Bán cá giá cao
Nằm biệt lập trong xã Tả Van, thị trấn Sa Pa (Lào Cai), những ngày này, trang trại cá nước lạnh của bà Nhàn vẫn yên bình, mọi thứ vẫn hoạt động bình thường. Đặc biệt, lượng cá hồi, cá tầm tại trang trại được các lái buôn thu mua đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh.
Công nhân thu hoạch cá đặc sản tại trang trại của bà Nguyễn Thị Nhàn ở Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Trần Quang
"Để chăn nuôi chuyên nghiệp và bền vững hơn, chúng tôi đã định hướng và có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở, trang trại trên địa bàn tích cực sản xuất, chăn nuôi cá đặc sản theo quy chuẩn VietGAP nhằm tạo sản phẩm an toàn, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng, yêu cầu ngày càng cao của thị trường”. Bà Phạm Thị Hoa Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai |
"Năm nay chúng tôi cũng may mắn vì nuôi nhiều cá tầm, ít cá hồi nên không những không lo ế mà sản phẩm còn bán được giá cao hơn thời điểm trước khi có dịch bệnh"- bà Nhàn tiết lộ.
Thông thường theo xu hướng của nghề chăn nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa, bà con thường chăn nuôi nhiều cá hồi hơn, vì loài cá này có giá cao và đỡ phải cạnh tranh với cá nhập lậu từ Trung Quốc về.
Tuy nhiên, điều không may là năm nay gặp phải đại dịch Covid-19, loài cá này bị "thất sủng" vì mất khách. Trong khi đó, sản phẩm cá tầm lại lên ngôi, người nuôi loài cá này lại bán được sản phẩm với giá cao.
"Từ khi xảy ra dịch đến giờ nguồn cá tầm nhập lậu Trung Quốc "hết cửa" vào Việt Nam. Nhờ thế mà giá cá này ở trong nước lại tăng cao, người nuôi được hưởng lợi khá nhiều"- bà Nhàn khẳng định.
So với trước Tết Nguyên đán, đến giờ giá cá tầm đã tăng lên trên 240.000 đồng/kg (mức tăng trên dưới 40.000 - 60.000 đồng/kg). Dù giá đã tăng nhưng nguồn cá này cũng không có nhiều nên giờ bà con chăn nuôi loài cá đặc sản này không cần phải lo lắng đầu ra mà mọi người cứ túc tắc bán dần để thu lãi.
Hiện, trang trại của bà Nhàn đang nuôi hơn 50 bể cá, trong đó trên 30 bể nuôi cá tầm. Bà Nhàn cho biết, đến thời điểm này phần lớn đàn cá của bà đã đến tuổi xuất bán nhưng do các nhà hàng, khách sạn tạm đóng cửa nên chủ yếu bà xuất bán cá cho các lái thân, quen chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành.
Cũng theo bà Nhàn, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tiêu thụ cá cũng gặp nhiều khó khăn nhưng bà con nuôi cá tầm ở Sa Pa không lo lắng mà ngược lại mọi người vẫn bình thản. Vì dù có không xuất bán được sản phẩm ngay thì người dân vẫn để cá trong bể chăm sóc bình thường, đến khi hết dịch bệnh dễ bán đàn cá có trọng lượng lớn hơn, người nuôi sẽ càng có lời nhiều hơn.
"Cá tầm ít bệnh, sống khỏe và có thể nuôi dài thời gian hơn cá hồi hàng chục năm. Nếu không bị ảnh hưởng bởi lũ quét, thời tiết bất lợi thì người nuôi loài cá đặc sản này cứ yên tâm hưởng lợi"- bà Nhàn vui vẻ nói.
Chú trọng khâu chế biến
Xác định hướng làm ăn lâu dài và bền vững nên gia đình bà Nhàn đã sớm đầu tư kinh phí triển khai nuôi cá nước lạnh theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, trang trại cá đặc sản của bà Nhàn đang áp dụng quy trình chăn nuôi rất bài bản. Hiện, mỗi bể cá tại trang trại này đều được cắm biển, ghi chép cẩn thận về ngày xuống giống, chủng loại giống, loại cám cho ăn; đặc biệt, có sổ theo dõi các bể nuôi về lượng thức ăn, thuốc phòng bệnh.
Đặc biệt, bà Nhàn còn đầu tư hàng tỷ đồng vào việc xây dựng bể, lắp đặt hệ thống lọc nước tự nhiện hiện đại. Điều đáng chú ý tại trang trại rộng hàng nghìn m2 này là nguồn điện dùng để bơm lọc nước, tháp sáng, chăm sóc cá được cung cấp từ hệ thống đập thủy điện mini lắp đặt bên dòng suối chảy qua đây.
Bên cạnh việc xuất bán cá tươi thương phẩm, bà Nhàn còn chủ động đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để chế biến cá hồi, cá tầm nhằm đa dạng hóa sản phẩm của mình. Hiện, trang trại này đang đưa ra thị trường các tỉnh, thành nhiều sản phẩm chất lượng cao như ruốc cá hồi, cá hun khói, phi lê cá hồi...