Dân Việt

Nếu "đám mây" châu chấu sa mạc xuất hiện, dùng máy bay phun thuốc

Khánh Nguyên (thực hiện) 31/03/2020 08:00 GMT+7
Theo ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), trong vụ hè thu, thu đông sắp tới, ngành bảo vệ thực vật đã có kế hoạch quản lý, phòng trừ các loại sâu bệnh mới, đồng thời xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó nếu châu chấu sa mạc di trú vào Việt Nam.

Theo lịch thời vụ sản xuất vụ hè thu và thu đông, Bộ NNPTNT có kế hoạch đẩy xuống giống sớm diện tích lúa hè thu không bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Kế hoạch của ngành bảo vệ thực vật như thế nào trong việc quản lý sâu bệnh, dịch hại nhằm bảo vệ tốt diện tích lúa đã và sắp xuống giống, thưa ông?

- Một trong những thành công của vụ đông xuân 2019 - 2020 là ngành bảo vệ thực vật đã khuyến cáo bà con xuống giống vào thời điểm thích hợp để né được rầy di trú giúp lúa phát triển tốt, chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể, từ đó góp phần giảm chi phí sản xuất lúa vụ đông xuân, tăng lợi nhuận cho người dân.

img

Châu chấu sa mạc hoành hành tại làng Lemasulani thuộc hạt Samburu của Kenya. REUTERS

"Chúng ta đã có kinh nghiệm ứng phó với sâu keo mùa thu, từ chỗ có 23.000ha diện tích cây trồng bị gây hại, giờ chỉ còn 1.000ha nên chắc chắn cũng sẽ có biện pháp trong tình huống xấu nhất là loài châu chấu này xâm nhập”.

Ông Nguyễn Quý Dương

Từ thắng lợi của vụ đông xuân, trong vụ hè thu và thu đông, chúng tôi cũng sẽ chủ động dự báo sớm tình hình sâu bệnh, dịch hại để người dân và các địa phương chủ động phòng tránh.

Theo đó, từ tháng 3 đến tháng 5 sẽ có đợt di trú rầy nâu của lúa đông xuân sang hè thu, dự báo khoảng 14 - 20/3 sẽ có một đợt rầy di trú. Chúng tôi đã đề nghị Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng phía Nam bám sát tình hình rầy di trú để đặt bẫy, xuống giống lúa đúng thời điểm để né rầy.

Năm nay, do tình hình hạn mặn, rầy nâu phát sinh sớm vào tháng 3, các địa phương nên khuyến cáo người dân sạ đồng loạt để né rầy. Đây là biện pháp quan trọng để hạn chế bệnh vàng lùn lùn xoắn lá.

Đối với vụ hè thu, thu đông, bà con nông dân cần chú ý các đối tượng sâu bệnh, dịch hại gì, thưa ông?

- Hiện, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống vụ hè thu, sau hè thu là vụ thu đông, đến đầu tháng 10, 11 lại tiếp tục chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân 2020 - 2021. Vì vậy, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam phối hợp với 19 tỉnh, thành theo dõi cao điểm tình hình rầy nâu di trú.

Ngoài rầy nâu, một vài năm trở lại đây có thêm một đối tượng dịch hại mới gây bệnh muỗi hành (sâu năn).  Riêng vụ đông xuân 2016-2017 ở các tỉnh ĐBSCL đã có trên 33.500ha nhiễm muỗi hành, tỷ lệ gây hại từ 10-15% là 17.832ha, nhiễm nặng trên 20% là 15.748ha và thiệt hại năng suất từ 10-30%. Các tỉnh có diện tích nhiễm muỗi hành cao là Kiên Giang, Long An, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp.

Với vụ lúa đông xuân ở miền Bắc, ông lưu ý điều gì?

- Đối với vụ đông xuân ở miền Bắc, so với dự báo cuối năm 2019 thì thời tiết đang ấm lên, trà lúa chính đang chuẩn bị trỗ, đến mùng 10/4 trà lúa chính phía Bắc khu 4 sẽ trỗ hết.

 Với vụ đông xuân ở miền Bắc thì lo nhất là bệnh đạo ôn nên cần theo dõi sát diễn biến thời tiết. Ví dụ, vụ đông xuân năm ngoái, khi mới gieo cấy thời tiết nóng nhưng lúc lúa trỗ lại có không khí lạnh phù hợp cho bệnh đạo ôn phát triển.

Vụ đông xuân năm nay chưa ảnh hưởng nhiều nhưng nếu thời tiết có biến đổi thì nguy cơ bệnh đạo ôn gây hại rất cao.

Đối với nạn châu chấu sa mạc đang gây hại ở châu Phi, theo ông, có nguy cơ loài này di trú vào Việt Nam không?

- Châu chấu sa mạc (tên khoa học là Schistocerca gregaria) đang gây hại nặng ở vùng Đông Phi, sau đó di chuyển đến biên giới giữa Pakistan và Ấn Độ. Đến tháng 1/2020, loài này đã di trú sang Ấn Độ nhưng nước này đã có biện pháp phòng trừ quyết liệt nên không có ảnh hưởng gì đáng kể.

Châu chấu sa mạc di cư theo đàn, từ Đông Phi phải qua Ấn Độ Dương thì mới vào được phía Tây Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, với tập tính bay đàn của châu chấu sa mạc, việc bay qua Ấn Độ Dương rất khó. Còn đi từ biên giới qua phía Tây Tạng của Trung Quốc thì khả năng này không cao bởi có dãy Himalaya chắn ngang.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng tính đến phương án biến đổi khí hậu có thể khiến luồng gió thay đổi nên đã chủ động xây dựng kịch bản nếu châu chấu sa mạc vào phía Bắc và Tây Bắc của Việt Nam. Thực tế, cách đây vài năm khu vực Điện Biên, Sơn La cũng từng xuất hiện dịch châu chấu tre lưng vàng nên đã có kinh nghiệm ứng phó.

Cụ thể phương án ứng phó sẽ thế nào?

- Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng tài liệu nhận biết châu chấu sa mạc khác với châu chấu tre lưng vàng như thế nào. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với lực lượng khí tượng thủy văn và quân đội ứng dụng radar để xác định đàn châu chấu. Đặc tính của chúng là bay theo đàn nên giống như những đám mây, nếu chúng di cư vào sẽ phối hợp quân đội dùng máy bay không người lái phun quanh những đám mây châu chấu này.

Ngoài ra, chúng tôi cũng từng áp dụng biện pháp phun khói đối với châu chấu tre lưng vàng ở Điện Biên, Sơn La rất hiệu quả. Quan điểm của chúng tôi là nếu phun thuốc sẽ đảm bảo không ảnh hưởng đến nguồn nước, con người.

Hiện, Cục Bảo vệ thực vật đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Nông – Lương Liên Hợp quốc (FAO) và các nước như Trung Quốc, Lào, Myanmar để nắm bắt thông tin, sẵn sàng đối phó nếu châu chấu sa mạc vào Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!