Theo khảo sát của hệ thống giá tại một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa gạo hôm nay 14/4 tại một số địa phương vẫn ở mức tốt nhờ đầu ra thuận lợi. Cụ thể, giá lúa tươi IR50404 trên địa bàn xã Long Mỹ (Châu Thành, Hậu Giang) đạt 5.400 đồng/kg; lúa OM18 giá 5.800 đồng/kg; lúa ST24 giá 8.200 đồng; giống lúa OM 6976 có giá 5.800 đồng; giống Đài thơm 8 giá 6.000 đồng/kg; thơm RVT giá 7.400 đồng/kg.
Giá lúa khô IR50404 hiện ở mức 6.300 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 giá 7.000 đồng/kg; thơm RVT đạt 8.500 đồng/kg; OM5451 giá 7.000 đồng/kg.
Tại TP Bến Tre (tỉnh Ben Tre), giá lúa khô IR50404 cũng ở mức 6.300 đồng/kg; lúa OM4218 có giá 5.800 đồng; OM6976 giá 6.500 đồng/kg; lúa OM5451 giá 6.500 đồng/kg; lúa ST giá 8.800 đồng/kg.
Nông dân các tỉnh ĐBSCL phấn khởi vì giá lúa gạo đang tăng, tuy nhiên bà con cũng không khỏi lo lắng trước tình hình dịch Covid-19 kéo dài, có thể gây biến động đến thị trường xuất khẩu gạo. Ảnh minh hoạ: I.T
Được tin Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu gạo trong tháng 4 năm nay, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo và nông dân ở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vô cùng phấn khởi, đồng thời tạo điều kiện giải quyết hết lượng hàng tồn kho tại cảng.
“Chính phủ cho xuất khẩu lại tôi cho là hợp lý, lý do là vùng ĐBSCL đang vào mùa vụ chính lúa đông xuân. Tuy có hạn mặn nhưng lúa được mùa được giá, người nông dân và doanh nghiệp rất phấn khởi. Giá gạo lên là do giá ở thế giới lên, đây là cơ hội cho doanh nghiệp - nông dân bán được giá tốt. Tôi thấy nên cho xuất khẩu lại, có kiểm soát nhẹ là hợp lý”, ông Võ Quốc Hưng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Đạt (Châu Thành, Tiền Giang) cho biết.
Ở thời điểm này, giá lúa gạo ở Tiền Giang chưa biến động nhiều so với tháng trước nhưng tăng so với năm ngoái. Giá gạo IR50404 đang ở mức 9.700 đồng/kg, gạo chất lượng cao giá từ 10.500 đồng đến 10.800 đồng/kg; riêng giá lúa ổn định.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá lúa gạo tại tỉnh Tiền Giang tăng khoảng 20%, với mức giá này nông dân có lãi trên 30%.
Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, hiện nguồn gạo dự trữ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là trên 50.000 tấn. Trong đó, tại 4 doanh nghiệp lớn là: Công ty TNHH Phước Đạt, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty Cổ phần Mỹ Tường và Công ty TNHH Việt Hưng là khoảng 40.000 tấn.
Bên cạnh đó, tại huyện Cái Bè còn có một lượng gạo lớn từ chợ đầu mối lúa gạo Bà Đắc với trên 70 doanh nghiệp xay xát, lau bóng gạo và trong Cụm công nghiệp An Thạnh có trên 29 doanh nghiệp có kho, với sức chứa trên 45.000 tấn.
Trong khi đó, giá lúa tại Bạc Liêu cũng đã tăng từ 100 - 150 đồng/kg so với tháng 3. Được biết, đến thời điểm này bà con nông dân huyện Phước Long và Hồng Dân của tỉnh này đã thu hoạch 16.000/47.544ha lúa đông xuân sạ sớm, năng suất từ 7,5 - 8,5 tấn/ha; còn khoảng 31.000ha lúa đông xuân chính vụ đang thu hoạch từ nay tới hết tháng 4.
Bà con cho biết, trước thời điểm thu hoạch lúa vụ này có thông tin ngưng xuất khẩu gạo, khiến giá lúa giảm ngay 200 đồng/kg, tâm lý ai cũng lo lắng. Ngay khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại thì giá lúa Đài thơm đã tăng lên 5.900 - 6.000 đồng/kg, tăng khoảng 100 - 150 đồng/kg. Với mức giá hiện nay, nông dân trồng lúa thu lãi gần 30 triệu đồng/ha.
Trên thị trường thế giới, giá lúa mì vụ thu hoạch mới tại Nga đã tăng 4 USD lên 202 USD/tấn. Thời tiết khô làm tăng rủi ro đối với vụ thu hoạch ngũ cốc sắp tới, đồng thời do các đơn hàng xuất khẩu được hạn chế và do đồng RUB tăng mạnh so với đồng USD.
Romani tuần trước đã cấm xuất khẩu ngũ cốc tới các điểm đến ngoài EU đến giữa tháng 5/2020, để đáp ứng nhu cầu nội địa trong bối cảnh virus corona bùng phát.
Ukraine thì đồng ý với các thương nhân xuất khẩu một lượng lúa mì tối đa, trong khi Nga áp đặt hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc giai đoạn tháng 4 đến tháng 6.
Giá lúa mì Nga xuất khẩu khu vực Biển Đen loại 12,5% protein tăng 3 USD lên 225 USD/tấn FOB, công ty tư vấn SovEcon.
Theo các chuyên gia thương mại, những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như lúa gạo, rau quả tươi, thuỷ sản… thị trường thế giới vẫn cần, thậm chí chỉ cần dịch Covid-19 bớt đi thì nhu cầu sẽ nhiều hơn cả thời gian trước dịch. Nếu Việt Nam chế biến được các mặt hàng như rau quả, thủy sản… thành sản phẩm đông lạnh, đóng hộp thì sẽ càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thế giới sau mùa dịch bệnh. |