Dân Việt

Ở đây nuôi được loài cá cam khổng lồ Nhật Bản nhờ có "đồng minh"

Hải Đăng 20/04/2020 07:00 GMT+7
Cá cam (Yellowtail hay amberjack) rất được ưa chộng cho món sashimi, sushi, nigiri, hay các công thức của người Peru như ceviche và tiraditos. Hiện tại, người nuôi cá cam đã tìm thấy cho mình một đồng minh tuyệt vời. Đó là các hệ thống RAS, công nghệ vô cùng thích hợp, hay thậm chí hoàn hảo, để nuôi loài này trên đất liền.

Ngoài ra, kể từ khi được nuôi bằng các hệ thống khép kín, chất lượng thịt cá cam còn trở nên rất đảm bảo, ít hoặc không hề bị ký sinh trùng, lý tưởng để ăn sống.

img

Sushi cá cam rất được ưa chuộng tại Nhật Bản và nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: One Sushi & Grill.

Nhận rõ tiềm năng này, một số nhà nuôi cá cam trên khắp thế giới đã đầu tư hàng triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất, và đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của một thị trường có nhu cầu đang không ngừng tăng trưởng.

Các hệ thống RAS để nuôi Seriola lalandi (một giống cá cam phổ biến nhất thế giới)đang ngày càng chứng tỏ được tính bền vững. Một số tổ chức phi lợi nhuận (NPO) như Monterey Bay Aquarium, mới đây đã chọn cá cam nuôi (bằng công nghệ RAS) làm “Best Choice” (lựa chọn tốt nhất) trong danh mục “Green List” (sản phẩm xanh) thuộc chương trình Seafood Watch Program (theo dõi thủy sản); hay Good Fish Foundation cũng đề cử cá cam nuôi là “Green Choice” (lựa chọn xanh).

Tăng cường năng lực

Từ năm 2016, một nhóm chuyên gia tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Thuỷ sản Argentina (The Argentinian Institute for Fisheries Research, viết tắt là INIDEP trong tiếng Tây Ban Nha) đã bắt đầu nuôi S. lalandi. Cả bốn người Facundo Bernatene, Pablo Javier Martínez, Pedro Camilo Menguez và Mariano Spinedi đều rất giàu kinh nghiệm, đam mê, và đã làm việc không ngừng nghỉ trong dự án nuôi cá cam bằng công nghệ RAS.

Chỉ trong 2 năm, họ đã ương giống thành công từ trứng tại Mar del Plata (thành phố nằm cạnh Buenos Aires, thuộc ven bờ Đại Tây Dương của Argentina).

img

Trại nuôi cá cam theo tiêu chuẩn RAS của Kingfish tại Hà Lan.

Facundo Bernatene, người phụ trách nhân giống S. lalandi, đã gọi sáng kiến này là dự thuỷ sản sáng tạo và giàu tham vọng nhất từng được thực hiện trên khắp cả nước.

“Tới giờ, chúng tôi đã có một bầy cá giống mới từ những cá thể nuôi nhốt cho sinh sản và đẻ trứng chủ động”, Bernatene cho biết. “Sau cùng, để chứng minh tính khả thi của khái niệm (proof of concept), chúng tôi đã tổ chức một thử nghiệm chính thức với sự tham gia của các đầu bếp chuyên nghiệp, những người sẽ nếm và đánh giá chất lượng cá cam bằng cảm quan của họ,” ông nói.

Bên kia dãy Andes (cao nhất bên ngoài châu Á), công ty Acuinor cũng tiến hành một dự án tương tự ở Chile trước vài năm. Sau chưa đầy 10 năm, họ đã thành công với chương trình bảo tồn nguồn gene cá giống trong hệ ương nuôi trên bờ. Cá hiện đang đẻ trứng đều đặn hàng tuần, cho thu hoạch 10 tấn (năm 2018) và gần gấp đôi (năm 2019).

