Dân Việt

Lào Cai: Miến đao sâm làm từ những củ gì mà bán đắt thế?

Đức Phương 23/04/2020 07:00 GMT+7
Nghiên cứu, sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm mới, tốt cho sức khỏe, tiếp cận thị trường cao cấp là hướng đi của Hợp tác xã Minh Phúc (ở tổ 11, thị trấn Bát Xát, trước đây là thôn Bản Trung, xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), từng bước chinh phục thị trường trong nước với sản phẩm miến đao sâm.

Miến đao từ lâu được biết đến là sản phẩm truyền thống của huyện Bát Xát, được thị trường ưa chuộng. Năm 2017, Hợp tác xã Minh Phúc đã nghiên cứu, sản xuất thành công và đưa ra thị trường sản phẩm miến đao sâm, được chế biến từ củ dong riềng kết hợp với củ hoàng sin cô (sâm khoai).

img

Sản xuất miến đao sâm tại Hợp tác xã Minh Phúc, thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Hợp tác xã thu mua nguyên liệu củ dong riềng và củ hoàng sin cô ở các xã A Lù, Ngải Thầu, Dền Thàng Cốc Mỳ, Nậm Chạc và Trịnh Tường để sản xuất 10 - 20 tấn miến thành phẩm mỗi năm.

Để chinh phục thị trường, hợp tác xã sản xuất sản phẩm sạch từ khâu liên kết với người trồng đến sản xuất tinh bột, ngâm ủ bột, tráng miến, phơi miến và đóng gói sản phẩm. Tất cả đều đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điểm khác biệt của sản phẩm miến do hợp tác xã sản xuất là miến có sự kết hợp của bột dong riềng  được ngâm, ủ với tinh chất chiết xuất từ củ hoàng sin cô (có thành phần saponin) có tác dụng tốt cho sức khỏe.

Anh Nguyễn Đức Quân, Giám đốc Hợp tác xã Minh Phúc cho biết: Miến đao sâm được hợp tác xã đưa ra thị trường lần đầu tiên vào năm 2017. Thời gian đầu, do giá thành sản phẩm cao gấp đôi so với miến thông thường nên rất khó tiếp cận thị trường. Chúng tôi phải tiếp cận thị trường tại các thành phố lớn, đưa vào các cửa hàng, siêu thị bán các sản phẩm tốt cho sức khỏe và dần dần được người tiêu dùng đón nhận.

Hiện nay, sản phẩm miến đao sâm đã tiếp cận được thị trường Lào Cai, Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc… Ngoài ra, miến đao sâm cũng được một số đối tác phân phối trên thị trường thương mại điện tử và thị trường châu Âu. Mục tiêu của chúng tôi là chinh phục thị trường trong nước trước khi hướng tới thị trường xuất khẩu.

Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiết bị điện Hasuco (Hà Nội) - đối tác của Hợp tác xã Minh Phúc cho biết: Ban đầu, tôi mua sản phẩm miến đao sâm về dùng thử thấy ngon, ăn không bị cồn ruột như miến thông thường nên đã giới thiệu cho bạn bè cùng sử dụng. Nhận thấy thị trường có nhu cầu, công ty đã hợp tác với Hợp tác xã Minh Phúc để phân phối sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Mặc dù sản phẩm có giá thành cao nhưng tốt cho sức khỏe nên vẫn dễ tiêu thụ. Đặc biệt, khách hàng có thu nhập khá rất thích sản phẩm miến đao sâm. Mỗi năm, công ty phân phối hơn 6 tấn miến đao sâm tại thị trường Hà Nội.

Anh Nguyễn Mạnh Quân, Giám đốc Hợp tác xã Minh Phúc cho biết, hợp tác xã không chỉ dừng lại ở sản phẩm miến đao sâm mà đang tiếp tục nghiên cứu để sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm tốt cho sức khỏe phục vụ người tiêu dùng.

Đặc biệt, hợp tác xã sẽ đầu tư máy móc, thiết bị, chú trọng sản xuất các sản phẩm cho phân khúc thị trường cao cấp. Hợp tác xã cũng đang xúc tiến đưa sản phẩm vào phân phối tại 2 chuỗi siêu thị lớn là VinMart và Big C, nếu thành công thì đây sẽ là bước tiến lớn của hợp tác xã trên con đường chinh phục người tiêu dùng.

Sự đón nhận của thị trường đối với sản phẩm miến đao sâm do Hợp tác xã Minh Phúc sản xuất cho thấy, để người tiêu dùng thích và dùng sản phẩm trong nước, doanh nghiệp cần năng động, sáng tạo, sản xuất ra các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tốt cho sức khỏe…