Dân Việt

Phát hiện loài ếch “tí hon” chỉ dài 2cm, tiếng kêu như chuông

Thương Huyền 06/04/2020 13:30 GMT+7
Các cá thể của loài ếch mới phát hiện này có kích cỡ chỉ từ 1-2 cm, có màu cà phê tối và bụng màu xám và xanh da trời, so với các loài khác cùng họ, chúng “đậm người” hơn.

Các nhà khoa học Costa Rica vừa khẳng định phát hiện một loài ếch mới tại nước này, sau khi nhận được thông tin từ một nhân viên du lịch trong khu vực dãy núi Talamanca.

img

Loài ếch mới thuộc họ Diasporus và được đặt tên khoa học là Diasporus amirae.

Cách đây 4 năm, Stanley Salazar, một nhân viên du lịch có sở thích tìm hiểu các loài lưỡng cư, đã thông báo với các nhà khoa học của Đại học Costa Rica UCR, về một loài ếch tí hon mà ông quan sát được trong khu rừng Plátano, thuộc dãy núi Talamanca, và cho rằng có thể là một loài chưa được thống kê.

Sau thời gian dài xác minh, các nhà nghiên cứu sinh học của UCR đã đăng bài viết trên tạp chí chuyên ngành Zootaxa, khẳng định phát hiện trên, cho biết, loài ếch mới thuộc họ Diasporus và được đặt tên khoa học là Diasporus amirae, theo tên con gái của ông Salazar, cô Amira Salazar Vásquez.

Các cá thể của loài ếch mới phát hiện này có kích cỡ chỉ từ 1-2 cm, có màu cà phê tối và bụng màu xám và xanh da trời, nét khác biệt của Diasporus amirae so với các loài khác cùng họ là chúng “đậm người” hơn.

img

Các cá thể của loài ếch mới phát hiện này có kích cỡ chỉ từ 1-2cm.

Điểm khác biệt nữa của Diasporus amirae, là chúng sinh sống trong những hố nhỏ rất gần mặt đất, nói cách khác là ở thảm thực vật thấp. Thay vì kêu liên tục, chúng cũng chỉ kêu 1 lần trong thời gian 5 – 10 phút.

Do các loài ếch thường im lặng khi trời mưa, trong khi Talamanca lại là nơi có lượng mưa tương đối dày, cùng với những đặc điểm nêu trên của Diasporus amirae, việc tìm kiếm chúng là rất khó khăn và tới nay các nhà nghiên cứu mới gặp được 10 cá thể mẫu, tất cả đều là con đực, tại vùng rừng Plátano, trên độ cao 1000m so với mặt nước biển.

Riêng tại Costa Rica, hiện đã thống kê được 5 loài thuộc họ Diasporus, thường được người dân bản địa gọi là “ếch chuông”, do tiếng kêu đặc trưng của nó rất giống tiếng chuông.