Dân Việt

Bắt đầu từ thị trường, nông nghiệp chờ cơ hội để bứt phá

Khương Lực 29/04/2020 16:08 GMT+7
Những tháng đầu năm 2020, ngành NNPTNT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có về thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 mang tính toàn cầu. Dù vậy, NNPTNT vẫn được xác định là ngành có lợi thế và kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu kép.

Đứt gẫy chuỗi cung nông sản

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu-Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu cho biết, dịch Covid-19 đã khiến các đơn hàng xuất khẩu trái cây qua thị trường Mỹ, Nhật Bản bị chậm, ngưng tới 80%.

Không xuất khẩu được trái cây qua các thị trường Mỹ, Nhật Bản như trước, công ty của bà đã quay lại mở rộng tiêu thụ tại thị trường nội địa, thậm chí tới cả những nơi vùng sâu, vùng xa để bán hàng. Đây là cách doanh nghiệp lựa chọn để chống chọi qua thời khắc khó khăn hiện tại.

img

 Nhiều doanh nghiệp ở Bình Thuận đang chuẩn bị sản lượng thanh long để khi thị trường Trung Quốc thông suốt sẽ tăng tốc xuất khẩu.  Ảnh: K.L

Được mệnh danh là “vua thanh long”, từ nhiều năm qua, ông Trần Ngọc Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu đã trồng và phát triển sản phẩm thanh long ruột tím nổi tiếng, xuất khẩu đi EU chiếm khoảng 60-70%. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn bộ đơn hàng nhập khẩu từ EU bị đối tác ngừng hết.

“Toàn bộ thanh long của công ty hiện chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhưng số lượng xuất khẩu cũng bị hạn chế, chỉ bằng 50-60% so với thời điểm trước dịch” - ông Hiệp cho biết.  Số liệu cập nhật từ Bộ NNPTNT cho thấy, tính đến ngày 18/4, lượng hàng hoá tồn tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 2.600 xe (trong đó riêng cửa khẩu Tân Thanh tồn gần 1.000 xe, mỗi ngày chỉ xuất khẩu được 50 xe, trước đây xuất khẩu trên 300 xe/ngày).

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tỷ lệ các đơn hàng vẫn được giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30-50%. Trong khi đó, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20-40% và 20-30%).

Thực tế, trong thời gian gần đây, hoạt động xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực giảm mạnh, thậm chí do thực hiện giãn cách xã hội còn dẫn đến việc ngừng, hủy hàng loạt hợp đồng xuất khẩu. Như mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong quý I/2020, nhưng đến đầu tháng 4/2020 đã có khoảng 80% đơn hàng phải tạm dừng, trong khi chưa tìm được đơn hàng mới.

Tương tự, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tỷ lệ các đơn hàng vẫn được giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30-50%. Trong khi đó, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20-40% và 20-30%). Đáng chú ý, trong quý II và III/2020, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không có các đơn hàng mới.

Hướng tới làm sạch, chờ thời cơ bứt phá

Không chỉ vậy, những tháng đầu năm 2020, ngành NNPTNT còn đối mặt với hai thách thức lớn: Về khí hậu, thời tiết cực đoan, tác động biến đổi khí hậu và các dịch bệnh đe dọa.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, dù trong hoàn cảnh nào thì con người vẫn có nhu cầu về lương thực, thực phẩm. Do vậy, ngành nông nghiệp phải chuẩn bị các kịch bản để sẵn sàng tăng tốc sản xuất, tìm thị trường mới cho các mặt hàng xuất khẩu sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Dù toàn bộ sản lượng thanh long xuất khẩu sang EU chiếm tới 60-70% sản lượng đã bị ngừng trệ, nhưng ông Trần Ngọc Hiệp vẫn duy trì sản xuất cho cây ra trái, đậu quả, song điều chỉnh sản lượng xuống chừng 30-40% với hy vọng vài ba tháng tới dịch Covid-19 lắng xuống thì công ty vẫn có hàng để xuất khẩu.

 “Bắt đầu từ thị trường” - đó là điều ông Nguyễn Ngọc Luân-Giám đốc HTX Lâm San (người từng làm việc và lấy lấy bằng tiến sỹ lọc hóa dầu ở Cộng hòa Liên bang Đức) luôn tâm niệm thực hiện khi trở về Việt Nam bắt tay vào sản xuất hồ tiêu sạch theo hướng hữu cơ. Hiện mỗi năm HTX Lâm San xuất khẩu trực tiếp từ  1.000-1.200 tấn hồ tiêu cho các bạn hàng EU.

Để tạo uy tín và thương hiệu, HTX Lâm San đã thực hiện truy xuất nguồn gốc tới từng bao tiêu của hộ nông dân và gửi thông tin chi tiết về sản phẩm cho khách hàng. Từ đó, nhu cầu đặt hàng hồ tiêu của HTX Lâm San từ châu Âu ngày càng tăng cao, chứ không giảm vì dịch Covid-19.

Tuy nhiên, do việc kiểm soát kỹ và khó khăn về logistics nên thay vì xuất khẩu 10 chuyến, nay chỉ còn 7-8 chuyến. “Điều đó không đúng cho ngành tiêu Việt Nam, vì ngành tiêu của Việt Nam lâu nay hàng đi châu Âu được thì nó khắt khe hơn. Riêng HTX của tôi có chất lượng thành ra chúng tôi tăng vì chất lượng chứ không phải vì dịch Covid-19” - ông Luân giải thích.