới 30 - 45 tấn/ha, tỉ lệ chanh loại A1, A1 Vip, A2, A2 Vip đạt từ 41,05 - 54,41% trên tổng lượng quả, mang lại lợi nhuận cho người trồng hơn 100 triệu đồng/ha.

Từ thành công bước đầu các mô hình trồng mới cây chanh leo ở một số xã của huyện Hướng Hóa đã tạo cơ hội cho người nông dân nơi đây nâng cao thu nhập, đồng thời là cơ sở để nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trong tỉnh.

Giá trị của quả chanh leo đã được khẳng định, được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ mùi vị đặc trưng, có thể chế biến thành nhiều sản phẩm như nước uống, kem, mứt, bánh kẹo…

Nhờ có sự liên kết trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên người dân đã yên tâm đầu tư chăm sóc cây chanh leo để đạt năng suất và chất lượng cao nhất. 

Hiện nay Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc và tỉnh Quảng Trị đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc mở rộng diện tích trồng chanh leo với quy mô dự kiến phát triển năm 2019-2020 là 100 ha, định hướng đạt 500 ha vào năm 2025. Ngoài việc mở rộng diện tích, hai bên cũng thống nhất phương án nghiên cứu để sản xuất chanh leo theo hướng hữu cơ, an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Đồng thời, xây dựng một nhà máy sản xuất, chế biến chanh leo tại Khu công nghiệp Quán Ngang (Quảng Trị).

Trong tương lai không xa, khi những dự án trên đi vào hoạt động, chanh leo Quảng Trị sẽ có mặt rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là châu Âu, một trong những thị trường khó tính về nông sản.