Dân Việt

Dịch Covid-19: Doanh nghiệp du lịch "thoi thóp" chờ hỗ trợ

Minh Thi 22/04/2020 11:02 GMT+7
Tạm thời “ngủ đông” chờ hết dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành thoi thóp sống qua ngày. Chờ đến thời hạn nhà nước gỡ bỏ giãn cách xã hội, cũng là lúc các DN du lịch tìm cách hồi phục.

90% doanh nghiệp lữ hành tạm ngưng hoạt động

Theo một khảo sát mới nhất của Hội đồng Tư vấn du lịch, trong quý 1/2020, hàng trăm công ty du lịch đóng cửa, tê liệt vì không kiếm được đồng nào. 20% DN phải cắt giảm toàn bộ 100% nhân viên. Thậm chí, gần 10% DN đã phải đóng cửa kinh doanh.

Riêng ở TP.HCM, con số mà Sở Du lịch đưa ra là lượng khách quốc tế đến TP.HCM đã giảm 84%, doanh thu giảm 71% so với cùng kỳ năm 2019. 90% doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động.

img

Chợ Bến Thành bao giờ trở lại đông khách du lịch như trước đây. Ảnh: M.T

Nói về khó khăn khi mở cửa kinh tế trở lại, ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc công ty CP Du lịch Tân Thế Giới (New World Travel), cho biết: “Hiện chúng tôi hoạt động cầm chừng, chủ yếu là triển khai các dịch vụ lẻ cho khách mua voucher, combo  khách sạn và vé máy bay cho hết năm 2020, hoặc 1 số khách hàng đã đặt tour trước lễ 30.4 nay sẽ dời sang thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, việc tổ chức cho đoàn hiện tại không có, chỉ theo dạng cá nhân, gia đình lẻ tẻ. Sau dịch Covid-19, kinh tế chưa được phục hồi nên việc tổ chức cho nhân viên du lịch chưa khả thi”.

Cũng theo ông Tùng, có thể ngành du lịch phục hồi vào quý 4 hoặc sang năm. Tuy nhiên, nhiều DN còn gặp khó. Công ty mong được vay vốn ngân hàng với mức lãi suất hỗ trợ. Trước đây, các DN có vay ký quỹ ở ngân hàng là 500 triệu đồng để tổ chức du lịch quốc tế, nhiều công ty muốn lấy lại một phần nhưng không lấy được. Tổng Cục Du lịch đang đề xuất để các DN có thể vay lại một phần số tiền đó.

"Trong tình hình này, công ty to chết kiểu to, bé chết kiểu bé. Có nhiều công ty đặt vé booking cả năm, nhưng khi gặp dịch Covid-19, hãng hàng không không trả tiền cho họ, đấy cũng là vấn đề chết dở của công ty du lịch. Hãng hàng không cũng còn thiệt hại nhiều hơn", ông Tùng chia sẻ.

img

Quang cảnh phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) vắng tanh trong mùa dịch Covid-19.

Còn theo ông Hoàng Đức Huy,  CEO Công ty TransViet (Trần Việt), để khôi phục tình hình du lịch sau dịch Covid-19,  cần thiết kích cầu du lịch nội địa, đẩy mạnh mảng du lịch giải trí trong nước. Dự kiến các chương trình kích cầu sẽ khởi động vào khoảng tháng 6, với nhiều sản phẩm độc lạ, và tạo ra giá tốt hơn để thu hút khách.

“Về mức giá vé, chúng tôi có kế hoạch đặt trước với ngành hàng không cả năm nên không bị ảnh hưởng về chuyện giá tăng hay giảm. Trước đây, công ty từng có tour mở trại hè trong rừng, khi đảm bảo an toàn thì sẽ mở  lại. Trước mắt, chúng tôi chọn những điểm đến xác định an toàn, ngay khi nhà nước gỡ bỏ giãn cách xã hội. Dù có nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn phải làm”, ông Huy nhấn mạnh. 

