Dân Việt

Lào Cai: Mô hình “5 tự, 5 cùng” từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Thu Hà 09/04/2020 05:05 GMT+7
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp ở Lào Cai đã có vốn đầu tư liên kết sản xuất và có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Thu nhập tăng gấp 1,5 lần

Cuối năm 2016, Tổ Hội chăn nuôi cá thịt và cá giống thôn Khởi Khe, thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng) được thành lập với sự tham gia của 15 nông dân có cùng sở thích nuôi thủy sản. Theo anh Nguyễn Văn Hợp - Tổ trưởng Tổ hội chăn nuôi cá thịt và cá giống thôn Khởi Khe cho biết, kể từ khi tổ hội đi vào hoạt động, hội viên có nhiều cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá và được Hội ND tạo điều kiện cho vay các nguồn vốn ưu đãi như Quỹ HTND, Ngân hàng Chính sách xã hội nên thu nhập được cải thiện rõ rệt.

img

Tham gia mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, nhiều nông dân Lào Cai đã đầu tư chăn nuôi hiệu quả. Ảnh: Thu Hà

Đến nay sau 3 năm triển khai, Hội ND tỉnh Lào Cai đã hướng dẫn, thành lập 56 tổ, hội nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả với 566 thành viên tham gia. Trong đó có 29 tổ hội nghề nghiệp được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ HTND với số tiền gần 22 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất.

“Bình quân mỗi hộ thu hoạch trên 1 tấn cá/năm, thu nhập đạt gần 100 triệu đồng/hộ. Tổ hội giúp đỡ được 20 hộ trong thôn thoát nghèo, có hộ  đã vươn lên trở thành khá, giàu. Đến nay Tổ hội đã thu hút được thêm 15 hội viên, nâng tổng số thành viên của tổ lên 30 người” – anh Hợp phấn khởi thông tin.

Tương tự Tổ hội chăn nuôi cá thịt và cá giống, Tổ hội trồng và chăm sóc cây mận tam hoa ở thị trấn Bắc Hà cũng được Hội ND giải ngân cho vay 1,1 tỷ đồng từ nguồn Quỹ HTND. Hiện, nguồn thu từ vườn mận của các hộ trong Tổ hội tăng gấp 1,5 lần so với những năm trước khi thực hiện mô hình phát triển kinh tế tập thể. Doanh thu 3 năm đạt 2,5 tỷ, lợi nhuận đạt 830 triệu đồng/năm.

Trên đây là 2 trong số hàng chục mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp ở Lào Cai được các cấp Hội ND hướng dẫn và hỗ trợ thành lập.

Bà Đinh Minh Hà - Chủ tịch Hội ND tỉnh Lào Cai cho biết: “Thực hiện Đề án 24 của Ban Thường vụ Trung ương Hội ND Việt Nam về xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, đến nay sau 3 năm triển khai, Hội ND tỉnh Lào Cai đã hướng dẫn, thành lập 56 tổ, hội nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả với 566 thành viên tham gia. Trong đó có 29 tổ hội nghề nghiệp được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ HTND với số tiền gần 22 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất.

Các chi hội, tổ hội nghề nghiệp bảo đảm tiêu chí “5 cùng”: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động”.

Phát huy lợi thế địa phương

Theo Chủ tịch Hội ND tỉnh Lào Cai Đinh Minh Hà: Những năm qua, Hội ND tỉnh Lào Cai đã xây dựng và triển khai Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả Quỹ HTND”. Theo đó, Hội ND tỉnh đã tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tiến hành kiện toàn Ban điều hành Quỹ HTND các cấp.

 Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 25 tỷ đồng triển khai 39 mô hình, dự án phát triển kinh tế cho 498 hộ nông dân vay vốn. Trong đó, nguồn ủy thác của Quỹ HTND Trung ương là 12,7 tỷ đồng thực hiện 18 dự án mô hình cho 252 hộ vay, tạo việc làm cho 279 lao động nông thôn. Nguồn quỹ cấp tỉnh đạt 7,67 tỷ đồng cho 133 hộ vay triển khai 9 mô hình, dự án. Nguồn vốn cấp huyện đạt 4,629 tỷ đồng cho 113 hộ vay thực hiện 12 dự án phát triển sản xuất.

Với việc cho hội viên nông dân vay vốn thông qua các hợp tác xã, tổ hội nghề nghiệp, mô hình tổ hợp tác… các hộ nông dân đã chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tạo việc làm và tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, Quỹ HTND tỉnh Lào Cai cũng quan tâm đầu tư vốn xây dựng các dự án nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng của từng địa phương như: Mô hình trồng cây cam Lương Sơn tại huyện Bảo Yên; bưởi Múc, cây lê, hoa địa lan, cây dược liệu atiso tại thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa); na dai tại huyện Bảo Thắng; mận tam hoa tại thị trấn Bắc Hà… đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở nông thôn với mức thu nhập ổn định bình quân từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình đạt mức thu nhập lên đến 80-100 triệu đồng/năm.