Dân Việt

Nuôi lươn ở chuồng heo cũ, bán 190 ngàn/ký, 12m2 lời 50 triệu

Dù chỉ mới bắt đầu thực hiện nhưng ông Trần Văn Chiến ở ấp Tân Trị 2, xã Tân Phú (TX Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đang rất thành công với mô hình nuôi lươn không bùn trong hồ xi măng. Đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi chi phí đầu tư thấp, lươn dễ chăm sóc mà lại cho lợi nhuận cao.

Năm 2019, sau khi tham gia lớp tập huấn FFS về kỹ thuật nuôi lươn do Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) tổ chức, ông Chiến đã bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn.

Tận dụng diện tích chuồng heo cũ của gia đình, ông đã cải tạo thành 3 hồ nuôi lươn,  mỗi hồ có diện tích khoảng 4m2, bên trong đặt giá thể bằng dây lưới để làm chỗ cho lươn bám. Với tổng diện tích hơn 12m2 của 3 hồ, ông tiến hành thả nuôi khoảng 2.000 con lươn giống.

img

Mô hình nuôi lươn của ông Trần Văn Chiến - ấp Tân Trị 2, xã Tân Phú, TX Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Sau 9 tháng chăm sóc lươn không bùn đến nay đã thu hoạch lứa đầu tiên, trọng lượng bình quân của lươn đạt từ 200-300g/con, thương lái đến tận nhà thu mua với giá lươn là 190.000 đồng/kg. Tính ra sau mỗi lứa nuôi lươn không bùn, gia đình ông thu được trên 50 triệu đồng.

Theo ông Chiến, nuôi lươn không bùn tiết kiệm nhiều chi phí, dễ quản lý và chăm sóc. Tuy nhiên, để việc nuôi lươn mang lại hiệu quả kinh tế cao, đạt chất lượng tốt, người nuôi cần phải lựa chọn con lươn giống khỏe mạnh, không mang mầm bệnh, đồng đều về kích thước, đồng thời phải vệ sinh hồ nuôi lươn thật kỹ trước khi thả lươn vào nuôi.

Trong quá trình nuôi lươn không bùn phải thường xuyên theo dõi lươn phát triển để có biện pháp cho ăn, chăm sóc, khi cho lươn ăn phải định kỳ bổ sung thêm men tiêu hóa để phòng bệnh về tiêu hóa và nâng cao sức đề kháng cho lươn. Nhất là người nuôi phải thường xuyên thay nước, vệ sinh hồ nuôi lươn và duy trì mực nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển của lươn.

Ngoài việc nuôi lươn thương phẩm, ông Chiến còn tìm tòi học hỏi để ương lươn giống, tạo nguồn giống cho việc nuôi thương phẩm nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất. Với những hiệu quả bước đầu mang lại, ông dự tính sẽ tiếp tục nhân rộng thêm 7 hồ xi măng để nuôi lươn không bùn, mỗi hồ thả nuôi khoảng 1.000 con lươn giống.

Không riêng gia đình ông Chiến, mà hiện nay nhiều nông dân trên địa bàn xã Tân Phú (TX Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cũng đã chọn mô hình nuôi lươn không bùn trong hồ xi măng để phát triển kinh tế gia đình bởi hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với hộ không có đất sản xuất.

“Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi lươn không bùn, tạo điều kiện để nông nhân phát triển mô hình nuôi lươn không bùn hiệu quả và bền vững hơn.”, ông Phạm Văn Tám, Chủ tịch Hội Nông Dân xã Tân Phú cho biết.

Có thể thấy, thành công từ mô hình nuôi lươn không bùn của ông Trần Văn Chiến đã mở ra hướng đi mới góp phần đa dạng hóa đối tượng sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cần được nhân rộng để giúp người dân cải thiện kinh tế hộ gia đình, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.