Dân Việt

Hai cây thị nghìn năm bên chùa thiêng huyền bí lạ thường ở Phú Thọ

Đồng Niên 14/04/2020 10:59 GMT+7
Tiếng kệ, lời kinh bao năm vẫn vang vọng trên đỉnh Thủ Long (núi Đầu Rồng), “Lão Thị” nghìn năm tuổi vẫn ngày ngày quấn lấy thân đa tỏa bóng xanh mát, trấn giữ ngôi cổ tự linh thiêng mà thuở ấy Lý Nam Đế xưng vương...

Cô Chín dạy dân canh nông, dệt vải. Để rồi, uy nghiêm trên đỉnh non thiêng, chùa Cây Thị (khu 14, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) tĩnh mịch, huyền bí là nơi phật tử thập phương trao gửi niềm tin, nguyện ước, tịnh tâm giữa bao bộn bề, lo toan cuộc sống.

img

Chùa Cây Thị tọa lạc trên núi Thủ Long, khu 14, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Từ ngã ba Phú Hộ, chỉ cách chừng 2km là đến chùa Cây Thị. Tọa lạc trên đỉnh núi Thủ Long, chùa Cây Thị (hay còn gọi là Thiên Phúc Thiền Tự) là ngôi chùa cổ linh thiêng gắn liền với cuộc sống của người dân xã Phú Hộ bao đời nay.

Theo sơ lược lịch sử chùa Cây Thị, phía Bắc hương Phú Hộ trên núi Thủ Long thuở xưa có ngôi chùa Linh Bảo thờ Phật. Năm 512, Lý Bí được Pháp Tổ thiền sư, trụ trì chùa Linh Bảo đưa về nuôi dạy hơn 10 năm. Để nhớ công ơn nuôi dưỡng của Thầy tổ, sau khi xưng vương, Lý Nam Đế (Lý Bí) đã đổi tên chùa là Thiền Phúc.

Cũng theo sơ lược lịch sử này, dưới triều vua Lê, có người con gái tên Lý Thị Chín tới chùa tu hành, sớm hôm bầu bạn với lời kinh tiếng kệ, dạy dân khai khẩn đất để trồng chè, canh cửi ngày đêm, cắt thuốc chữa bệnh cho dân làng. Nhờ vậy, cuộc sống người dân trở nên sung túc, đủ đầy, tên gọi Phú Hộ (nghĩa là nhiều nhà giàu) cũng bắt nguồn từ đó.

img

Miếu thờ Cô Chín đồi chè được đặt dưới gốc cây Thị nghìn năm tuổi ở xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Sau này, để tưởng nhớ công lao của Lý Thị Chín, người dân trong vùng lập bà làm phúc thần, xây miếu thờ dưới cây Thị, nay gọi là “Miếu Cô Chín đồi chè”. Miếu được đặt song song với chùa, kể từ sau khi xây miếu, bên cạnh cây Thị mọc lên cây Đa quấn lấy nhau, xanh tốt đến tận bây giờ. 

Tương truyền trong dân gian, chùa được khai sơn tạo tự cách đây 1500 năm, trải qua bao dâu bể, những gốc tích giá trị văn hóa ngôi cổ tự khi xưa cũng mai một dần theo năm tháng. Đến nay, những chứng nhân lịch sử còn sót lại là các di tích cổ thụ lâu đời như hai “Lão Thị” nghìn năm tuổi, cây đa, cây sấu có niên đại trăm năm vẫn luôn xanh tốt, cho hương thơm thanh khiết, trái ngọt quanh năm, bao bọc ngôi chùa như những vị thần canh gác, trấn giữ chốn thiêng.

Theo quan niệm người dân nơi đây, hai cây Thị trên núi Thủ Long tượng trưng cho đôi mắt của rồng, cây Đa và cây Sấu ví như lông mi,  với ngầm ý sâu xa đôi mắt rồng luôn soi sáng, chở che, phù trợ cho dân làng đến muôn đời.

Qua lời kể của các bậc cao niên trong xã, chùa trước đây rất đơn sơ, diện tích khoảng 6.300m2.  Năm xưa, khi Đại đức Thích Đạo Huân về trụ trì tại chùa, đứng trước khung cảnh ngôi chùa cổ hoang hoải, Đại đức Thích Đạo Huân không khỏi xót xa, ông luôn đau đáu với mong muốn phục dựng lại ngôi chùa.

img

Chùa Cây Thị được thiết kế theo kiến trúc đặc trưng thời Lý với những đường nét, hoa văn rồng, phượng tinh xảo.

Trải qua bốn lần trùng tu, xây dựng, trong đó lần trùng tu gần nhất và quy mô nhất được hoàn thiện vào năm 2015, chùa Cây Thị đã khoác lên mình diện mạo mới, nguy nga và tráng lệ. Với khuôn viên rộng 1,5ha, ngoài tòa điện chính thờ Tam Bảo được vua Lý Nam Đế xây dựng trên nền ngôi chùa cổ thuở xưa còn có miếu thời Cô Chín đồi chè, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ và nhà Tăng.

Chùa được xây dựng dựa theo kiến trúc đặc trưng của thời Lý, từ kết cấu, mái ngói, đến đường nét, hoa văn rồng, phượng, mây, sóng, hoa sen, hoa cúc,… được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo đã cộng hưởng lên cảnh sắc ngôi chùa thâm nghiêm, huyền bí đến lạ thường.

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu xuân, du khách thập phương thường tìm đến viếng cảnh chùa, dâng hương, cầu an lành. Sau khi được trùng tu, xây dựng, chùa Cây Thị trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh của người dân xã Phú Hộ, điểm đến thiền tịnh của phật tử bốn phương.

Hằng năm, chùa thường tổ chức nhiều lớp giảng pháp cho hàng ngàn tăng ni, phật tử. Bà Nguyễn Thị Hợp, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ cho biết: “Chùa Cây Thị tồn tại lâu đời gắn liền với những huyền thoại xuyên suốt dòng chảy lịch sử dân tộc. Trải qua bao năm tháng, ngôi chùa không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng với người dân Phú Hộ mà còn là điểm tựa tinh thần, là nơi để phật tử gửi gắm niềm tin, nguyện ước, tịnh tâm trước bao bộn bề cuộc sống, rũ bỏ tham, sân, si, trần tục, hướng về cõi Niết bàn”.

Chiều muộn trên đỉnh Thủ Long, ngôi chùa thiêng mang vẻ đẹp cổ tịnh, huyền bí nép mình sau tán cổ thụ xanh mướt và làng quê thanh bình vẫn vang vọng tiếng kệ, lời kinh, trường tồn mãi ngàn đời…