Hàng năm cứ đến tháng 3 - 4, đồng bào Mông ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ bắt đầu gieo trồng cây lanh và đến tháng 7 - 8 mới thu hoạch. Sau khi thu hoạch, bà con dân tộc Mông đem cây lanh ra phơi nắng cho khô rồi tước thành sợi. Sợi lanh được đưa vào cối giã mềm rồi nối lại, cuốn thành từng cuộn tròn, mang đi giặt cho mềm. Sau đó đem luộc, đến khi thấy sợi lanh mềm thì mang ra phơi nắng cho khô, rồi dùng guồng chia sợi lanh ra trước khi mắc vào khung cửi dệt.
Sau khi se lanh thành sợi bà con dân tộc Mông đem luộc, mang ra phơi nắng cho khô, rồi dùng guồng chia sợi lanh ra trước khi mắc vào khung cửi dệt.
Sau khi dệt thành vải, phụ nữ Mông dùng bút vẽ được làm bằng đồng để vẽ. Khi vẽ xong đem vải đã in sáp ong đi nhuộm chàm, lúc nào vải có màu sẫm mang đi nhúng vào nước sôi, sáp ong sẽ chảy ra để lại những hoa văn màu xanh lơ, sau đó chuyển sang công đoạn thêu theo hoa văn đã được in. Để có những đường hoa văn đẹp tinh tế, phụ nữ Mông dùng kim và chỉ thêu lên vải với họa tiết hoa văn như khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi… được làm thủ công và mất nhiều thời gian.
Từ bao đời nay, người phụ nữ Mông không chỉ giỏi trồng đay, se lanh dệt thổ cẩm, mà còn thêu thùa được những bộ váy, áo đẹp phục vụ gia đình.
Những công việc thêu thùa này đòi hỏi sự khéo tay, kiên trì và chăm chỉ, đây là tiêu chí đánh giá tài năng, đạo đức, phẩm chất, cách làm ăn của phụ nữ Mông. Sản phẩm thổ cẩm khi đã hoàn thiện đều được trang trí độc đáo với hoa văn, họa tiết khác nhau, cùng với gam màu chủ đạo như trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím… tạo nét độc đáo, riêng có trên những bộ trang phục của đồng bào Mông.
Bằng đôi tay khéo léo, phụ nữ Mông đã "se chỉ luồn kim", tao nên những hoa văn đặc sắc trên các bộ trang phục truyền thống.
Trao đổi với PV báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt, bà Sồng Thị Sai, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ kể: “Nghề dệt vải và thêu thùa đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của dân tộc Mông chúng tôi và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm hay bộ trang phục truyền thống, chúng tôi phải làm nhiều bước và nhiều công đoạn cầu kỳ. Việc làm này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ như trồng lanh, se sợi, in sáp, nhuộm chàm và bước cuối cùng là thêu thùa”.
Phụ nữ Mông thường thêu thùa vào thời gian nhàn rỗi. Họ được các bà, các mẹ truyền dạy kinh nghiệm thêu thùa từ lúc còn nhỏ.
Theo bà Sồng Thị Sai: Ngay từ khi còn nhỏ, phụ nữ Mông đã được các bà, các mẹ dạy cách khâu vá, thêu thùa. Vì theo quan niệm từ thời xưa, đàn ông là trụ cột gia đình phải gánh vác những việc lớn, còn phụ nữ chăm sóc gia đình. Khi còn ở tuổi thiếu nữ phải biết thêu thùa nhuần nhuyễn, để khi đi lấy chồng còn thêu thùa, khâu vá cho chồng. Nếu không biết thêu thùa, dệt vải thì người phụ nữ đó sẽ bị nhà chồng chê bai lười biếng và coi thường.
Các hoa văn thường thấy trên các bộ váy áo của người Mông là đường viền hình vuông, chữ thập, đinh; hình quả trám, tam giác...
Có thể nói nghề thêu thùa đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người phụ nữ Mông, tạo nên 1 nét đẹp văn hóa đặc sắc riêng biệt. Đối với người Mông, các hoa văn, họa tiết là yếu tố quan trọng nhất tạo nên vẻ đẹp trang phục. Mọi hoa văn ở đây đều rất mộc mạc, bắt nguồn từ các câu chuyện cổ, thơ ca về cội nguồn dân tộc, phong cảnh thiên nhiên nơi người Mông sinh sống, các loại cây trồng, vật nuôi và sản phẩm nông nghiệp quen thuộc. Các hoa văn thường thấy trên các bộ váy áo của người Mông là đường viền hình vuông, chữ thập, đinh; hình quả trám, tam giác, tròn, xoáy đơn, răng cưa, đường cong, hoa mận, hoa mơ...
Em Sồng Thị Thủy, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ cho biết: "Từ nhỏ em rất thích thêu thùa nên em đã bảo mẹ dạy thêu. Ở trong bản bằng lứa tuổi em bây giờ có rất ít bạn biết thêu, các bạn nói giờ có nhiều trang phục đẹp nên không cần biết thêu thùa. Em mong rằng sau sẽ có nhiều bạn nhỏ như em học thêu thùa để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình".
“Để có sản phẩm thêu thùa phải trải qua nhiều công đoạn, từ trồng đay, se lanh, dệt, nhuộm vải rồi thêu. Kỹ thuật thêu có 2 cách là thêu lát và thêu chéo mũi, cách thêu này tạo nét mềm mại, phóng khoáng, không bị gò bó như thêu luồn sợi, dựa theo thớ vải ngang, dọc mà các dân tộc khác thường làm.
Trước khi thêu, các họa tiết đều được vẽ tỷ mỷ bằng sáp ong tạo ra những nét hoa văn riêng biệt và đặc sắc, không hề lẫn lộn với các trang trí của dân tộc khác. Để tạo nên 1 bộ váy áo Mông bằng thêu thùa thủ công, chúng tôi phải mất 7 tháng. Vì chúng tôi thường thêu thùa vào thời gian nhàn rỗi, chứ không phải ngày nào cũng thêu.”, bà Sồng Thị Sai, bản Hua Tạt thông tin thêm.
Trước đây, các sản phẩm thổ cẩm thêu thùa của người Mông xã Vân Hồ chỉ phục vụ nhu cầu bản thân và gia đình, làm của hồi môn cho con gái khi lấy chồng. Ngày nay các sản phẩm thổ cẩm như váy, áo, khăn quàng, túi đeo điện thoại đã trở thành hàng hóa được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng khi đến Vân Hồ, Mộc Châu du lịch.
Ngày nay nghề thêu thùa truyền thống của đồng bào Mông ít phát triển hơn. Bởi giới trẻ đều ưa chuộng những bộ trang phục hiện đại, không còn mặn mà với các bộ trang phục, phụ kiện được thêu thùa thủ công truyền thống nữa. Dù vậy ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ vẫn còn rất nhiều gia đình truyền dạy cho con cháu thêu thùa và dệt vải như là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc, tuy không được thường xuyên như trước.
Đối với đồng bào dân tộc Mông ở xã Vân Hồ, thêu thùa là niềm tự hào, là bản sắc văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và gìn giữ phát huy giá trị văn hoa trong tương lai.
Những hình ảnh người phụ nữ Mông ngồi se lanh, thêu thùa trước hiên nhà, trên đường đi làm nương hay trên đường đi chợ đã trở thành nét độc đáo, tượng trưng cho sự cần cù, khéo léo của người phụ nữ vùng cao. |