Với một cơ sở RAS trị giá 4 triệu USD, Acuinor kỳ vọng sẽ nâng sản lượng cá cam nuôi lên 120 tấn vào năm 2020, và 175 tấn (năm 2021). Chưa hết, công ty Chile này còn đang không ngừng tìm cách mở rộng quy mô đàn cá giống và bán cá bột (loại 1 gram), từ 250.000 con (năm 2018) lên 400.000 (năm 2020).

Trước đó vài năm, Kees Kloet từ công ty Silt BV (Hà Lan), và Bent Urup từ Aqua-Partners ApS (Đan Mạch), gần như cùng lúc cũng thông báo mở rộng hoạt động nuôi thương mại S. lalandi bằng công nghệ RAS, thông qua hai dự án Kingfish Zeeland (ở Hà Lan), và Sashimi Royal (ở Đan Mạch). Cơ sở Sashimi Royal nằm gần cảng Hanstholm, hiện đang cung cấp gần 1.200 tấn cá mỗi năm, bắt đầu xuất hiện trên thị trường từ 2017.

 “Sau hai năm nuôi cá cam, chúng tôi đã thực hiện một số điều chỉnh, về mặt phương pháp, nhằm đạt được hiệu quả sinh trưởng và phúc lợi cá nuôi tốt nhất,” website của công ty tuyên bố.

Trong khi đó, với sản lượng hiện tại gần 520 tấn/năm, trại nuôi Kingfish Zeeland dự kiến sẽ được mở rộng lên quy mô 1.000 tấn (năm 2019) và 4.000 tấn (năm 2020). Trao đổi với tạp chí Hatchery International (đơn vị liên kết của RAStech), Kloet cho biết công ty còn đang lên kế hoạch xây dựng một cơ sở nữa tại Mỹ (xem ‘Yellowtail borne from research to RAS’, Hatchery International, tập 20, kỳ 2).

Ngoài ra, với sản lượng hàng năm gần 6.000 tấn, Clean Seas tại Úc hiện là nhà sản xuất cá cam lớn nhất bên ngoài Nhật Bản – nơi chỉ riêng ba loài S. quinqueradiata, S. dumerili và S. lalandi đã đóng góp tới 180.000 tấn/năm.

img

Facundo Bernatene (ngoài cùng bên trái) cùng nhóm của ông tại INIDEP.

Công nghệ và nhân lực

Trong khi trại RAS trên diện tích 5.000 m2 của Kingfish Zeeland được trang bị công nghệ của Billund Aquaculture; Sashimi Royal lại đặt niềm tin vào giải pháp của công ty chị em Maximus. Họ đã sản xuất cá giống suốt 25 năm qua tại một cơ sở khép kín rộng 3.000 m2 (bể ngoài trời có thể tích lên tới 35.000 m3), nhờ nguồn nước sạch và môi trường được kiểm soát nghiêm ngặt.

Các chuyên gia Argentina đã tự thiết kế hệ thống RAS của mình. “Chúng tôi đã dõi theo sự phát triển của công nghệ RAS trong suốt hơn 15 năm, và khi thế giới đang đón nhận thế hệ thứ 3 thì chúng tôi xác định đây cũng chính là cơ hội của mình,” Bernatene nói.

 “Đóng góp cơ bản vào sự tiến hóa này là công nghệ màng vi sinh dính bám trên giá thể tự do (MBBR). MBBR là một tiến trình hỗn hợp và hoàn chỉnh, cho dòng chảy liên tục, ổn định, với hiệu suất tốt hơn trên từng m3, ưu tiên loại bỏ chất rắn mà không để lại vùng chết, và cũng không cần rửa ngược (backwash) định kỳ. Ngoài ra, nó còn cho phép người vận hành làm việc với các hệ thống áp lực thấp lẫn giảm thiểu chi phí năng lượng,” Bernatene lý giải.

Người chịu trách nhiệm nhân giống cá cam còn chỉ ra loài này có tỷ lệ sinh trưởng tốt, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) tuyệt vời, cực kỳ phù hợp để nuôi trong các hệ thống RAS ở mật độ dày.

