Theo dõi từng bước chân di chuyển của "thợ săn" cá nác hoa giữa "ma trận" đá thuộc bãi bồi xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa), anh Đặng Văn Quy (thôn Yên Lộc) với 20 năm "săn" cá nác hoa chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Cá nác hoa vừa biết bơi, chạy, leo cây...nhưng cũng khuất phục trước người nông dân Đa Lộc. Ảnh: Vũ Thượng
"Để bắt được loài cá nác hoa béo ngậy, vừa biết bơi, chạy trên mặt nước, lại biết leo cây... Chúng tôi phải "chế tạo" những chiếc bẫy kẹp được làm từ thân cây tre vót nhỏ, uốn cong, cao khoảng 40cm, phía dưới dùng dây cước đúc, màu trắng thắt nút, khi con cá bơi qua đụng vào sợi dây thì bị bẫy kẹp chúng gần phần đầu. Với cách bắt này, tôi không cần bỏ nhiều công sức nhưng ngày vẫn bắt được khoảng 3kg, giá bán hiện nay từ 130.000-150.000 đồng/kg".
Những bãi đá ven bờ được cá nác hoa tập trung sinh sống nhiều. Ảnh: Vũ Thượng
Anh Đặng Văn Quy chia sẻ thêm: "Tôi có 150 cái bẫy kẹp để "thu phục" cá nác hoa. Thời gian đi bắt cá tùy vào từng con nước (thủy triều lên xuống), thường mỗi ngày tôi đi 5 tiếng đồng hồ, một tháng tôi đi đặt bẫy kẹp khoảng 20 ngày, thu nhập cũng được 5-6 triệu đồng. Cá nác hoa thường chế biến các món như: Kho, nướng, nấu canh... thịt rất thơm ngon".
Bẫy kẹp dùng để "thu phục" cá nác hoa. Ảnh: Vũ Thượng
Cá nác hoa mùa sinh sản bắt đầu từ tháng 4 đến 9 đối với các tỉnh miền Bắc và quanh năm đối với các tỉnh miền Nam. Vào mùa sinh sản, cá đực và cá cái cặp với nhau, chúng thường tìm các lùm cây dưới nước để sinh sản.
Cá nác hoa được bán với giá 130.000-150.000 đồng/kg. Ảnh: Vũ Thượng
Loài cá nác hoa thường sống ở cửa sông, biển, nơi thủy triều lên xuống hằng ngày. Cá thường đào hang trú ẩn ở các lùm cây, kẹt rễ um tùm, hang sâu với nhiều ngóc ngách. Khi thủy triều rút xuống là chúng bắt đầu kéo lên mặt bùn để kiếm ăn và phơi nắng. Đặc biệt, cá nác hoa thường tập trung nhiều ở khu vực bãi đá, khi có tiếng động, bóng người thì ngay lập tức lao vào hang ẩn nấp.
Cá nác hoa thường sống ở cửa sông, biển, nơi thủy triều lên xuống hằng ngày. Ảnh: Vũ Thượng
Kích thước cá nác hoa nhỏ. Cơ thể không có vẩy, hình thuôn dài, nhẵn bóng, đầu to hơn thân không nhiều, có 2 mắt lồi lên phía trên đầu trông như mắt ếch. Thân và vây cá có màu nâu đất và điểm những chấm màu xanh nhạt nên được gọi là cá nác hoa.
Cá nác hoa có màu nâu đất, có chấm màu xanh nhạt trên thân. Ảnh: Vũ Thượng
Quan sát của phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, cá nác hoa có vây lưng được chia làm 2 phần, phần trước phát triển hơn phần sau, khi dựng lên trông như cánh buồm. Miệng rộng, mang phồng to. Cá nác hoa có chiều dài khoảng 10-15cm, trọng lượng 13-15g.
