Dân Việt

Cà Mau: Vườn dâu chi chít trái chín vàng sẵn sàng đón khách

Thảo Mơ 21/04/2020 19:30 GMT+7
Năm nay, người trồng dâu ở huyện U Minh (Cà Mau) vừa mừng, vừa lo. Mừng vì dâu ra trái sum suê, một nửa vườn dâu trái đã chín ngọt. Lo vì không biết khi nào mới qua dịch Covid-19 để đón khách vào vườn.

Đậu xe bên lộ, đi qua cây cầu có cái hàng rào, cổng khoá trái, gọi ơi ới mới có chủ nhà ra mở. Ông Phạm Văn Khởi (Ấp 15, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) dò hỏi coi “dân ở đâu tới” mới dẫn vô nhà vì đang chống dịch. Vườn dâu da xanh 120 cây đang trổ trái đều, cỡ ngón tay cái người lớn.

img

Vườn dâu của ông Ba Liêm đã trĩu quả, chờ du khách đến thăm khi qua mùa dịch Covid-19.

Ông Khởi bộc bạch: “Nắng quá, tưới không đủ nước nên trái chỉ đạt 20% so với lúc trổ bông. Năm trước, ngày này, tháng này là mưa lai rai rồi, nước dưới kênh, dưới ao cao ngang lưng quần. Còn năm nay thì nước không qua mắt cá chân, phèn trong veo, tưới nước này cây càng mau chết, nên phải kéo đường ống nước máy cầm cự cho cây dâu ráng tới mùa mưa”.

Trồng dâu như... “làm dâu”

Ông Khởi nói, trồng dâu hơn 25 năm, mà chỉ thấy được từ lúc dâu ra bông cho đến trái chín được 3 lần. Cũng như mùa dâu năm trước, đơm bông, kết trái nhưng lại không có ruột.

Vậy là cùng với 5 hộ dân có vườn dâu ở ấp này, vườn dâu nhà ông Khởi không mở. Có 2 đợt là năm 2014 và 2018 thì mở cửa đón khách vào vườn. Mỗi lần đón khoảng 800 khách/ngày, ngay dịp 30/4 hơn 1.000 khách/ngày.

Ông Khởi nhẩm tính: “Mỗi vé người lớn là 25.000 đồng, mở vườn dâu đón khách lợi nhuận gấp 10 lần so với bán trái. Mà mở được 1 tuần lễ là vườn dâu hết trái, trừ chi phí cũng lời gần 100 triệu đồng. Mới kết trái mà có mưa lai rai thì trái dâu mới lớn, mới ngọt được. Năm nào cũng có người ghé hỏi tham quan vườn dâu, nhưng không phải năm nào mùa dâu cũng đặng...".

Theo ông Khởi, cứ cách mấy năm dâu mới đậu trái một lần, khi nào có dâu chín thì ông mới mở cửa đón khách du lịch được. Năm nay, dù thiếu nước nhưng trái lại đậu nhiều hơn năm 2018. Cuối tháng này là trái dâu chín rộ, nếu qua được dịch bệnh này là có thể đón khách vào vườn tham quan.

Còn giữ lại giống dâu Cái Tàu trên đất vườn gần 20 năm nay, mặc cho hàng xóm đã lấy nước mặn vào nuôi tôm nhưng bà Bùi Thị Diễm Trang (Ấp 15, xã Nguyễn Phích) vẫn dành hết tâm huyết chăm sóc cho dâu ra trái. Vốn là người ở Long An, tốt nghiệp Đại học Nông lâm, bà Trang làm việc cho công ty sản xuất thức ăn Cám con cò ở Cần Thơ.

Sau khi về hưu, bà theo chồng về U Minh. Say mê vườn cây ăn trái, bà Trang đem kinh nghiệm ra thử sức trên vùng đất phèn này. 2 năm đầu bà về, đất phèn đến nỗi cỏ mọc không nổi, phải đưa cơ giới vào đào mương, rải phân xả phèn. Vậy mà trồng cây dâu giống xuống đất 2 lần vẫn chết. Lần thứ 3, mua giống dâu Cái Tàu ở Trung tâm Giống Cà Mau về trồng, cây mới chịu bén rễ. Cây cách cây, hàng cách hàng 6 m. Sau 6 năm thì cây cho trái.

“Đúng là trồng dâu hên xui lắm, hên thì năm nào cũng có trái, xui thì có năm bị sương muối, bông rụng không ra trái hoặc có năm ra trái nhưng không có ruột. Nhưng hồi đó giống dâu Cái Tàu dễ trồng, sai trái lắm. Nhớ có năm thứ 8, dâu ra trái chín vàng, không thấy thân cây đâu, chỉ toàn là trái.

Vì giống dâu này vốn đã có ở U Minh cả trăm năm trước rồi, nên quen đất. Trung bình 1 cây cho khoảng 100 kg trái. Nhưng năm nay trời hạn quá đỗi, tui phải lắp giàn ống nước tưới hàng ngày cho 65 gốc dâu, để giữ cho được mùa dâu này. Mong sao cho mau qua dịch mới đón khách vào vườn tham quan”, bà Bùi Thị Diễm Trang chia sẻ.