Acuinor cũng tự thiết kế hệ thống RAS của riêng mình. “Chúng tôi đã vận dụng những tri thức tích lũy được sau nhiều năm, hiểu rõ về tập tính, nhu cầu, … của loài cá cam, để xác định các điều kiện tối ưu, bao gồm ánh sáng, nhiệt độ, dinh dưỡng, …” Muriel Teixido, nhà quản lý phụ trách hoạt động phát triển tại Acuinor, cho biết.

img

Con giống cá cam.

Tuy nhiên, những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nhân lực có kỹ năng đòi hỏi các nhà sản xuất cá cam bằng công nghệ RAS ở Nam Mỹ phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Lấy ví dụ, cả Argentina hiện chưa có chương trình đào tạo cử nhân nuôi trồng thủy sản nào đúng nghĩa.

 “Những tri thức và kỹ năng mà chúng tôi có là do được đào tạo ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile, Brazil, … cùng kinh nghiệm tích lũy hơn 15 năm, cho nên mới có thể thiết kế hệ thống RAS để nuôi cá biển bền vững,” Bernatene chia sẻ.

Còn Chile, mặc dù nổi tiếng vì có một ngành công nghiệp thủy sản khá phát triển theo chiều sâu – nhất là nuôi cá hồi, nhưng đối với cá cam, công nghệ sản xuất con giống ở nước này hiện mới chỉ đang ở giai đoạn sơ khai và cần được quan tâm thúc đẩy hơn nữa – Teixido của Acuinor cho biết. Bởi vì lĩnh vực này rất đặc thù, đòi hỏi nhiều tri thức và kỹ thuật chuyên môn. “Cho nên, chúng tôi phải đào tạo thêm nhiều nhân lực và cộng tác viên,” bà nói.

Một trở ngại lớn nữa đối với các nhà sản xuất cá cam là chất lượng thức ăn. Chẳng hạn như Kingfish Zeeland, lúc đầu chủ trương sử dụng thức ăn hữu cơ 100%, song không thể đảm bảo chất lượng, vì thế họ đã phải chuyển sang thức ăn hỗn hợp (40% hữu cơ).

Các chuyên gia Argentina đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều nơi trên thế giới về thức ăn cho cá cam nuôi trong hệ thống RAS, kết hợp với điều kiện thực tiễn. “Dựa vào nguồn thức ăn tươi sống sẵn có và phong phú, chúng tôi đã xây dựng một công thức riêng cho loài này,” Bernatene nói.

img

Ấu trùng cá cam.

Thức ăn được sản xuất nhờ sự hợp tác với một trong ba công ty thức ăn cho cá nước ngọt lớn nhất Argentina là Paku Téko tại tỉnh Chaco.

 “Gần đây, tuy thức ăn công nghiệp bị thiếu hụt, nhưng chúng tôi vẫn có thể dựa vào nguồn thức ăn tươi sống tại Argentina với chất lượng tuyệt vời, chẳng hạn bột cá và dầu cá thu gom từ các nhà máy chế biến ở địa phương. Nói cách khác, chúng tôi đang tận dụng phụ phẩm hay phế thải của ngành thủy sản để nuôi loại cá hảo hạng,” ông nói.

Mặc dù Chile có nguồn cung thức ăn thủy sản khá đầy đủ, nhất là cho ngành nuôi cá hồi, nhưng điều đó không bao gồm cả cá cam.

 “Do sản lượng hiện vẫn ở mức thấp, cho nên nó chưa đủ để hấp dẫn những nhà sản xuất thức ăn,” Teixido cho biết. Đó là lý do tại sao Acuinor vẫn đang phải tự tìm cách đảm bảo nguồn thức ăn cho dự án nuôi cá cam của mình. “Chúng tôi đang cố gắng cải thiện chế độ ăn của cá, đó là công việc đòi hỏi thời gian và sự sáng tạo, cùng với sự phát triển của ngành này,” bà nói.

Tác giả:Christian Pérez-Mallea