Ông Đặng Văn Tấn (thôn Yên Lộc, xã Đa Lộc) có 30 năm đi đặt bẫy kẹp bắt cá nác hoa. Ảnh: Vũ Thượng
Cũng có mặt giữa "ma trận" đá để đặt bẫy kẹp bắt cá nác hoa, ông Đặng Văn Tấn (thôn Yên Lộc) tâm sự: "Tôi đã đi đặt bẫy kẹp bắt cá nác hoa được 30 năm. Nghề "thu phục" cá này tuy không vất vả nhưng phải đòi hỏi sự khéo léo trong từng bước chân di chuyển, nếu không phải trả giá đắt. Chủ yếu cá nác hoa ẩn nấp ở các bãi đá gần bờ, nhiều người mới vào nghề không quen "địa bàn" bị đá cứa chảy máu chân là chuyện thường".
Thời tiết nắng nóng, cá nác hoa ẩn trong hang ra ngoài kiếm ăn càng nhiều. Ảnh: Vũ Thượng
"Để bắt được nhiều cá nác hoa đòi hỏi phải có kinh nghiệm, đầu tiên phải quan sát khu vực cá hay tập trung nhiều mới tiến hành đặt bẫy. Tiếp theo di chuyển nhẹ đôi bàn chân, tìm vị trí đầu hang cá lên xuống để cắm bẫy, khoảng 20 phút quay lại kiểm tra một lần.
Trời càng nắng to, cá nác hoa di chuyển lên mặt bùn tắm nắng càng nhiều. Tôi có 130 cái bẫy kẹp, mỗi cái bẫy tôi mua giá 15.000 đồng, bình quân ngày cũng kiếm được 2,5-3kg cá nác hoa, bán cũng được 200.000-300.000 đồng/ngày", ông Đặng Văn Tấn trao đổi thêm với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Các nác hoa thường nhỏ bằng ngón tay, có chiều dài khoảng 10-15cm. Ảnh: Vũ Thượng
Cá nác hoa rất nhanh nhẹn trong việc trốn thoát khỏi sự tấn công của kẻ thù. Khi gặp nguy hiểm, cá đực sẽ bảo vệ hang của nó bằng cách di chuyển, há ngoác miệng và giương vây để đe dọa địch thủ. Đây là một loài cá ăn tạp, nghiêng về động vật và có thói quen tranh giành thức ăn. Khi còn nhỏ, cá nác hoa sử dụng thức ăn là động thực vật phù du, mùn bã hữu cơ, khi lớn ăn các loài giáp xác cỡ nhỏ.
Anh Phạm Văn Tú "chế tạo" chai, lọ nhựa bỏ đi để dụ cá nác hoa tới. Ảnh: Vũ Thượng
Khác với cách bắt đặt bẫy kẹp để "thu phục" cá nác hoa. Anh Phạm Văn Tú (thôn 4, xã Nga Tân, huyện Nga Sơn) đã dùng cách "chế tạo" từ các chai, lọ nhựa bỏ đi, cắt ngang và đan một cái hom bằng thân cây tre, đút vừa bằng cái miệng chai, lọ nhựa, cá chỉ có đường vào mà không thể tìm được lối ra.
Tìm hang, lỗ cá nác hoa đang ẩn nấp để đặt bẫy. Ảnh: Vũ Thượng
Anh Phạm Văn Tú chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: "Với cách bắt cá nác hoa từ chai, lọ nhựa bỏ đi tuy không bắt được nhiều bằng đặt bẫy kẹp, bù lại cá bắt được sống lâu hơn, giá bán cho thương lái cũng cao hơn khoảng 30.000-50.000 đồng/kg. Hiện, tôi làm được 200 cái bẫy bằng chai, lọ nhựa, mỗi ngày cũng bắt được khoảng 2kg, giá bán 150.000-180.000 đồng/kg".
Mỗi ngày "thợ săn" xuống biển đặt bẫy bắt cá nác hoa khoảng 4-5 giờ. Ảnh: Vũ Thượng
Cá nác hoa vừa biết lặn, chạy trên mặt nước, trên cạn, vừa biết leo cây... chúng thường sống ở cửa sông, biển, nơi có mực nước không cao, lên xuống hằng ngày. Cá thường đào hang, lỗ để sinh sống, đặc biệt tập trung đông ở các bãi đá ven bờ, khi thủy triều rút thì chúng kéo lên mặt bùn để tìm kiếm thức ăn và tắm nắng, nếu có tiếng động là lao ngay xuống hang ẩn nấp. |