Dâu Cái Tàu: "Đất nhớ, người thương"

Dâu Cái Tàu, mỗi năm chỉ có 1 mùa. Khi mưa năm trước vừa dứt, dâu đơm bông, kết trái hết 6 tháng mùa khô, đến khi vừa có hột mưa năm sau rơi xuống thì trái dâu vừa chín. Mà cũng chưa chắc mấy đứa con nít hàng xóm có trái dâu ăn. “Khó tính” vậy mà gần chục hộ dân ở xã này vẫn còn tiếc, còn thương nên giữ lại vài cây sau nhà.

img

Những cây dâu mang tên dâu Cái Tàu mà bà Trang còn giữ lại trong vườn.

Người Cà Mau ở huyện khác, ở thành thị cũng tò mò đi cho biết vườn dâu. Một đồn mười, mười đồn trăm, người người rủ nhau về xứ dâu Cái Tàu. Nhờ vậy mà có những người tâm huyết như ông Khởi, bà Trang, ông An ở Ấp 15 khôi phục và giữ lại những vườn dâu cả trăm gốc.

Hay như ông Ba Liêm (Trần Thanh Liêm, Ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) cũng thấy được tiềm năng du lịch từ cây dâu nên ông lên tận Viện Cây ăn quả miền Nam tại Tiền Giang để mua giống dâu da xanh và dâu bòn bòn da vàng về trồng. Hiện đã có hơn 100 gốc dâu 5 năm tuổi cho trái 2 mùa.

Qua nghiên cứu, thực hiện, ông Ba Liêm cho rằng, để dâu đậu trái và không bị lép (trái không ruột) thì người trồng cần xen thêm cây dâu đực với tỷ lệ khoảng 10 cây dâu cái 1 cây dâu đực, hoặc tháp 1 nhánh dâu đực vào thân cây dâu cái. Đến mùa trổ bông, các loài ong bướm sẽ thụ phấn hoặc phấn từ bông cây dâu đực sẽ bay theo gió rơi vào bông cây dâu cái để hấp thụ, nhưng thụ phấn tự nhiên thì tỷ lệ thành công không cao.

Còn phương pháp thụ phấn chủ động bằng cách thu bông từ cây dâu đực, sơ chế lấy nhuỵ bông, lọc lại hoà với nước cho vào bình xịt để phun lên cây cái mới ra hoa. Có thể trước khi phun pha thêm chất dẫn dụ hoặc nước đường để thu hút côn trùng, tăng khả năng thụ phấn cho bông cái. Cũng như cách thụ phấn cho bông bí, muốn cho trái thì lấy nhuỵ bông đực úp lên bông cái.

Ông Ba Liêm cho biết thêm: “Dâu là cây đơn tính, vì vậy không thể tự thụ phấn ra trái mà phải có tác động bằng cách thụ động theo tự nhiên hoặc chủ động của con người. Như vậy mới làm tăng khả năng đậu trái nhiều hơn và không sợ trái dâu bị lép. Còn trường hợp khi có sương muối làm hạn chế khả năng đậu trái, ngay sau đó phải phun nước lên dâu để rửa đi lớp sương muối đó. Trong các yếu tố thì thụ phấn là quan trọng nhất để quyết định khả năng đậu trái. Bên cạnh đó, phải bổ sung phân để cân đối dinh dưỡng cho dâu làm ruột”.

Qua 2 mùa, vườn dâu của ông Ba Liêm đạt năng suất trung bình 100 kg/cây. Chi phí điện, nước tưới cho 3 ha vườn cây ăn trái, trong đó có hơn 100 gốc dâu không dưới 2 triệu đồng/ngày.

Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Trần Quốc Sự chia sẻ: “Dâu Cái tàu vừa là đặc sản, vừa là nét đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, do chuyển dịch cơ cấu sản xuất, người dân ở khu vực ven sông Cái Tàu đưa nước mặn vào nuôi tôm nên diện tích vườn dâu giảm rất nhiều. Vốn dĩ bà con ở đây trồng dâu không phải để bán trái mà chủ yếu làm du lịch. Qua nắm bắt nguyện vọng và nhu cầu phát triển tiềm năng du lịch của bà con, chúng tôi đã vận động khôi phục lại vườn dâu Cái Tàu, bà con đồng tình rất cao, tiến hành trồng lại, đến nay diện tích dâu trên địa bàn xã trên 75 ha”.

Không có quả ngọt nào mà không trải qua đắng cay, vất vả. Hàng chục năm trước, để mời gọi người phương xa về với xứ U Minh, nông dân đã biết trồng dâu để làm du lịch. Thì nay, với dự án phát triển du lịch vườn dâu, sẽ tân trang lại bằng diện mạo mới, không chỉ là thưởng thức, tham quan mà còn gắn với các hoạt động trải nghiệm, khám phá và tìm hiểu, để bất cứ ai đến đây một lần sẽ nhớ mãi hương vị trái dâu, nhớ đất và người U Minh.