Dân Việt

Quảng Nam: Ngày càng nhiều chủ thể thích tham gia chương trình OCOP

Đoàn Hồng - Trần Hậu 11/04/2020 21:19 GMT+7
Quảng Nam là tỉnh thứ hai (sau Quảng Ninh) về tiếp cận thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), nhưng chỉ sau 3 năm (2018-2020) triển khai và thực hiện Đề án, số lượng sản phẩm đăng ký tham gia năm sau luôn cao hơn năm trước và chất lượng sản phẩm không ngừng tăng lên.

Chương trình OCOP ngày được lan tỏa

Ông Mai Đình Lợi, Chi Cục trưởng Chi cục PTNT, kiêm Phó chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Nam cho biết, tháng 7/2018, tỉnh Quảng Nam bắt đầu triển khai thực hiện Phương án OCOP thí điểm, có 17 huyện, thị xã, thành phố tham gia và kết quả có 25 sản phẩm được UBND tỉnh quyết định công nhận hạng sao OCOP.

Năm 2019, tất cả 18/18 huyện, thị xã, thành phố đều tham gia Chương trình, kết quả có 86 sản phẩm được công nhận hạng sao OCOP, tăng hơn 3 lần so với năm 2018.

img

Năm 2019, tất cả 18/18 huyện, thị xã, thành phố đều tham gia Chương trình, kết quả có 86 sản phẩm được công nhận hạng sao OCOP, tăng hơn 3 lần so với năm 2018. Ảnh: Đoàn Hồng.

Theo ông Lợi, số sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2020 đã lên trên 160 sản phẩm, tuy nhiên ông Lợi cho biết đã cùng với từng địa phương và các chủ thể sản xuất thống nhất không chọn những sản phẩm có nhiều trùng lặp (một loại sản phẩm nhưng nhiều chủ thể đăng ký) và những sản phẩm dạng thô, tươi sống, chưa qua sơ chế, chế biến... như UBND tỉnh đã chỉ đạo.

img

Bánh tráng Đại Lộc, đặc sản của người xứ Quảng đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Ảnh: Đoàn Hồng.

“Sau khi xem xét, năm nay toàn tỉnh sẽ chọn 141 sản phẩm thực hiện OCOP, với hơn 100 chủ thể tham gia. Việc có nhiều sản phẩm đăng ký tham gia và năm sau đăng ký cao hơn năm trước là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ chương trình OCOP ngày càng được lan tỏa rộng ra cộng đồng và người dân...”, ông Lợi nhấn mạnh.

img

Ông Mai Đình Lợi – Chi Cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Quảng Nam giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP của thị xã Điện Bàn trong dịp diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM khu vực Duyên hải miền Trung. Ảnh: Đoàn Hồng.

Theo đó, hàng loạt các sản phẩm đặc trưng, các đặc sản đã có thương hiệu và các sản phẩm nông nghiệp mới của các địa phương đăng ký tham gia Chương trình OCOP trong năm nay.

Tiêu biểu phải kể đến, như: Gà tre Đèo Le (HTX NN Quế Long); Nước mắm Cửa Khe (Công ty TNHH Thương mại sản xuất và dịch vụ Cửa Khe); Hương trầm Tiên Phước (HTX Dịch vụ Nông nghiệp KDTH Nhật Linh); Gà thảo mộc Tiên Phước (HTX Nông Nghiệp & KD DV Tiền Phong)…

Phấn đấu 3 năm có 200 sản phẩm OCOP

Ông Lợi cho biết thêm, do số lượng sản phẩm năm nay đăng ký tham gia khá lớn nên việc đánh giá, phân hạng sẽ khác với các năm trước. Theo đó, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh sẽ phân việc đánh giá ra làm 2 lần: Lần 1 tổ chức vào tháng 9/2020 và lần 2 tổ chức vào tháng 11/2020.

Trong đó, các sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao, sẽ ưu tiên đánh giá ở lần 1 để kịp hoàn thiện hồ sơ và sản phẩm gửi về cấp Trung ương đánh giá, phân hạng theo quy định...

img

Năm 2020, Quảng Nam có 141 sản phẩm đặc trưng, các đặc sản đã có thương hiệu và các sản phẩm nông nghiệp mới của các địa phương đăng ký tham gia Chương trình OCOP, trong đó có gà tre Đèo Le (HTX NN Quế Long). Ảnh: Đoàn Hồng.

“Điều lo lắng nhất của của chúng tôi hiện nay là dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, khiến nhiều hoạt động bị tạm dừng, trong đó có các hoạt động của Chương trình OCOP năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Kế hoạch như tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn; lập hồ sơ phân hạng sản phẩm....”,  ông Lợi nói.

img

Năm 2020, toàn tỉnh Quảng Nam có hơn 141 sản phẩm đã đăng ký tham gia Chương trình, nếu 80% trong số này đạt hạng 3 sao trở lên, thì trong vòng 3 năm (2018-2020), Quảng Nam có trên 200 sản phẩm OCOP, đạt mục tiêu Đề án OCOP đã đề ra. Ảnh: Đoàn Hồng.

Theo ông Lợi, kế hoạch năm 2020, toàn tỉnh có hơn 141 sản phẩm đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP, nếu 80% trong số này đạt hạng 3 sao trở lên thì trong vòng 3 năm (2018-2020), Quảng Nam sẽ có trên 200 sản phẩm OCOP, đạt mục tiêu Đề án OCOP đã đề ra.

“Kết quả này, thể hiện sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các địa phương và chủ thể sản xuất, sự lan tỏa mạnh mẽ ngày càng lớn của Chương trình OCOP...”, ông Lợi phấn khởi nói.