Dân Việt

Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Giúp nông dân vượt bão dịch Covid-19

Thanh Bình – Thiên Ngân 16/04/2020 05:00 GMT+7
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 2555-TB/TU về Kết luận của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, Sở NNPTNT và các cơ quan liên quan về tình hình sản xuất nông nghiệp quý I/2020 của Hà Nội.

Giúp nông dân vượt khó khăn

Theo thông báo này, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh yêu cầu cần quán triệt rõ tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW về tam nông là vấn đề chiến lược; nông nghiệp, nông thôn có vai trò hết sức quan trọng, là bệ đỡ cho nền kinh tế và sự ổn định xã hội, nhất là trong bối cảnh khó khăn, khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 kéo dài.

Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, Sở NNPTNT, các đơn vị liên quan cần thực hiện quyết liệt hơn, phản ứng kịp thời và nhạy bén hơn; bám sát những chủ trương của Đảng, Thành ủy về nông nghiệp, nông thôn để có giải pháp ứng phó hiệu quả với những khó khăn phát sinh. Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xem xét lại kịch bản tăng trưởng, có giải pháp phát triển nông nghiệp trong bối cảnh giãn cách xã hội.

img

Gia đình chị Nguyễn Thị Xuyến (thôn Đổng Xuyên, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) trồng 4 sào bắp cải, thu nhập trung bình 7-10 triệu đồng/sào. Ảnh: H.V

Ngành nông nghiệp và các huyện, thị xã phải cơ cấu lại sản xuất, đẩy mạnh tái đàn lợn lên mức 1,8 triệu con và tăng cường sản xuất thêm rau, củ, quả nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của thành phố. Ngành nông nghiệp cần và có khả năng tăng trưởng khoảng 4,04% so với năm trước.

Ban Cán sự Đảng UBND thành phố khẩn trương chỉ đạo, rà soát lại tình hình sử dụng đất nông nghiệp; có cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể để sử dụng đất hiệu quả, tránh tình trạng bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất. Tăng cường đầu tư lĩnh vực nông nghiệp để giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc khu vực nông thôn; xem xét bổ sung một số dự án trong lĩnh vực nông nghiệp để tạo đà tăng trưởng…

Bí thư Thành ủy cũng giao Đảng đoàn HĐND thành phố xem xét, giải quyết sớm việc bổ sung tăng vốn ủy thác để Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hà Nội cho vay, giãn nợ cho người dân và doanh nghiệp giải quyết khó khăn, khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19.

Đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU xem xét, đề xuất tăng thêm nguồn lực cho cả đầu tư công, xây dựng nông thôn mới, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng đề nghị Hội ND thành phố tiếp tục phát huy sự chủ động, thiết thực trong việc giúp đỡ, hướng dẫn nông dân vượt qua khó khăn. Trong đó, tập trung hướng dẫn nông dân xây dựng phương án sản xuất, kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp, ngân hàng; đẩy mạnh khai thác nguồn vốn giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, tín chấp vay vốn Ngân hàng CSXH, NNPTNT; đổi mới mô hình tổ chức sản xuất…

img

Thu hoạch rau xà lách tại một trang trại trồng rau thuỷ canh trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Thiên Ngân 

Chú trọng tiêu chí thu nhập

Mới đây Sở NNPTNT đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã chỉ đạo các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2020 đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành phố xem xét công nhận (đợt 1 trước ngày 30/6/2020 và đợt 2 trước ngày 10/12/2020).

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, trong quý I/2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt 51,5 triệu đồng/người/năm.

Các huyện có thu nhập bình quân của người dân cao như: Thạch Thất 63 triệu đồng/người/năm, Đông Anh: 60 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức: 55 triệu đồng/người/năm, Đan Phượng 53,8 triệu đồng/người/năm... Nhờ vậy, so với bộ tiêu chí về xây dựng NTM, đến nay, toàn thành phố có 367 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về thu nhập, còn 15 xã chưa đạt.

Để giảm hộ nghèo, ngân sách thành phố đã bố trí trên 8.500 tỷ đồng, trong đó hơn 2.500 tỷ đồng ủy thác sang Ngân hàng CSXH thành phố để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xây dựng nhà ở...; gần 5.000 tỷ đồng thực hiện chính sách cho người nghèo, hộ nghèo.

Qua rà soát cho thấy, thành phố đã đầu tư 1.050 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng các xã dân tộc, miền núi. Với nguồn lực đầu tư lớn, đến nay Hà Nội đã có 371 xã đạt và cơ bản đạt, còn 11 xã chưa đạt tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng NTM.

Về tiêu chí lao động có việc làm, lãnh đạo Sở NNPTNT cho biết, tỷ lệ thất nghiệp chung của Hà Nội chỉ còn 1,7%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 98,3% vượt mục tiêu đề ra đến hết năm 2020 (đạt 95%). So với Bộ tiêu chí về xây dựng NTM, đến nay, toàn thành phố có 381 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí này. Còn 1 xã Ba Vì của huyện Ba Vì chưa đạt.

“Đáng chú ý, trong tổ chức sản xuất, các HTX trên địa bàn đã có nhiều đổi mới, nhiều HTX đã làm tốt các khâu dịch vụ thiết yếu, phục vụ nhu cầu sản xuất của các hộ xã viên và nhân dân. Nội dung đề án củng cố của nhiều HTX đã tập trung vào việc mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh mới để nâng cao đời sống cho thành viên…”- ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội thông tin.