Dân Việt

Bình Định: Trồng 2 loài cây này trên đất cát, dân xã biển dư giả hẳn ra

Thăng Bình 12/04/2020 19:06 GMT+7
Trước đây, mỗi năm làm 1 vụ lúa không đủ ăn, từ khi chuyển sang trồng mỗi năm 3 vụ màu với trồng cây hành và trồng đậu phộng, người dân vùng quê biển xã Cát Hải (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã “dư ăn, dư để”.

Nông dân thoát nghèo

Theo ông Lê Văn Diêu, Chủ tịch UBND xã Cát Hải, từ năm 2002 trở về trước, dù là vùng quê thuần nông nhưng xã Cát Hải, huyện Phù Cát chỉ có 1 hồ chứa nước nhỏ tại thôn Tân Thắng. Lượng nước hồ này chỉ tưới được khoảng 40ha, một hồ chứa khác ở thôn Vĩnh Hội còn nhỏ hơn, chỉ tưới được chừng 10ha.

img

Thung lũng cát Vĩnh Hội (xã Cát Hải) đã được phủ xanh bằng đậu phộng.

Vì vậy, hàng trăm ha đất canh tác lúa còn lại đều ăn nước trời, mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa đông xuân mà năng suất rất thấp, không quá 45 tạ/ha, người dân chẳng đủ gạo để ăn.

Tuy nhiên, năm 2003, người dân Cát Hải bỗng phát hiện vùng đất của mình được thiên nhiên ưu đãi ban cho mạch nước ngầm rất dồi dào, phát hiện này đã mở ra hướng làm ăn mới.

“Hành và đậu phộng thích hợp với đất cát nên phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế rất cao, hơn hẳn trồng lúa. Chẳng bao lâu, cây hành và đậu phộng nhanh chóng phủ kín đồng đất Cát Hải và trở thành cây làm giàu”, ông Diêu nhớ lại.

Ngay sau đó, gần cả ngàn chiếc giếng đóng ra đời, những diện tích canh tác mỗi năm 1 vụ lúa nhanh chóng được thay thế bằng cây hành, đậu phộng.

Theo ông Diêu, vào thời điểm vùng đất Cát Hải chưa xuất hiện cây đậu phộng và cây hành, cuộc sống người nông dân gặp rất nhiều khó khăn, không ai dám nghĩ tới chuyện đóng chiếc ghe chiếc tàu đánh bắt cá để kiếm thêm thu nhập.

Từ khi canh tác cây hành cây đậu, thu nhập của bà con khấm khá hơn, có của ăn của để nên đã phát triển thêm nghề đánh bắt thủy sản.

“Hiện, xã Cát Hải đã 68 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ với tổng công suất 7.223CV, làm các nghề khai thác cá ngừ đại dương, câu mực, khai thác tôm hùm giống, giá trị đánh bắt thủy sản hàng năm trên 55 tỷ đồng”, ông Diêu nói.

img

Nông dân xã Cát Hải thu hoạch hành.

Theo nông Võ Kế Cu (ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải), hàng năm gia đình ông sản xuất 6 sào đậu phộng, 2 sào hành, thu nhập đều đặn trên 120 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 80 triệu đồng/năm.

“Vài năm trở lại đây, bà con trong thôn đã lắp đặt thiết bị tưới phun nước tự động trên ruộng hành, ruộng đậu phộng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước”, ông Cu phấn khởi.

Đổi đời nhờ cây hành, đậu phộng

Theo ông Đỗ Hoàng Phong, Phó Chủ tịch xã Cát Hải, hiện vùng đất này chỉ còn 192ha nằm gần hồ nước Tân Thắng là còn canh tác cây lúa bởi gần nguồn nước, cũng là vì đất thịt nên chẳng thể chuyển sang trồng hành và đậu phộng, còn lại hầu hết đã chuyển đổi.

“Hiện, diện tích đất canh tác cây hành hàng năm ở Cát Hải là 440ha và diện tích trồng đậu phộng hàng năm dao động từ 360 – 380ha. Hầu hết những hộ sản xuất hành và đậu phộng ở Cát Hải đều đóng giếng, mạch nước ngầm lại không bao giờ cạn kiệt nên không lo về nước tưới, kể cả mùa hạn.

Nhờ đó năng suất hành khô bình quân cả năm đạt từ 80 – 85 tạ/ha, năng suất đậu phộng (khô) bình quân đạt từ 34 – 36 tạ/ha”, ông Phong lý giải.

img

img

Hệ thống tưới nước tự động ở xã Cát Hải luôn giúp cây đậu phộng sinh trưởng và cho hiệu quả cao.

Mặc dù, diện tích sản xuất lúa của xã Cát Hải chỉ còn 192ha nhưng sản lượng lương thực hàng năm lại đạt cao hơn trước nhờ sử dụng các loại giống mới cho năng suất cao. Vì vậy, người dân ở đây đã đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ nên luôn yên tâm làm giàu với cây hành, đậu phộng.

Theo đánh giá của ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định), sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những diện tích chuyển từ trồng lúa sang trồng cây đậu phộng hiệu quả kinh tế tăng cao gấp 4 lần. Những diện tích từ trồng lúa sang trồng cây hành hiệu quả kinh tế còn tăng cao hơn, gấp 6 – 7 lần.

img

Nông dân ở xã biển Cát Hải đổi đời nhờ cây hành, đậu phộng.

“Năm 2012, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ về Cát Hải chọn 2 hộ dân ở thôn Vĩnh Hội trồng thí điểm giống đậu phộng mới mang tên LDH09. Đây là giống chịu hạn chịu mặn, có thể “chung sống” với vùng đất cát do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ lai tạo. Chính giống đậu phộng này đã khiến đất nghèo đẻ ra vàng và làm nên sự hưng thịnh cho ngành nông nghiệp xã Cát Hải”, ông Lương Văn Khoa nhớ lại.