Còn theo bà Đoàn Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Saigontourist Group, hiện nay công ty đang bám sát chỉ đạo của Chính phủ về giãn cách xã hội. Khi Chính phủ cho phép du lịch đến địa phương nào, công ty sẽ triển khai ngay sản phẩm kích cầu phù hợp.

DN mong chờ giảm các loại thuế

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch HĐQT Lửa Việt, nhận định: “Chúng tôi cũng không biết được khi nào ngành du lịch phục hồi trở lại. Kể từ sau đại dịch Covid-19, các ngành chứ không riêng lĩnh vực du lịch cần thay đổi nhiều thứ. Nhưng hãy tin là còn sống, người ta còn đi chơi, quan trọng là mỗi công ty có một chiêu thức riêng để sống sót".

Cũng theo ông Mỹ, đại dịch là một phép thử, DN hơn nhau ở tầm nhìn và sức chịu đựng. Lối làm du lịch ăn xổi sẽ không còn nữa. Covid-19 thay mặt thanh tra sàng lọc các công ty lớn nhỏ, DN có khả năng chịu đựng thì vượt qua, còn DN nhỏ mà không thay đổi thì bị loại khỏi cuộc chơi.

img

Các DN du lịch mong tiếp cận nguồn vay ngân hàng để khôi phục hoạt động, thu hút du khách trở lại như trước khi có dịch Covid-19. Ảnh: Đình Việt

Theo nhiều chuyên gia du lịch, các DN hiện khó tiếp cận nguồn vay ngân hàng và phải có tài sản thế chấp. Chủ trương ngân hàng giảm, miễn lãi suất lại khó đến với DN vừa và nhỏ. Mong muốn của DN  hiện nay là được Nhà nước hỗ trợ ở 3 điểm: Thứ nhất, giảm thuế VAT cho các DN từ đây đến cuối năm; thứ hai, miễn 50% thuế thu nhập DN; thứ ba là giảm thuế TNCN đến 50%. Đó là cách hỗ trợ, động viên cụ thể, thiết thực đối với doanh nghiệp.

Đến thời điểm hiện nay, Sở Du lịch TP.HCM đã tổng hợp danh sách 31 doanh nghiệp lữ hành và khách sạn bị thiệt hại sản xuất kinh doanh do dịch bệnh Covid-19 gây ra có nhu cầu vay vốn.

Giám đốc Sở Du lịch Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ: "Sở Du lịch chuẩn bị chính sách thúc đẩy du lịch phát triển ngay sau khi dịch bệnh kết thúc. Bên cạnh việc  rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh của các DN kinh doanh du lịch và đề xuất UBND TP.HCM giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN. Trong đó tập trung các nhóm giải pháp như đề nghị giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế…; đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch".

img

Sở Du lịch TP đang nghiên cứu các giải pháp để chuẩn bị khôi phục du lịch sau dịch. Ảnh: Đình Việt

Sở Du lịch TP cũng nghiên cứu các kịch bản kịp thời để chuẩn bị khôi phục du lịch sau dịch như hỗ trợ cho công tác quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, triển khai chương trình kích cầu du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới và nâng chất các sản phẩm du lịch hiện tại như du lịch y tế, du lịch đường thủy, du lịch lịch sử, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực…

Trên thực tế, du lịch Việt Nam từng bị cú sốc tê liệt vào năm 2009 do khủng hoảng kinh tế và dịch cúm A/H1N1. Ngay lúc đó, Tổng cục Du lịch đã thành lập nhóm kích cầu triển khai nhiều giải pháp như đề nghị Chính phủ giảm thuế VAT từ 10%  xuống còn 5% cho các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho khách du lịch.  Đặc biệt, các hãng hàng không cũng vào cuộc, giảm 55 - 60% giá vé máy bay...

Ngay sau đó, hiệu ứng kích cầu rất lớn, ngành du lịch vượt qua khó khăn và đứng dậy. Với gói kích cầu lần này, hy vọng các DN sẽ dần khôi phục và phát triển mạnh mẽ trở lại.